TP.HCM kiến nghị lùi thời gian hoàn thành hai tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương, Bến Thành - Suối Tiên.

Quý IV/2023 hoàn thành tuyến Bến Thành - Suối Tiên

Bộ GTVT vừa gửi Chính phủ dự thảo báo cáo Quốc hội về tiến độ triển khai hai dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP.HCM. Theo Bộ GTVT, cả hai dự án Bên Thành - Suối Tiên và Bến Thành - Tham Lương đều chậm và xin lùi tiến độ.

Với tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, Bộ GTVT cho biết, khối lượng tổng thể của toàn dự án đạt khoảng 92,19%, dự kiến cuối năm sẽ đạt được 93%.

Giải ngân vốn ODA từ đầu dự án đến ngày 16/9/2022 đạt hơn 20.600/38.265,5 tỷ đồng, đạt 53,95% trên tổng vốn đầu tư. Giải ngân vốn ngân sách thành phố đến ngày 16/9/2022: đạt hơn 3.221,0/5.491,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 55,65% trên tổng vốn đầu tư.

Đáng chú ý, theo Bộ GTVT, căn cứ theo tiến độ thực tế của dự án đã được các nhà tài trợ thống nhất, UBND Tp.HCM đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời gian hoàn thành thi công sang cuối quý IV/2023, thời gian kết thúc dự án từ năm 2024 đến hết năm 2028.

img-bgt-2021-img-bgt-2021-metro-so-1-1661422831-width1000height562-1665462147-width1280height720
UBND TP.HCM kiến nghị lùi thời gian hoàn thành thi công tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên vào cuối quý IV-2023. Ảnh: minh họa

Lý do điều chỉnh thời gian được giải trình là do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm 2020 đến nay đã gây ra nhiều ảnh hưởng khó khăn đến việc triển khai theo tiến độ đề ra.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên được UBND TP.HCM phê duyệt Dự án năm 2007, phê duyệt điều chỉnh dự án năm 2008, 2011, 2019, 2021 với tổng mức đầu tư 43.757,15 tỷ đồng, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.

Tuyến được xây dựng đường đôi, khổ 1435mm, điện khí hóa. Tuyến chính với chiều dài 19,7 km (trong đó đoạn đi ngầm dài 2,6 km; đoạn đi trên cao dài 17,1 km); công trình ga (14 ga, trong đó: 11 ga trên cao và 3 ga ngầm) và 1 Depot.

Nguồn vốn đầu tư: Vốn vay ODA của JICA-Nhật Bản là 185.175,65 triệu Yên Nhật (tương đương 38.265,55 tỷ đồng); Vốn đối ứng từ ngân sách TP.HCM là 5.491,60 tỷ đồng.

Cụ thể, việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ công tác thực hiện giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dời tái định cư của dự án (dự kiến đề ra là hoàn tất của năm 2020) và việc trao đổi làm việc với nhà tài trợ, tư vấn. Đồng thời gây thiếu hụt nhân sự, ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện hồ sơ, triển khai thực hiện dự án.

Việc xử lý các nội dung tồn đọng chính của công tác đàm phán, hoàn thành ký kết Phụ lục Hợp đồng số 19 của Hợp đồng Tư vấn chung giữa Chủ đầu tư dự án (Ban quản lý đường sắt đô thị) và Liên danh tư vấn NJPT kéo dài do các thay đổi về trình tự, quy định, pháp lý trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt Dự toán phát sinh.

Cùng đó, công tác nghiệm thu, thử nghiệm theo các tiêu chuẩn nước ngoài trong khi chưa có các tiêu chuẩn tương đương ở Việt Nam mất nhiều thời gian. Công tác chuẩn bị cho việc đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống cho việc vận hành gặp nhiều thay đổi về quy định pháp lý và các hướng dẫn từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mặt khác, dự án liên quan nhiều lĩnh vực, triển khai đầu tiên tại Việt Nam thực hiện theo các quy định hợp đồng nước ngoài và trải qua nhiều giai đoạn điều chỉnh các quy định pháp luật Việt Nam. Vì vậy cần phải rà soát thận trọng các bước thực hiện, quản lý dự án nhằm đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật trong nước và tuân thủ quy định của điều ước quốc tế và quy định các Thỏa thuận vay vốn.

Lùi tiến độ tuyến Bến Thành - Tham Lương đến năm 2030

Với Dự án đầu tư Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương, UBND TP.HCM kiến nghị cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án là: Thời gian hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2030.

img-bgt-2021-img-bgt-2021-5201d5efc98e36d06f9f-1615711632-width1080height775-1665462745-width700height502
UBND TP.HCM xin lùi thời gian hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương vào năm 2030. Ảnh: minh họa

Hiện nay, Bộ KH&ĐT đang lấy ý kiến các Bộ về điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Còn theo quyết định phê duyệt dự án thì thời gian thực hiện từ 2010 - 2018; theo quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện từ 2021-2026.

Về lý do kiến nghị điều chỉnh thời gian hoàn thành đến năm 2030 do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án ban đầu xác định hoàn tất cuối năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Cụ thể, dự án có diện tích chiếm dụng 251.136 m2 với 603 hộ bị ảnh hưởng. Đến nay, đã bàn giao mặt bằng đạt 85,15%, Chủ đầu tư đã nhận bàn giao mặt bằng 5/10 nhà ga và đoạn đường dẫn vào Depot từ UBND các quận.

Tuy nhiên, thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn Quận 3, TP.HCM kéo dài và vướng mắc; UBND TP.HCM đang chỉ đạo điều phấn đấu năm 2022 cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để có mặt bằng.

Cùng đó là các vướng mắc trong công tác đấu thầu và triển khai các thủ tục. Như công tác đấu thầu và trao thầu gói thầu chính CP3a/b (xây dựng đoạn đi ngầm) dự kiến ban đầu trao thầu vào cuối năm 2020, nhưng phải thực hiện hủy thầu để đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, dẫn đến không thể trao thầu theo kế hoạch.

Công tác đàm phán phụ lục hợp đồng cho các công việc phát sinh để huy động lại Tư vấn IC, ban đầu dự kiến hoàn thành đàm phán và huy động Tư vấn IC trong đầu năm 2020. Nhưng tháng 3/2022, Tư vấn IC đột ngột đơn phương ra thông báo kết thúc hợp đồng làm chậm tiến độ công tác cập nhật Hồ sơ mời thầu, mời thầu lại các gói thầu chính của dự án (dự kiến hoàn thành 2020 - 2021).

Công tác lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ vay lại của dự án kéo dài, đến nay chưa hoàn thành. Mặt khác, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm 2020 đến nay, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại TP.HCM năm 2021 đã gây ra nhiều ảnh hưởng khó khăn đến việc triển khai theo tiến độ đề ra.

Dự án đầu tư Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2010, phê duyệt điều chỉnh năm 2013, 2019 với tổng mức đầu tư 47.890,840 tỷ đồng thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia

Tuyến được xây dựng đường đôi, khổ 1435mm, điện khí hóa. Tuyến chính với chiều dài 9,091 km; Tuyến nhánh vào depot với chiều dài 1,951 km; công trình 14 ga (9 ga ngầm, 1 ga trên cao) và 1 depot.

Nguồn vốn đầu tư: Vốn vay ODA từ 3 Nhà tài trợ là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng trong nước.

Ngày đăng: 13:03 | 11/10/2022

Kỳ Nam / Báo Giao thông