Căn cứ theo số liệu của bản đồ Covid-19 do Sở TT-TT TP.HCM cập nhật, riêng đợt dịch thứ 4 từ 27.4 đến 29.8 (tròn 4 tháng), ghi nhận có 209.921 ca nhiễm.

Trong đợt dịch 4, ca đầu tiên ghi nhận tại TP.HCM vào ngày 29.4; đến ngày 10.6 (khoảng 40 ngày) ghi nhận tổng cộng 562 ca; đến 30.6 (khoảng 60 ngày) ghi nhận tổng cộng 3.818 ca; đến 20.7 (khoảng 80 ngày) ghi nhận tổng cộng 37.787 ca; đến 20.8 (khoảng 110 ngày) ghi nhận tổng cộng 129.751 ca; đến 29.8 (khoảng 120 ngày), ghi nhận tổng cộng có 209.921 ca nhiễm.

Tính trong khoảng thời gian tháng, thì trong tháng 6.2021 ngày 25.6 có ca nhiễm cao nhất với 704 ca (thấp nhất là ngày 1.6 với 19 ca). Trong tháng 7, ngày 27.7 cao nhất với 6.318 (thấp nhất là ngày 2.7, với 419 ca). Trong tháng 8, ngày 28.8 cao nhất với 5.481 ca nhiễm (thấp nhất là ngày 4.8, với 3.300 ca).

Tính bình quân tổng ca nhiễm (209.921 ca nhiễm) của đợt dịch 4, thì mỗi ngày TP.HCM ghi nhận khoảng 1.749 ca.

Từ 27.4 đến 23.8 (mốc thời gian siết chặt giãn cách xã hội), ngày có số ca nhiễm cao nhất là ngày 27.7, với có 6.318 ca.

Ngày 29.8, theo thông tin mà Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM công bố, trong 7 ngày tăng cường giãn cách (từ ngày 23 - 29.8), TP.HCM xét nghiệm nhanh kháng nguyên đối với vùng đỏ và vùng vàng (vùng nguy cơ cao về Covid-19), tổng cộng 1.677.154 mẫu, phát hiện 64.299 mẫu dương tính, chiếm 3,8% số mẫu xét nghiệm (bình quân khoảng 9.185 mẫu dương tính/ngày).

Song, cũng trong 7 ngày tăng cường giãn cách (từ ngày 23 - 29.8), dữ liệu công bố số ca nhiễm dao động chỉ từ hơn 4.200 đến hơn 5.400 ca nhiễm/ngày.

TP.HCM đã đạt đỉnh dịch chưa?

TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng dịch bệnh Covid-19 đã "ngấm sâu" trong cộng đồng lâu nay, nên nếu chúng ta lấy mẫu xét nghiệm nhiều thì thấy ca mắc Covid-19 mới tăng nhiều, xét nghiệm ít thì phát hiện ít. Khi dịch đã rộng trong cộng đồng ở TP.HCM thì chú trọng tập trung điều trị, giảm tử vong là quan trọng.

Cùng với tập trung điều trị ca có triệu chứng, nặng ở các bệnh viện, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga đánh giá cao việc TP.HCM lập các trạm y tế lưu động. Đây là mô hình tăng cơ hội để tiếp cận sớm nhất, hỗ trợ kịp thời cho các F0, giảm thấp nhất các ca chuyển nặng và các ca nặng được hỗ trợ chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời.

Theo ông Nga, lần này TP.HCM tăng cường siết chặt giãn cách xã hội, nếu thực sự làm nghiêm thì sẽ dần cắt lây lan rộng trong cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn có thể lây lan trong gia đình. Vì vậy, ngay cả khi giãn cách thì trong gia đình cần lưu ý phòng lây nhiễm, đặc biệt quan tâm, ngăn lây nhiễm cho người từ 40 tuổi có bệnh nền, những người từ trên 65 tuổi, vì đó là những người nguy cơ rất cao chuyển nặng khi mắc Covid-19.

