Napoleon là một trong những danh tướng vĩ đại nhất lịch sử. Tuy nhiên, ông đã thua trong trận đánh nổi tiếng Waterloo năm 1815, sau đó bị đi đày.
Chủ nhật, ngày 18.6.1815, tại gần Waterloo thuộc nước Bỉ ngày nay, một trận đánh ác liệt diễn ra giữa quân của Napoleon huyền thoại và liên quân của Anh và các đồng minh hùng mạnh như Nga, Áo, Phổ, Thụy Điển, Hà Lan, Tây Ban Nha…
Sự trở về của nhà vua
Theo sách Napoleon - cuộc đời và sự nghiệp, sau khi trở thành vị tổng tài thứ nhất vào đầu năm 1800, Napoleon tổ chức lại quân đội và đánh bại Áo.
Đến năm 1807, ông đã kiểm soát một đế chế trải dài từ sông Elbe ở phía Bắc, dọc xuống Italy ở phía Nam, và từ dãy Pyrenees (biên giới tự nhiên giữa Pháp và Tây Ban Nha) ở phía Tây cho đến bờ biển Dalmatia (thuộc Croatia ngày nay) ở phía Đông.
Quyết định tấn công nước Nga năm 1812 là sai lầm tai hại của vị hoàng đế này. Trong chuyến hành quân chinh phục đó, quân đội Napoleon bị đánh bại bởi danh tướng huyền thoại Mikhail Kutuzov. Sau đó, đoàn quân này thất bại hoàn toàn dưới tay lực lượng đồng minh năm 1814, Napoleon bị đày đến đảo Elba trên Địa Trung Hải.
Bức tranh mô phỏng trận đánh lừng danh trong lịch sử loài người.
Đầu năm 1815, Napoleon trốn về để thiết lập chế độ mới. Nhờ uy tín của mình, hoàng đế nước Pháp nhanh chóng tập hợp được lực lượng. Thậm chí, ngay cả một số người được cử đi bắt ông cũng quay lại quy thuận “thân chủ”. Họ đồng thanh hô vang “Hoàng đế vạn tuế” và cùng ông quay về Paris, khiến hoàng đế chính thức là Luis XVI phải bỏ chạy.
Dù thất bại và bị lưu đày, uy tín của Napoleon vẫn rất cao. Khi quân đồng minh tập trung ở các vùng biên giới nước Pháp, ông tổ chức lực lượng mới tiến vào Bỉ. Ông dự định đánh bại từng đội quân một trong liên minh gồm Anh, Phổ, Hà Lan, Hannover, Nassau, Brunswick trước khi họ có thể phối hợp phát động tấn công.
Ngày 16.6.1815, ông đánh bại quân Phổ dưới sự chỉ huy của Gebhard Leberecht von Blucher ở Ligny, Bỉ. Hơn 30 nghìn quân đã truy đuổi tàn quân Phổ. Đây chính là chiến thắng quân sự cuối cùng của Napoleon.
Trận Waterloo huyền thoại
Ngày 18.6.1815, Napoleon dẫn 72.000 quân chống lại đội quân của công tước xứ Wellington gồm 68.000 người, vốn đang đóng tại một vị trí vững chắc gần làng Waterloo - địa điểm cách thủ đô của nước Bỉ khoảng 20 km.
Trong một sai lầm chết người, Napoleon đã trì hoãn đến trưa mới ra lệnh tấn công để chờ mặt đất khô ráo. Điều này tạo cơ hội cho quân đội của Blucher có thời gian tiến đến Waterloo, tham gia vào trận chiến lúc chiều muộn.
Sau những cuộc tấn công liên tục, Napoleon không thể phá vỡ trung tâm của lực lượng đồng minh. Trong khi đó, quân Phổ đang kéo tới và gây sức ép lên sườn phía Đông của quân đội Napoleon.
Napoleon là nhà quân sự nổi tiếng thế giới.
Đến cuối chiều, quân Pháp, dưới sự chỉ huy của Michel Ney, đã chiếm được trang trại thuộc khu trung tâm của lực lượng đồng minh. Nhưng Napoleon phải chống chọi với 30.000 quân Phổ tấn công vào sườn đạo quân của ông nên không thể đến hỗ trợ cho cuộc tấn công của Ney sau 19h.
Vào buổi hoàng hôn, hai đội hình vuông của quân Pháp dần bị đẩy lui. Dù vẫn còn giữ được hàng ngũ, những khẩu pháo và tất cả thứ còn lại đều rơi vào tay liên minh. Xung quanh lực lượng cận vệ này là hàng nghìn lính Pháp tháo chạy trong hỗn loạn.
Kỵ binh liên quân truy đuổi quân Pháp tới tận 23h, và cướp được cỗ xe của Napoleon với những viên kim cương mà sau này được đính lên vương miện của vua Phổ. 78 khẩu pháo bị liên quân thu giữ, hai nghìn tù binh bị bắt sống, trong đó bao gồm cả nhiều tướng lĩnh Pháp.
Những ghi chép của Ney đã miêu tả cảnh quân Pháp rút lui trong hỗn loạn, nhưng vẫn rất dũng cảm. Theo thống kê, thiệt hại của quân đội Pháp trong trận Waterloo là hơn 40.000 người chết, bị thương và mất tích, cùng khoảng 9.000 người bị bắt giữ. Quân đội đồng minh thiệt hại khoảng 17.000 người.
Đồi Sư Tử chính nơi diễn ra trận Waterloo ngày 18.6.1815.
Sau thất bại ở Waterloo, Napoleon trở lại Paris và đến ngày 22.6.1815 thì thoái vị, nhường ngôi cho con trai mình. Sau đó, ông bị đày tới Saint Helena, một hòn đảo hoang vu trên Đại Tây Dương nằm ngoài bờ biển châu Phi và sống thầm lặng trên đảo trong suốt 6 năm.
Tháng 5.1821, Napoleon qua đời vì trọng bệnh, khi mới 52 tuổi. Năm 1840, thi thể của ông được đưa về Paris để tổ chức tang lễ và chôn cất dưới mái vòm của điện Invalides ở Paris.
Dù cuối cùng Napoleon bị đánh bại hoàn toàn, không ai có thể phủ nhận tài năng quân sự thiên tài của vị hoàng đế với chiều cao 1,69 m.
Người thống trị thiên hạ ở Nhật, sánh ngang Tần Thủy Hoàng
Một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất trong lich sử Nhật Bản là người theo đường lối cải cách mạnh mẽ, đặt nền ... |
Những bí ẩn ở chốn hậu cung của Tử Cấm Thành
Những phi tần không được hoàng đế để mắt tới có thể lén lút thông đồng với thái giám trong hậu cung. |
Bí mật về chốn thâm cung bí sử của Tử Cấm Thành
Nhiều người sẽ bất ngờ khi tìm hiểu đời sống chốn phòng the của hoàng đế hay những cuộc tranh giành quyền lực ngấm ngầm ... |
http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/tran-chien-cuoi-cung-cua-hoang-de-vi-dai-nhat-lich-su-nuoc-phap-813331.html
Ngày đăng: 21:00 | 14/10/2017
/ Dân Việt