Trạm sạc xe điện đang bước vào giai đoạn bùng nổ toàn cầu, nhưng đi kèm với đó là hàng loạt thách thức lớn về chi phí, hạ tầng và hành vi người dùng.

Tổng số điểm sạc công cộng toàn cầu theo khu vực. (Nguồn: IEA)
Khi xe điện (EV) trở thành xu hướng chủ đạo trong ngành giao thông, trạm sạc không chỉ là hạ tầng kỹ thuật mà còn là một lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng. Từ Bắc Âu đến châu Á, các quốc gia đang thử nghiệm nhiều mô hình khác nhau để tối ưu hóa lợi nhuận, trải nghiệm người dùng và hiệu quả năng lượng.
Đòn bẩy từ chính sách và công nghệ
Một trong những động lực lớn nhất thúc đẩy mô hình trạm sạc là chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ. Tại châu Âu, quy định AFIR yêu cầu các quốc gia EU phải lắp đặt trạm sạc nhanh 150 kW mỗi 60 km trên mạng lưới đường cao tốc TEN-T vào năm 2025. Điều này tạo ra thị trường rõ ràng cho doanh nghiệp đầu tư.
Frank Mühlon, Chủ tịch mảng e-mobility của ABB, nhận định: “Nếu muốn đạt mục tiêu 290 triệu điểm sạc toàn cầu vào năm 2040, thế giới cần hơn 500 tỷ USD đầu tư công – tư. Quan trọng nhất là phải có tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng và sự phối hợp giữa chính phủ và doanh nghiệp.”
Tại châu Âu, Hà Lan nổi bật với tư duy quy hoạch tích hợp. Mật độ trạm sạc công cộng tại đây cao nhất khu vực, nhờ sáng kiến thiết kế sạc gắn vào cột đèn đường, bãi xe công cộng, và không gian đô thị khác. Cách làm này không chỉ tiết kiệm diện tích mà còn giảm chi phí triển khai và nâng cao tính thuận tiện cho người dùng.
Na Uy là một ví dụ điển hình khi thiết lập được sự phối hợp hiệu quả giữa chính sách thuế ưu đãi, trợ cấp tiêu dùng và quy hoạch mạng lưới trạm sạc phủ rộng khắp đất nước. Nhờ khai thác điện năng từ thủy điện, quốc gia Bắc Âu này đã đạt tỷ lệ hơn 80% xe mới bán ra là xe điện — một con số vượt xa nhiều nước phát triển.

Xe điện đang sạc tại một trạm bên kênh đào ở thủ đô Hà Lan. (Nguồn: Dreamstime)
Trung Quốc lại thể hiện sức mạnh ở quy mô và tốc độ. Sở hữu hơn 65% số trạm sạc công cộng toàn cầu, nước này đầu tư mạnh mẽ vào mô hình hoán đổi pin, đồng thời tối ưu hóa vòng đời và hiệu suất vận hành. Các chương trình quốc gia như PM E-DRIVE đã tạo nền móng cho doanh nghiệp EV mở rộng nhanh chóng trong môi trường được chính phủ bảo trợ mạnh mẽ.
Tại Trung Quốc, số lượng trạm sạc nhanh tăng từ 1,2 triệu lên 1,6 triệu chỉ trong năm 2024. Chi phí thiết bị cũng giảm 20% trong 2 năm qua, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn.
Giovanni Palazzo, CEO của Electrify America, chia sẻ: “Thị trường trạm sạc sẽ phân mảnh trong ngắn hạn, nhưng sẽ hợp nhất và chuyên nghiệp hóa trong vài năm tới.”
Còn ở Mỹ, vai trò dẫn dắt hạ tầng sạc phần lớn thuộc về khối tư nhân với các tên tuổi như Tesla và Electrify America. Mặc dù chính phủ đã rót khoảng 5 tỷ USD thông qua chương trình NEVI để mở rộng mạng lưới sạc, tiến độ triển khai vẫn còn chậm. Mô hình hợp tác công – tư đang được đẩy mạnh với kỳ vọng tạo ra hệ sinh thái bền vững trong dài hạn.

