Hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội không bị giới hạn, xuyên biên giới, đã gây nhiều thách thức cho doanh nghiệp (DN), tổ chức xã hội, nhất là trong công tác bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả, hàng nhái...
Trên “chợ” online, người tiêu dùng (NTD) bị choáng ngợp bởi hầu như mặt hàng nào bán ở trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng… cũng đều có bán ở “chợ” online. Tuy nhiên, sản phẩm bán trên online thường rẻ hơn rất nhiều lần so với giá bán tại các điểm kinh doanh trực tiếp. Quảng cáo rầm rộ nhất là các sản phẩm giặt, xả, với rất nhiều nhãn hiệu: D-nee, Owe, D-Bill, Remix… được giới thiệu sản xuất trên dây chuyền công nghệ của Thái Lan, có mã vạch, tem chống giả…là hàng chính hãng. Do cần thanh lý kho, đẩy lượng hàng tồn, nước giặt xả hiệu Comfort Baby (3,6 - 3,8lit/can) giá 200.000 đồng/ 3 can, trong khi giá niêm yết tại siêu thị 145.000 đồng/can; nước xả Comfort giá thị trường bán 50-60.000 đồng/gói (580ml/gói), shop online bán 99.000 đồng đến 5 gói...
Những sản phẩm trên được rao bán trên chợ online tại: Shop online, tổng kho nước giặt xả, cửa hàng tự chọn giá rẻ, shop nước giặt… nhưng các shop này không để lại các thông tin cần thiết như: địa chỉ cá nhân - đơn vị kinh doanh, kho hàng, cơ sở sản xuất… nên NTD muốn khiếu nại sản phẩm cũng không biết đâu mà kêu.
Ngoài ra, có rất nhiều mặt hàng mỹ phẩm, nước hoa, dầu gội, sữa tắm, túi xách, giày dép... được giới thiệu là hàng ngoại nhập khẩu, nhưng do quá trình vận chuyển sản phẩm bị ẩm ướt, bao bì bị rách, không còn nguyên vẹn, nhưng chất lượng sản phẩm được cam không thay đổi. Lo ngại hàng để lâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, nên các chủ shop online đã phải nhanh tay “vừa bán, vừa tặng” để sớm thu hồi vốn và giá bán các sản phẩm nhập ngoại này chỉ còn 30-50% giá nhập khẩu khiến khách hàng không khỏi nghi ngờ.
Ông Lê Minh Thảo - Giám đốc Công ty CP TM DV Unicon, chuyên nhập khẩu mỹ phẩm từ Hàn Quốc, Nhật Bản về bán trên sàn TMĐT băn khoăn: “Trên sàn TMĐT hiện có một số nhà bán hàng xuyên biên giới từ Trung Quốc họ cũng bán những sản phẩm mỹ phẩm cùng loại như công ty chúng tôi, nhưng giá lại rẻ hơn nhiều khiến sản phẩm cuả chúng tôi không thể cạnh tranh nổi. Không riêng mặt hàng mỹ phẩm mà một số sản phẩm khác, như ốp lưng điện thoại di động giá bán trên sàn TMĐT cũng chỉ có 25.000 đồng, với giá này chắc chắn các DN Việt không thể cạnh tranh được”.
Thực trạng đó cho thấy, việc loạn giá cả cũng như nguồn gốc xuất xứ trên “chợ” online khiến NTD không khỏi hoang mang. Liên quan đến DN nước ngoài bán hàng trên sàn TMĐT ở Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT, Cục Thương mại và Kinh tế số (Bộ Công thương) giải thích, Nghị định 85/2021 có hiệu lực 2022 quy định cụ thể về việc thương nhân tổ chức nước ngoài bán hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại tại Việt Nam. Trong đó, chủ sàn có nhiệm vụ phải xác minh người bán và sàn có quyền lựa chọn phương thức bán hàng cuả DN đó như thế nào.
