TP.HCM: Dự án chống ngập 10 nghìn tỷ án binh bất động, gỡ thế nào?

Dự án mãi không về đích

photo-1695309430784-1695309430906773089096
Cống Mương Chuối thi công đạt 93% khối lượng nhưng đang phải "đắp chiếu" nằm chờ vốn.

Những ngày giữa tháng 9, có mặt tại công trường thi công dự án chống ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) do Trungnam Group làm nhà đầu tư, ghi nhận của PV là cảnh tiêu điều, dù các công trình đã gần về đích. Công trình không một bóng người, chỉ có những khối bê tông, sắt thép nằm phơi mưa nắng.

Một cán bộ của Trungnam Group cho biết, từ lâu, đội ngũ công nhân thi công dự án này đã nghỉ việc. Hiện, chỉ có một số bảo vệ trông coi trên công trường.

"Đáng buồn là đội ngũ kỹ sư cũng nghỉ việc gần hết. Người xin nghỉ hẳn, người nghỉ không lương, người chân trong chân ngoài để kiếm thêm thu nhập. Để đào tạo được một kỹ sư lành nghề phục vụ cho thi công dự án chống ngập, nhà đầu tư phải tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc", vị này nói.

Cũng theo Trungnam Group, đến nay, nhà thầu đã thi công đạt trên 90% khối lượng công việc, trong đó, tại các hạng mục cống Bến Nghé đạt 97%, cống Tân Thuận đạt 93%, công Phú Xuân đạt 90%, cống Mương Chuối đạt 93%, cống Cây Khô đạt 86%, cống Phú Định đạt 88% và tuyến đê bao đạt 85%.

Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện nhà điều hành tại các cống, nhà quản lý điều khiển trung tâm, hoàn thiện đường vận hành sau kè, nạo vét thảm đá gia cố lòng sông, cảnh quan cây xanh, lắp ráp các cửa van âu thuyền, hệ thống bơm, hệ thống điện nước, phòng cháy chữa cháy…

"Ngập ở thành phố đang ngày càng trầm trọng, nhiều tuyến đường cứ triều cường lại chìm trong biển nước. Người dân bì bõm mưu sinh trong khi dự án chống ngập thì vẫn án binh bất động dù sắp hoàn thành. Thật đáng buồn cho thành phố!...", ông N.T.T, cán bộ hưu trí ở đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 bày tỏ.

Theo tìm hiểu, hiện mỗi ngày dự án chống ngập này đang phải gánh thêm 1,46 tỷ đồng lãi phát sinh (tương ứng phát sinh tiền lãi khoảng 533 tỷ đồng/năm). Đến thời điểm này, dự tính tổng số tiền lãi phát sinh đã lên tới gần 1.700 tỷ đồng.

Vậy vì sao đã ký tiếp phụ lục hợp đồng nhưng không thể giải ngân? Đại diện Trungnam Group cho biết, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đề xuất UBND TP.HCM phương án xử lý đối với dự án.

Theo đó, BIDV đề nghị TP.HCM thanh toán cho Trungnam Group để trả toàn bộ nợ gốc và lãi quá hạn tại thời điểm trước khi BIDV giải ngân (phần lãi tính trên dư nợ áp dụng theo lãi suất 3%/năm). Trước khi giải ngân vốn vay, TP.HCM và Trungnam ký phụ lục hợp đồng gồm các nội dung như: Điều chỉnh tổng mức đầu tư, tiến độ hoàn thành dự án, xác định phần thanh toán đối với phần giá trị hợp đồng còn lại…

Theo Trungnam Group, dự án chưa bao giờ có lệnh dừng thi công nhưng không thể thi công vì không có tiền. Để tiếp tục, Ngân hàng Nhà nước phải giải ngân hoặc thành phố cân đối nguồn vốn khác.

Cách nào gỡ vướng cho dự án?

photo-1695309431408-16953094314994584719
Đường Trần Xuân Soạn, quận 7 ngập nặng do triều cường, người dân vật vã đi lại, trong khi ngay gần đó cống ngăn triều của dự án chống ngập 10.000 tỷ vẫn nằm đắp chiếu vì chờ vốn.

Liên quan đến dự án chống ngập trên, trong cuộc họp của Chính phủ mới đây, Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.HCM cần khẩn trương rà soát và báo cáo cụ thể việc thực hiện các nhiệm vụ đã được giao tại Nghị quyết số 40 của Chính phủ, làm rõ các khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý và đề xuất phương án giải quyết, báo cáo Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chậm nhất trong tháng 9/2023 để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, thành lập Tổ công tác do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng, Chủ tịch UBND TP.HCM làm Tổ phó, thành viên là lãnh đạo của bộ, cơ quan liên quan… để chỉ đạo rà soát, đánh giá kỹ, toàn diện quá trình triển khai dự án.

Nếu công trình đã hoàn thành được 90%, trong quá trình chờ xử lý, đề nghị chủ đầu tư vận hành những gì có thể để góp phần chống ngập úng có thể xảy ra.

Theo thông tin của Báo Giao thông, để giải quyết khó khăn vướng mắc liên quan đến dự án chống ngập này, mới đây, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đã trình Ban Thường vụ Thành ủy được cho phép thực hiện một trong hai cơ chế.

Cụ thể, thành phố sẽ thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư khối lượng đã hoàn thành song song cả bằng hình thức đất và bằng tiền phù hợp với lịch thanh toán đã thỏa thuận.

Đối với phần thanh toán bằng tiền, UBND TP.HCM đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn Ngân hàng BIDV chưa thu nợ, tạo điều kiện để nhà đầu tư hoàn thành dự án.

Trên cơ sở đó, thành phố và nhà đầu tư tổ chức nghiệm thu, thanh toán phần còn lại theo đúng thỏa thuận hợp đồng và các phụ lục hợp đồng đã ký kết.

Một phương án khác được đưa ra là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) được nhận ủy thác quản lý nguồn vốn đầu tư; cho vay và thu hồi nợ… từ ngân sách Nhà nước.

Theo đó, thành phố sẽ ủy thác nguồn vốn ngân sách khoảng 1.800 tỷ đồng cho HFIC để đơn vị này cho nhà đầu tư vay thực hiện hoàn thành công trình. Sau khi công trình nghiệm thu, thành phố sẽ thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng hợp đồng BT đã ký và nhà đầu tư sẽ thanh toán nợ với Ngân hàng BIDV và Công ty HFIC.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, trên địa bàn thành phố có 18 tuyến đường ngập (do mưa), 2 năm qua đã giải quyết được 5 tuyến đường. Tuy nhiên, thời gian qua, rất nhiều tuyến đường ở TP.HCM cứ mưa là ngập. Thậm chí, có những tuyến đường ngập hơn cả nửa mét.

Điển hình như đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn từ chân cầu Sài Gòn đến gần đầu cầu Thủ Thiêm. Những con đường như: Nguyễn Xí, Đinh Bộ Lĩnh, Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh, D2, Phan Đăng Lưu... cũng thường xuyên ngập lụt sau mưa kèm theo tình trạng tắc nghẽn giao thông.

Ngày đăng: 08:09 | 24/09/2023

Mai Huyên / Báo Giao thông