Trạm sạc hai chiều lớn nhất Trung Quốc có thể đồng thời cung cấp điện từ 50 xe điện vào lưới điện. (Nguồn: Xinhua)
Bài toán chi phí, hạ tầng và thói quen người tiêu dùng
Dù tiềm năng lớn, mô hình trạm sạc vẫn đối mặt với nhiều rào cản. Đầu tiên là chi phí đầu tư cao. Trạm sạc siêu nhanh (350 kW) có thể cần nâng cấp máy biến áp và đường dây, với chi phí từ 5.000 đến 30.000 USD mỗi điểm sạc. Ngay tại Mỹ, nhiều vùng nông thôn thiếu điện lưới đủ mạnh để triển khai trạm sạc nhanh. Trong giai đoạn đầu, hành vi người dùng vẫn chưa định hình rõ, nên doanh nghiệp cần thử nghiệm nhiều mô hình khác nhau để tìm ra chiến lược phù hợp.
Một thách thức đáng kể khác là khả năng tiếp cận và trải nghiệm người dùng. Nhiều người dùng mới chuyển sang xe điện vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm trạm sạc phù hợp, do sự phân mảnh về ứng dụng, phương thức thanh toán và giao diện sử dụng. Việc phải tải nhiều ứng dụng khác nhau, đăng ký tài khoản riêng lẻ hoặc sử dụng thẻ RFID không thống nhất khiến trải nghiệm sạc trở nên phức tạp và thiếu thân thiện.

Việc sử dụng xe điện ngày càng tăng ở châu Âu đang dẫn đến nhu cầu về cơ sở hạ tầng sạc được cải thiện. (Nguồn: Rolandberger)
Theo báo cáo của Roland Berger, hành vi người dùng EV rất khó đoán, đặc biệt trong giai đoạn đầu chuyển đổi. Người dùng có thể thay đổi thói quen di chuyển, thời gian sạc và địa điểm sạc tùy theo hoàn cảnh, khiến việc xây dựng mô hình kinh doanh ổn định trở nên khó khăn. Điều này đòi hỏi các nhà vận hành phải liên tục thử nghiệm, phân tích dữ liệu hành vi và điều chỉnh chiến lược linh hoạt.
Với chi phí đầu tư ban đầu cao, thời gian hoàn vốn dài và mức độ sử dụng chưa ổn định, việc triển khai trạm sạc đòi hỏi sự kiên nhẫn và tầm nhìn dài hạn. Chuyên gia Giovanni Palazzo cho rằng: “Một địa điểm có thể rất tiềm năng, nhưng nếu không có đủ điện lưới thì cũng không thể triển khai. Thách thức lớn nhất là tiếp cận mặt bằng, hỗ trợ từ chính quyền địa phương và tuyển dụng nhân sự giỏi.”

Trạm sạc xe điện cần kết hợp với các mô hình kinh doanh truyền thống. (Nguồn: Autonews)
Không có một mô hình chuẩn
Kinh nghiệm từ Trung Quốc, nơi đã có hơn 1 triệu điểm sạc công cộng, cho thấy sự vào cuộc đồng bộ giữa chính phủ, doanh nghiệp và ngành giao thông là yếu tố sống còn.
Không có một mô hình “chuẩn toàn cầu” cho trạm sạc. Mỗi quốc gia cần điều chỉnh theo đặc điểm địa lý, hành vi người dùng và hạ tầng điện. Tuy nhiên, một hệ thống trạm sạc thành công cần phải đáp ứng những điều kiện chung như chính sách rõ ràng, dài hạn; công nghệ sạc nhanh; tích hợp năng lượng tái tạo và mô hình kinh doanh kết hợp các tiện ích sống khác (siêu thị, quảng cáo, ăn uống, lưu trú…).
Ngày đăng: 15:51 | 28/07/2025
Minh Hoàn / VTC News