Ông Quách Nhi - Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Tiki (sàn TMĐT Tiki) cho biết: “Qua khảo sát của Tiki cho thấy lo ngại lớn nhất của người dùng khi mua hàng trực tuyến, đó là chất lượng hàng hóa không đảm bảo. NTD lo ngại mua phải hàng giả, hàng nhái, đặc biệt người bán hàng là cá nhân, không phải DN. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến NTD mà còn gây nhiều khó khăn cho DN bán hàng chính hãng”.
Trong khi đó, việc phát hiện, xử lý hàng giả, hàng lậu trên TMĐT hiện nay cuả cơ quan chức năng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, TikTok… do việc tạo lập tài khoản bán hàng trên các nền tảng này các đối tượng thường sử dụng thông tin giả, cơ quan chức năng rất khó xác định đối tượng vi phạm và nơi chứa hàng hóa vi phạm để kiểm tra, xử lý. Hàng hóa giao dịch thường thông qua các đơn vị vận chuyển độc lập như Grab, Be, Giao hàng nhanh... với số lượng ít nên khó phát hiện.
Về phía sàn TMĐT, đơn vị kinh doanh trên sàn chủ yếu là DN, hộ kinh doanh. Tuy nhiên, không ít DN, NTD than phiền các sàn TMĐT mở ra, nhưng hầu như không quan tâm đến hoạt động giao dịch cuả người mua – người bán trên sàn. Bà Lê Thị Phượng Diễm – Đại diện Công ty TNHH 1 thành viên Trái Dừa (quận 11) chia sẻ, DN kinh doanh trên sàn TMĐT Shopee mặt hàng quạt máy. Mặc dù hàng hóa đóng gói có dán tem hàng dễ vỡ, nhưng trong quá trình vận chuyển, thùng hàng thường biến dạng móp méo, hư hỏng bên trong, thậm chí có khi bị đánh tráo bằng... cục gạch. Trong những trường hợp như vậy, phần thiệt luôn thuộc về bên bán hàng. Trong khi đó, hợp đồng được ký giữa nhà bán hàng với đơn vị vận chuyển thông qua sàn TMĐT. Với những bất cập trên, DN muốn phản ánh đến sàn nhưng không được, vì sàn TMĐT Shopee đã ẩn luôn nút khiếu nại cuả nhà bán hàng.
Mặc khác, sàn TMĐT chỉ là nơi để giới thiệu sản phẩm, còn việc đóng gói sản phẩm để giao cho khách hàng được thực hiện tại kho hàng cuả người bán. Trong khi đó, sàn TMĐT gần như không quan tâm đến người bán trên sàn, cùng với việc không kiểm soát được đơn vị vận chuyển, dẫn đến hàng bị đánh tráo chính là kẽ hở của các sàn TMĐT, không ngoại trừ hàng giả, hàng lậu, hàng cấm… bị tráo đổi trong quá trình hàng vận chuyển đến tay NTD.
Ông Phạm Xuân Việt - Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục QLTT TP Hồ Chí Minh nêu thực trạng hiện nay: Nghị định 52 quy định, phía sàn TMĐT phải tự rà soát, tự thống kê, tự có phân loại và tự có cơ chế ngăn chặn dấu hiệu hàng hóa vi phạm. Song song đó, có cơ chế phối hợp khi cơ quan chức năng đề nghị cung cấp thông tin những đối tượng có dấu hiệu vi phạm trên sàn, để từ đó thẩm tra xác minh đối tượng và nơi chứa trữ hàng hóa (nếu có) để xử lý. Tuy nhiên, khi có phản ánh cuả NTD, cơ quan QLTT liên hệ đề nghị các sàn TMĐT cung cấp thông tin, nhưng họ cung cấp thông tin rất sơ sài, rất khó để xác minh.
Cuối cùng, Cục có văn bản thông báo đến sàn TMĐT để lọc những đối tượng đó, chứ thực tế không xử lý được do không xác định được đối tượng vi phạm, cũng không xác định được hàng hóa vi phạm để xử lý. “Vì vậy, cơ quan chức năng rất cần sự phối hợp của các sàn TMĐT để ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, bảo vệ NTD và DN chân chính”, ông Việt nói.
Ngày đăng: 08:08 | 27/09/2023
Thuý Hà / CAND