Chia sẻ thêm về diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM, ông Nga cho rằng với diễn biến như vừa qua, đến thời điểm này, TP.HCM có thể đang ở đỉnh dịch Covid-19. Khó có thể nói là cụ thể 1 hay 2 tuần số ca mắc mới tại TP.HCM sẽ giảm nhưng diễn biến chung là khi cắt nguồn lây nhờ thực hiện nghiêm ngặt giãn cách, các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm, thì sẽ giảm dần lây nhiễm mầm bệnh trong cộng đồng.

"Những ca nào đã nhiễm từ trước thì sau đó bình phục và có miễn dịch. Ngoài ra, những người đã tiêm vắc xin Covid-19 cũng có miễn dịch. Như vậy, dần theo thời gian, khi số đông có miễn dịch thì ca mắc mới sẽ giảm", tiến sĩ Nguyễn Huy Nga nói.

Bên cạnh đó, BS Lê Vinh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Y tế Công cộng TP.HCM cho biết, vừa qua TP.HCM đã tập trung lấy mẫu xét nghiệm tại các vùng cam, đỏ để phát hiện sớm F0, khiến số ca bệnh tăng cao đột biến. Việc xét nghiệm sàng lọc cũng giúp TP.HCM khoanh vùng, cách ly được khu vực có nguy cơ cao, thiết lập các khu an toàn, khu vùng xanh, làm giảm nguy cơ trong cộng đồng.

Mặc dù vậy, để nhận định đã là đỉnh dịch hay chưa ở thời điểm này vẫn còn quá sớm. Do tình trạng dịch bệnh đã lây lan rộng, trải qua nhiều chu kỳ, nhiều bệnh nhân mắc bệnh nhưng không có triệu chứng, do đó, chưa thể khẳng định ngoài vùng cam, vùng đỏ, các vùng khác đều đã an toàn.

Đồng quan điểm, BS Trương Tấn Minh, Chủ tịch Hội Y tế công cộng tỉnh Khánh Hòa cũng cho rằng, khó có thể dự báo được đỉnh dịch tại TP.HCM, vì diễn biến dịch tại TP.HCM khá phức tạp. Trong khi, số ca lây nhiễm trong cộng đồng vẫn chưa được bóc tách, số ca mắc mới vẫn tiếp tục có nguy cơ lây lan trong cộng đồng, do đó, rất khó để dự đoán khi nào dịch TP.HCM mới là đỉnh.

Theo ý kiến của một số chuyên gia về dịch tễ, vắc xin phòng Covid-19 được xem là “cứu cánh” cho TP.HCM trong bối cảnh hiện nay, để ngăn đà lây nhiễm cộng đồng, hạn chế số ca chuyển nặng, tử vong.

Theo tính toán của TP.HCM, thành phố cần tiêm vắc xin cho khoảng 7,2 triệu người từ 18 tuổi trở lên. Tính đến ngày 30.8, TP.HCM đã tiêm hơn 6,1 triệu liều vắc xin Covid-19 cho người dân. Trong đó, có gần 5,8 triệu người đã tiêm mũi 1 và hơn 332.000 người đã tiêm mũi 2.

Như vậy, TP.HCM vẫn còn cần tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 cho khoảng 1,1 triệu người, khoảng 6,9 triệu người cần tiêm mũi 2. Kế hoạch của TP.HCM là đến ngày 15.9 sẽ tiêm mũi 1 đạt 90% và mũi 2 đạt khoảng 15% (1 triệu liều).

PV (th)

Ngày 31/8, Việt Nam thêm 12.607 ca COVID-19, TP.HCM và Bình Dương đều giảm Ngày 31/8, Việt Nam thêm 12.607 ca COVID-19, TP.HCM và Bình Dương đều giảm
Bí thư Nguyễn Văn Nên: "TP.HCM không thể áp dụng Chỉ thị 16 mãi được" Bí thư Nguyễn Văn Nên: "TP.HCM không thể áp dụng Chỉ thị 16 mãi được"
Shipper TP.HCM hoạt động trở lại: Đi chợ hộ qua ứng dụng vẫn nơi dễ, nơi khó Shipper TP.HCM hoạt động trở lại: Đi chợ hộ qua ứng dụng vẫn nơi dễ, nơi khó

Ngày đăng: 10:01 | 01/09/2021

/ Nghề nghiệp và cuộc sống