Chiều 5/7, Sở Y tế TP.HCM nhận định, dịch bệnh tại thành phố bùng phát mạnh ở môi trường tiếp xúc gần như khu công nghiệp, doanh nghiệp, công ty văn phòng.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, thành phố đang trải qua 2 đợt dịch từ ngày 26/5 đến 14/6 với sự bùng phát của chuỗi truyền giáo Phục Hưng và từ 15/6 đến nay với nhiều chuỗi dịch trong cộng đồng.
Từ 15/6 đến 4/7, số ca COVID-19 chiếm 79% tổng số bệnh nhân của 2 đợt dịch. Qua khám sàng lọc tại bệnh viện, xét nghiệm giám sát tại cộng đồng, thành phố phát hiện các trường hợp mắc bệnh xuất hiện hầu hết ở các khu vực như cộng đồng dân cư, khu công nghiệp, doanh nghiệp, công ty văn phòng, các chợ đầu mối - truyền thống - tự phát, tại các cơ sở y tế.
Điều này cho thấy mầm bệnh đã len lỏi, lây lan trong cộng đồng. Trong đó tập trung lây lan và bộc phát mạnh ở khu vực môi trường thuận lợi, tiếp xúc gần gũi như khu công nghiệp, nhà trọ, chợ, người lao động vùng ven.
Dịch bệnh ở TP.HCM bùng phát mạnh ở môi trường tiếp xúc gần. |
Trong đó, quận - huyện ghi nhận số bệnh nhân tăng trên 40 ca/100.000 dân trong 7 ngày qua gồm: quận 1, 3, 7, 8, 9, Bình Chánh, Bình Tân, Hóc môn. Các quận huyện số ca bệnh tăng từ 20 đến 40 ca/100.000 dân trong 7 ngày qua gồm: quận 5, 10, 11, Nhà Bè, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức. Các quận huyện ca bệnh tăng dưới 20 ca/100.000 dân gồm: quận 6, 12, Bình Thạnh, Cần Giờ, Củ Chi, Gò Vấp, Phú Nhuận.
Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ 26/4 đến 4/7, TP.HCM ghi nhận 6.470 ca bệnh tại 306/312 phường xã thị trấn. Trong đó 52% số bệnh nhân phát hiện trong các khu cách ly, 25% phát hiện trong các khu phong tỏa, 12% phát hiện qua sàng lọc tại bệnh viện, 23% phát hiện tại cộng đồng.
Sở Y tế nhận định, xu hướng số ca mắc trong cộng đồng tăng hàng ngày, nhất là các trường hợp có triệu chứng đi khám ở cơ sở y tế cho thấy, tác nhân gây bệnh ở khắp thành phố và số ca bệnh trong vùng phong tỏa ngày càng tăng nhanh. Vì vậy, để kiểm soát dịch bệnh, thành phố cần thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn nữa. Cụ thể, giảm sự phát tán nhanh của mầm bệnh (chủng Delta) qua việc tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị số 10.
Bên cạnh đó, thành phố cần loại bỏ (làm giảm) nguồn lây nhiễm trong cộng đồng. Trong đó những khu vực đang phong tỏa phải thực hiện nghiêm túc hướng dẫn cách ly tế vùng có dịch COVID-19, đảm bảo cách ly tuyệt đối trong khu vực phong tỏa và giữa khu vực phong tỏa với các khu vực xung quanh, qua đó kiểm soát chặt chẽ sự lây lan dịch bên trong cũng như bên ngoài khu vực phong tỏa.
Thành phố cần làm giảm yếu tố nguy cơ để dịch bệnh phát tán nhanh qua việc tăng cường quản lý, giám sát phòng, chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp. Các chợ đầu mối, chợ truyền thống phải có giải pháp triệt để phòng ngừa lây lan cho các tiểu thương, người mua và nhân viên quản lý, hậu cần của chợ. Khu nhà trọ ở các quận huyện cho các công nhân cần thực hiện giải pháp giãn cách tránh lây lan; tăng cường phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung để hạn chế số lượng bệnh nhân nhằm tránh quá tải hệ thống bệnh viện.
MAI THÚY
TP.HCM phát hiện thêm 99 bệnh nhân COVID-19 chưa rõ nguồn lây |
150 y, bác sỹ Đà Nẵng vào TP.HCM chống dịch COVID-19 |
Ngày đăng: 07:31 | 06/07/2021
/ vtc.vn