Tiến độ giải ngân đầu tư công của TP.HCM đến thời điểm hiện tại chỉ đạt 11%, hơn thế có nhiều dự án chưa giải ngân được đồng nào trong mấy tháng vừa qua.
Tính đến thời điểm tháng 5, một số dự án sử dụng vốn ODA hiện nay chưa giải ngân như dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương), tiến độ thực hiện của dự án đạt khoảng 3,9%, năm 2022 vốn ODA giải ngân 0 đồng, đạt tỷ lệ 0% kế hoạch. Dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ -Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2), tiến độ thực hiện của dự án đạt khoảng 86,78%, năm 2022 vốn ODA giải ngân 0 đồng, đạt tỷ lệ 0% kế hoạch. Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2, tiến độ thực hiện của dự án đạt khoảng 59% năm 2022 vốn ODA giải ngân 0 đồng, đạt tỷ lệ 0% kế hoạch…
Bên cạnh đó, một số dự án chưa giải ngân do vừa thực hiện xong thủ tục điều chỉnh quyết định đầu tư (Dự án Phát triển mạng cấp 1, vốn 96 tỷ đồng); do chuyển chủ đầu tư và khó khăn trong công tác bàn giao mặt bằng để thi công dự án (Dự án Xây dựng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cơ sở 2, vốn 590 tỷ đồng); đang triển khai công tác đấu thầu (Dự án Xây dựng trung tâm ghép tạng và khu phẫu thuật kỹ thuật cao của Bệnh viện Nhi đồng 2, vốn 200 tỷ đồng); do thay đổi chủ đầu tư nên cần thời gian cho công tác bàn giao hồ sơ (Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm triển lãm quy hoạch thành phố, vốn 350 tỷ đồng); đang trong quá trình thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án (Dự án Xây dựng hệ thống xử lý nước thải, vốn 152 tỷ đồng và Dự án Bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư Khu Công nghệ cao, vốn 80 tỷ đồng)…
Lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM cho rằng, do giá nguyên vật liệu đầu vào có biến động, khó khăn khi thực hiện các quy định về đầu tư công, về thủ tục liên quan đến vốn vay ODA, khó khăn liên quan công tác giải phóng mặt bằng... Bên cạnh đó, một số dự án đang vướng các thủ tục về đầu tư (như đang trình điều chỉnh thời gian thực hiện, đang thực hiện thủ tục quyết toán, có tăng tổng mức đầu tư đang trình điều chỉnh dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư…).
Ngoài ra, còn có 44 dự án chuyển tiếp dự kiến điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, là những dự án chuyển tiếp được bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng trung hạn; các dự án chuyển tiếp có tỷ lệ vốn đã bố trí trong kế hoạch đầu tư công năm 2021 và 2022 đạt dưới 40% tổng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 của dự án (có khoảng 331 dự án chuyển tiếp khởi công từ năm 2020 trở về trước, đã thi công được 3 năm nhưng có tỷ lệ vốn đã bố trí đạt dưới 40%).
Lãnh đạo TP.HCM nhận định, việc chậm triển khai các thủ tục liên quan để thực hiện dự án còn làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố. Điều này gây khó khăn cho thành phố trong việc kiến nghị Quốc hội cho phép TP.HCM được thực hiện cơ chế chủ động quyết định việc bổ sung tổng mức vốn và danh mục các dự án đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố, dự kiến bổ sung 119.000 tỷ đồng.
Dù các đơn vị viện dẫn nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng đến nay, tiến độ giải ngân chỉ được 11% là thấp hơn so với năm trước (17%), có nhiều đơn vị giải ngân rất thấp, thậm chí 0 đồng. Do vậy, tất cả các đơn vị, chủ đầu tư phải phân định rõ trách nhiệm, rà soát từng dự án, vướng chỗ nào để tháo gỡ, đảm bảo tiến độ chứ không dồn về cuối năm…
Ông Mãi cho biết, vừa qua TP.HCM đã kiến nghị trung ương có biện pháp tháo gỡ cho nhà đầu tư khi giá vật liệu tăng cao, có cơ chế giám sát giá vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là do việc thực hiện thủ tục giao vốn còn chậm trễ, việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành còn chưa thật đồng bộ, chặt chẽ, dẫn đến các thủ tục còn chậm.
“Các đơn vị cần xem xét thành lập 2 tổ công tác, một tổ tập trung vào dự án vốn lớn nhưng giải ngân chậm, đánh giá nguyên nhân, đề xuất giải pháp tháo gỡ; một tổ tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng, có khó khăn có thể tổ chức hội nghị chuyên đề vấn đề này. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và tổ chức hội nghị hướng dẫn thủ tục liên quan đến đầu tư; sớm phân bổ vốn dự phòng liên quan đến 44 dự án; tổ chức phối hợp với các sở ngành từ thủ tục đầu tư dự án đến quyết toán, giải ngân, phải thật đồng bộ, chặt chẽ hơn, thuận tiện hơn, kịp thời hơn”, ông Mãi chỉ đạo.
Ngày đăng: 13:30 | 20/05/2022
Minh Lâm / Thời báo Ngân hàng