Sở Xây dựng TP.HCM vừa có đề xuất trong tờ trình về việc ban hành giá dịch vụ thoát nước ở TP.HCM giai đoạn 2020-2024 sau khi lấy ý kiến nhiều sở ngành liên quan và gửi UBND TP.
Theo Sở Xây dựng, so sánh mức giá thu dịch vụ thoát nước của Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Nội... (đang đề xuất thu trong năm 2020 với mức 1.895-2.645 đồng mỗi m3 )..., Sở Xây dựng cho rằng mức thu của TP tương đối thấp so với các tỉnh thành trực thuộc Trung ương.
Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Sở Tài chính, Sở Xây dựng đã dự thảo Quyết định ban hành giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2024 với các nội dung chính như sau:
Quyết định ban hành giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2024.
Dự thảo áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình (gọi chung là hộ thoát nước, có hoạt động xả nước thải vào hệ thống thoát nước trên địa bàn TP và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan).
Hộ thoát nước đã thanh toán tiền dịch vụ thoát nước thì không phải trả phí bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.
Theo đó, nếu đề xuất này được chấp thuận, giá tiền nước sạch và dịch vụ thoát nước bình quân mà người dân phải trả cho mỗi m3 trong năm 2020 là 11.029 đồng; năm 2021 là 12.198 đồng và năm 2024 là 16.344 đồng (chưa tính 10% thuế giá trị gia tăng).
Về phương thức thu, đối với các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV thì căn cứ vào hóa đơn tiền nước.
Đối với các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung tiếp tục thu phí bảo vệ môi trường theo quy định. Sở TN&MT phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức xây dựng phương án thu tiền dịch vụ cho các đối tượng này.
Nguồn thu từ dịch vụ thoát nước thải được để lại 1% trên tổng số thu thực tế để chi trả chi phí dịch vụ đi thu; thực hiện các nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài chính khác (nếu có), phần còn lại nộp vào ngân sách Nhà nước để sử dụng cho các mục đích đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước và các chi phí hợp lệ khác theo quy định hiện hành.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đặng Phú Thành, Trưởng phòng Hạ tầng Kỹ thuật, Sở Xây dựng TP HCM, người chủ trì, xây dựng đề án thu phí dịch vụ thoát nước từ nay đến năm 2024 cho biết, theo đề án, mỗi năm thành phố sẽ thu khoảng 830 tỷ đồng phí dịch vụ thoát nước.
Ông thông tin: "Chúng tôi có lộ trình đánh giá tổng thể trong nhiều năm, xem xét mức độ ảnh hưởng của người dân chứ không vội vàng làm trong một sớm một chiều. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, mức độ tác động và ảnh hưởng đến thu nhập, đặc biệt là các hộ nghèo khi thu phí dịch vụ thoát nước chỉ từ 0,051% năm 2020 và 0,197% năm 2024.
Hiện trong giá nước sạch đã có phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Mức phí bảo vệ môi trường sẽ không được thu nữa khi áp dụng đề án. Như vậy, đề án không làm phát sinh thêm phí mà để đảm bảo duy trì hệ thống thoát nước và xử lý nước thải.
Trước đây chi phí duy tu, sửa chữa hệ thống thoát nước được lấy từ ngân sách. Bây giờ thành phố chủ trương việc thu phí phải tính đúng, tính đủ, người xả thải nhiều phải trả phí nhiều".
Đề xuất này của TP.HCM đã vấp phải những ý kiến trái chiều. Cụ thể, trong văn bản vừa gửi UBND TP và Sở Xây dựng TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản thành phố (HoREA) đề nghị UBND TP xem xét, chưa nên áp dụng “giá dịch vụ thoát nước” (gồm “phí bảo vệ môi trường đối với nước thải”) trong năm 2020 theo đề xuất của Sở Xây dựng, mà nên giữ nguyên mức thu bằng 10% giá nước sạch như năm 2019, để giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình trong tình hình đại dịch hiện nay.
Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Sở Xây dựng, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP hỗ trợ các chủ đầu tư dự án nhà ở hoàn thành các thủ tục kiểm tra nghiệm thu đạt chuẩn để được bàn giao công trình xử lý nước thải của dự án, giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình trong các dự án này.
TS Đinh Thế Hiển (chuyên gia kinh tế) cho rằng các hoạt động cơ bản về hạ tầng đô thị như giao thông, y tế, giáo dục, cấp điện, cấp nước, thoát nước…, về cơ bản ngân sách thành phố đã có những khoản chi để đầu tư hợp lý.
Đó là nguồn thu từ thuế, hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đang sinh sống và làm việc tại TP HCM.
Với 18% ngân sách TP. HCM được giữ lại thì rõ ràng việc tái đầu tư cho hệ thống hạ tầng đô thị của thành phố còn thiếu thốn, hạn chế kéo theo các dịch vụ hạ tầng đô thị mà người dân được thụ hưởng chưa tương xứng với khoản tài chính mà họ đóng góp cho ngân sách.
"Nếu tiếp tục thu giá dịch vụ thoát nước trong giai đoạn này, theo tôi, là chưa thuyết phục, việc thu sẽ tạo thêm gánh nặng cho người dân nhất là những người nghèo, chưa kể việc quản lý số tiền thu được phải bảo đảm tính minh bạch.
Nếu TP. HCM cần huy động vốn để thực hiện chương trình chống ngập thì cần lên kế hoạch cụ thể, ví dụ lập dự án chống ngập A, công khai thông tin, tổng kinh phí, đơn vị thực hiện, qua đó có thể phát hành trái phiếu đô thị để huy động vốn của người dân thực hiện.
Khi nào kinh tế phát triển ổn định, TP. HCM có thể mua lại trái phiếu, trả vốn cho người dân. Đây là cách huy động vốn mà nhiều nước phát triển áp dụng, vừa bảo đảm tính minh bạch, công bằng vừa không tạo gánh nặng cho người dân" - TS Đinh Thế Hiển nói.
PV (th)
Ngày đăng: 17:47 | 18/08/2020
/ Nghề nghiệp và cuộc sống