Các sân bay và hãng hàng không đang tung ra nhiều chương trình khuyến khích để thu hút người lao động trong bối cảnh thiếu nhân lực, thậm chi cả nhận trông con cho nhân viên.
Trong đợt cao điểm bay hè năm ngoái, tình trạng thiếu nhân lực làm các công việc như vận chuyển hành lý hay dịch vụ chăm sóc khách hàng đã gây ra tình trạng xếp hàng dài và khiến nhiều chuyến bay bị chậm trễ. Điều này đã cản trợ sự phục hồi của ngành hàng không sau đại dịch, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp phải có nhiều sáng kiến hơn để thu hút người lao động.
"Nếu muốn nhân viên làm việc theo ca một cách 'điên cuồng', vào lúc nửa đêm, hay giữa trưa, bạn cần phải quan tâm đến gia đình của họ", Thomas Romig – Phó giám đốc Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI World) cho biết.
Một phần vấn đề của ngành hàng không là lương thấp và công việc vất vả, khiến việc giữ chân nhân viên tại các sân bay trở thành một thách thức. Vấn đề này càng trầm trọng do đại dịch và tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất lịch sử trong vòng hơn 53 năm qua.
Nhận trông giữ con cho nhân viên
Công cụ hỗ trợ công việc là cần thiết vì mức lương trung bình của các nhân viên sân bay Mỹ hiện dưới 18 USD/giờ. Con số này thấp hơn nhiều so với các hãng thương mại điện tử, như Amazon với gần 33 USD/giờ, theo hãng tư vấn tuyển dụng ZipRecruiter.
Các chương trình chăm sóc trẻ đang được áp dụng ngày càng nhiều ở các sân bay tại Mỹ. Vì vậy, Bộ phận hàng không của công ty điều hành Sân bay Quốc tế Phoenix Sky Harbor quyết định đưa ra chương trình chăm sóc con cho các nhân viên sân bay.
Công ty còn lên kế hoạch xây dựng cơ sở trông trẻ trong khuôn viên sân bay. Bộ phận này có khoảng 900 nhân viên. Vẫn còn 133 vị trí trong 171 cơ hội việc làm còn trống.
Kể từ khi ra mắt, 37 nhân viên tại sân bay đã tham gia, chương trình này sẽ trang trải một phần chi phí chăm sóc ban ngày. Thành phố Phoenix cũng đang chi 1 triệu USD để phát triển một cơ sở chăm sóc trẻ em riêng biệt bên cạnh sân bay.
Tại Sân bay Quốc tế Kelowna ở Canada, việc xây cơ sở chăm sóc con cái cho nhân viên cũng đang được tiến hành. Phillip Elchitz - một quản lý cấp cao tại sân bay - cho biết dự án này đã giữ chân được một nhân viên dịch vụ khách hàng là bố đơn thân. "Cậu ấy biết sắp có chỗ để gửi con và không cần phải tìm việc khác nữa. Đó chính xác là điều chúng tôi muốn khi làm việc này", Elchitz nói.
Xe ô tô mới và iPhone miễn phí
Bên cạnh việc trông trẻ, một số sân bay ở California còn cũng cấp nhiều dịch vụ khác để giúp cuộc sống của các nhân viên dễ dàng hơn. Tháng 7/2022, San Francisco tăng trợ cấp đi lại cho các nhân viên sử dụng phương tiện công cộng hơn 50%, lên 200 USD một tháng. Trong khi đó, xe đưa đón miễn phí đang được thử nghiệm cho những người ở quá xa.
Kelowna cũng đang xem xét dịch vụ đưa đón nhân viên làm ca đêm hoặc sáng sớm, khi phương tiện giao thông công cộng dừng hoạt động.
Không chỉ sân bay, các hãng bay cũng gặp tình trạng tương tự trên mặt trận tuyển dụng và đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục. Delta Air Lines sẽ thưởng 5.000 USD cho các nhân viên bốc xếp hành lý ký hợp đồng. Các hãng khác như United Airlines và Alaska Airlines cũng cố gắng thu hút công nhân bằng chính sách tương tự.
Unifi – công ty cung cấp nhân sự và thiết bị cho Delta, United và Alaska Airlines đã chứng kiến chi phí để tuyển dụng lao động mới trong thị trường lao động khan hiếm tăng tới 60% so với mức trước đại dịch. Giám đốc chiến lược Unify Ying McPherson cho biết với tỷ lệ thay thế nhân viên tăng cao, Unifi đã phải đưa ra các chương trình khuyến khích để giữ chân nhân tài.
Năm ngoái, công ty đã cấp ô tô mới cho 3 nhân viên, thậm chí tặng smartphone (bao gồm cả iPhone) cho hơn 3.000 người đạt được mục tiêu hiệu suất. Công ty này còn đang lập quỹ khẩn cấp và tài trợ cho một chương trình cho phép nhân viên mua đồ dùng, máy tính.
Trong một số trường hợp, các hãng hàng không và công ty dịch vụ hàng không còn tạo điều kiện cho công nhân ở khách sạn địa phương nhằm tránh chi phí thuê thêm nhân viên trong thị trường lao động ngày càng khó khăn hơn.
Tham khảo: Reuters
Ngày đăng: 11:15 | 01/03/2023
/