Nhiều bạn trẻ Việt Nam chọn cách sống theo kiểu "trạch" vì nhiều nguyên nhân. Họ cảm thấy đây là cách sống phù hợp, họ vui vì điều đó.
"Trạch nam, trạch nữ" là một thuật ngữ đi cùng với trào lưu tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc. Nó được dùng để chỉ những thanh niên dành phần lớn thời gian của mình ở nhà, họ rất ít ra ngoài và không có nhiều mối quan hệ xã hội.
Trào lưu này xuất phát từ Nhật, phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc và hiện đã lan đến Việt Nam, đặc biệt ở những thành phố lớn.
Trao đổi với phóng viên, B.D.T (19 tuổi, Hà Nội) - một thành viên trong nhóm "trạch nam" ở Việt Nam cho biết, cậu chỉ có thể tìm thấy được niềm vui khi ở một mình trong khoảng không gian hẹp.
"Ngoài thời gian đi học, em dành hầu hết thời gian trong phòng của mình, chơi game và trò chuyện cùng những bạn "trạch" khác có chung sở thích. Em không có nhu cầu ra ngoài và cũng không cần ra ngoài, trừ những trường hợp bất khả kháng.
Nhiều người nghĩ rằng rằng em bị tự kỷ, nhưng thực ra không phải vậy. Em không gặp bất kỳ vấn đề gì về giao tiếp xã hội, chỉ có điều em không muốn mất quá nhiều thời gian vào những mối quan hệ vô bổ", T. chia sẻ.
Một "trạch nữ" Trung Quốc trong căn phòng của mình |
T. cho biết, khi còn là học sinh trung học cậu cũng bình thường như bao người khác. Thế rồi xảy ra một việc khiến T. chọn lối sống kiểu "trạch" để tự tìm niềm vui cho riêng mình.
"Hồi học lớp 10, em có thích một bạn cùng lớp. Sau một thời gian "thả thính" bạn ấy đồng ý làm người yêu của em. Cả hai đều là mối tình đầu của nhau, và em rất trân trọng điều đó.
Thế rồi một ngày, em phát hiện ngoài em ra bạn ấy còn có người khác. Hai người thường xuyên hẹn hò đi chơi, đi xem phim trong lúc em vắng mặt. Chứng kiến điều đó, em sụp đổ hoàn toàn, em không còn tin vào tình yêu, mọi thứ chỉ là giả dối.
Em thu mình trong phòng và dành phần lớn thời gian xem phim, chơi game để quên đi mối tình đó. Trong suốt thời gian này, em quen rất nhiều bạn trên mạng, trò chuyện với họ em cảm thấy rất vui. Em có thể trút cạn bầu tâm sự mà không lo về chuyện bí mật bị bại lộ.
Thật tốt khi trò chuyện thân mật với một người lạ mà họ không biết ta là ai, họ cũng không có khả năng làm ta bị tổn thương. Ở trên mạng em có thể trở thành bất kỳ ai, điều đó thật thú vị", T. nhớ lại.
H.K.M. (25 tuổi, Hà Nội) - quản trị viên một nhóm "trạch nữ" cho hay, có rất nhiều nguyên nhân khiến giới trẻ chọn lối sống kiểu "trạch".
"Có người cảm thấy thiếu tự tin khi đi ra ngoài. Có người cảm thấy mất niềm tin vào xã hội sau khi chứng kiến hoặc trải qua một số điều tồi tệ và họ nghĩ rằng, chỉ khi ở trong phòng một mình họ mới an toàn.
Hoặc đơn giản, họ không muốn đi ra ngoài vì họ không thích thế, họ chỉ muốn dành thời gian ở trong căn phòng ấm cúng của mình để đọc truyện, xem phim, chơi game...", M. chia sẻ.
Nói thêm về cuộc sống của một "trạch nữ", M. tiết lộ, ngoài thời gian đi làm, đi học, các "trạch" sẽ nhanh chóng trở về căn phòng của mình, nơi mà đối với họ là khoảng trời hạnh phúc, bình yên. Mọi nhu cầu cơ bản đều được giao dịch thông qua các ứng dụng mua sắm online, giao hàng tận nhà.
"Có nhiều người nhầm lẫn khái niệm "trạch" với Otaku, Hikikomori và Neet. Cá nhân em thấy, "trạch" có nhiều điểm tương đồng với Otaku nhưng về khoản giao tiếp xã hội (trong tình thế bắt buộc), "trạch" làm tốt hơn rất nhiều.
Khác với Hikikomori và Neet, chúng em không hoàn toàn cách ly với cuộc sống bên ngoài. "Trạch" không ăn bám gia đình, xã hội mà hoàn toàn có thể dùng khả năng của mình để kiếm tiền tự nuôi sống bản thân.
Cách sống của "trạch" không ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Do đó, em mong mọi người nhìn nhận một cách khách quan, hiểu đúng về "trạch", tôn trọng quyền tự do của mỗi người", M. tâm sự.
Chăn có giòi trên máy bay, Vietnam Airlines đang làm việc với cơ quan chức năng |
Sân bay nguy hiểm nhất thế giới trên dãy Himalaya |
Quan niệm chi tiêu 'không cần biết ngày mai' của giới trẻ Hàn Quốc |
Ngày đăng: 10:39 | 26/07/2019
/ baodatviet.vn