Chủ tịch TP.HCM quyết định giãn cách xã hội trên toàn thành phố theo chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) theo chỉ thị 16, từ 0h ngày 31/5.
Quyết định được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đưa ra tại cuộc họp khẩn về phòng chống Covid-19, sáng 30/5, trong bối cảnh TP HCM ghi nhận 126 ca nhiễm liên quan ổ dịch Hội thánh Truyền giáo Phục hưng ở quận Gò Vấp. Đây là lần thứ hai TP HCM giãn cách xã hội toàn thành phố. Trước đó đầu tháng 4/2020, cùng với 11 tỉnh thành "nguy cơ cao", thành phố có 22 ngày áp dụng Chỉ thị 16 với cấp độ cao hơn.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, vắng vẻ khi dịch bùng phát mạnh ở TP HCM, ngày 29/5. Ảnh: Hữu Khoa. |
Chỉ thị 15 yêu cầu dừng các sự kiện tập trung trên 20 người; không tụ tập 10 người trở lên ngoài công sở, trường học, bệnh viện; tạm dừng các dịch vụ không cần thiết, chỉ các dịch vụ hàng hoá, thiết yếu được mở cửa... Ngoài ra, lần này thành phố yêu cầu không được tập trung quá 5 người ở nơi công cộng. Việc giãn cách áp dụng từ 0h ngày 31/5.
Đối với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12), từ 0h ngày 31/5, áp dụng giãn cách 15 ngày theo Chỉ thị 16. Nguyên tắc của chỉ thị này là "gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh".
Các phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài nếu thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; hoặc làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (những nơi không bị đóng cửa, dừng hoạt động) và các trường hợp khẩn cấp khác.
Người dân phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Gò Vấp là quận nội thành, rộng 19,7 km2, dân số hơn 676.000 (thống kê năm 2019), chỉ sau quận đông dân nhất thành phố là Bình Tân. Quận giáp Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Hóc Môn và 12. Đây là cửa ngõ nối liền trung tâm thành phố với Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh... qua đường Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, xa lộ Đại Hàn, tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất và đường xe lửa bắc nam.
Quận 12 giáp quận Gò Vấp, dân số hơn 620.000, trong đó phường Thạnh Lộc, rộng hơn 5,7 km, gần 42.000 nhân khẩu. Ngoài kế phường Thạnh Xuân, An Phú Đông của quận 12, Thạnh Lộc còn giáp phường 6 (Gò Vấp), xã Nhị Bình (Hóc Môn) và thị trấn Lái Thiêu, xã Vĩnh Phú, huyện Thuận An, Bình Dương.
TP HCM bị giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ 0h ngày 31/5. Đồ hoạ: Khánh Hoàng. |
Người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm diện rộng toàn thành phố. Việc lấy mẫu trước mắt cần tập trung vào tổ công tác bầu cử ở địa bàn có thành viên Hội thánh Truyền giáo Phục hưng. Các bệnh viện và đại học y dược cần hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) trong lấy mẫu. Mỗi ngày lực lượng y tế phải lấy 50.000 mẫu đơn xét nghiệm; tập trung vào khu công nghiệp, khu chế xuất, công nghệ cao...
Theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên, thành phố đã "bị thủng lưới từ một trường hợp phạm luật đặc biệt nghiêm trọng". Tình huống hết sức khó khăn, phức tạp buộc thành phố phải có các biện pháp quyết liệt và có hiệu quả nhất.
"Đây là thử thách mới với thành phố. Tôi tin với sự đồng lòng, quyết tâm, chúng ta sẽ chiến thắng. Tình huống nguy hiểm mới buộc chúng ta hành động tương xứng. Nếu không diễn biến dịch có thể vượt khả năng và tầm kiểm soát", ông Nên nói và yêu cầu các cơ quan chức năng hết sức bình tĩnh, chủ động, dự báo sát tình hình, đưa ra giải pháp phù hợp nhất.
Trụ sở Hội thánh Truyền giáo Phục hưng ở đường Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp. Ảnh:Hữu Khoa. |
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đề xuất giãn cách theo Chỉ thị 16 phường 3, 5, 9, 11, 14, 15 quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12. Đây là những nơi có ca bệnh liên quan chuỗi lây nhiễm Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, nguy cơ lây lan rất cao.
"Hiện TP HCM đã có 13 ca trên một triệu dân. Đây là tình trạng đáng báo động", ông Bỉnh đánh giá.
Đáng lo ngại, virus gây bệnh liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục hưng thuộc biến chủng B.1.617.2 từ Ấn Độ. Biến chủng này được đánh giá khả năng, lây nhiễm nhanh hơn 1,7 lần so những chủng nCoV khác, có thể lây lan nhanh trong không khí ở môi trường kín. Một số người của hội thánh này trong quá trình điều tra, truy vết đã khai báo không trung thực; số ca F1, F2 phân tán 16 quận huyện. Theo HCDC, gần 39.000 người TP HCM liên quan cụm dịch hội truyền giáo.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện thành phố phong toả 47 điểm. Những ngày qua, khi thực hiện chỉ thị của UBND TP HCM về phòng chống dịch, một số nơi làm chưa tốt. Nếu phát huy được vai trò của tổ Covid-19 cộng đồng đã sớm phát hiện ổ dịch tại Hội thánh Truyền giáo Phục hưng ở quận Gò Vấp, không xảy ra tình trạng xấu như hiện nay.
"Họ tập trung đông không mang khẩu trang mà phường và khu dân phố không phát hiện sớm", ông Phong nói và lưu ý quận, huyện tăng cường vai trò của tổ Covid-19 cộng đồng, nếu để xảy ra tình trạng tương tự sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu.
Ổ dịch tại Hội thánh Truyền giáo Phục hưng ở hẻm 415 đường Nguyễn Văn Công, quận Gò Vấp bùng phát hôm 26/5, sau khi ngành y tế thanh phố ghi nhận 3 ca nhiễm đến khám tại Bệnh viện Gia Định. Đến nay, sau 4 ngày đã có 136 (3 ca ở Long An, Tây Ninh, Bạc Liêu) ca dương tính liên quan ổ dịch này. Đây là ổ dịch lớn nhất TP HCM sau các đợt dịch.
Theo báo cáo của Sở Y tế, từ đầu năm 2020 đến nay TP HCM ghi nhận 379 ca bệnh, trong đó 177 ca nhiễm trong cộng đồng, còn lại là trường hợp nhập cảnh. Hiện 266 ca điều trị khỏi, 142 ca mới và nghi ngờ, đang điều trị.
Hơn 62.000 người TP HCM liên quan hai cụm dịch lớn
Sở Y tế TP HCM đến sáng 30/5 xác định được 2.199 F1 và 60.209 F2 của các ca Covid-19 liên quan Hội thánh Truyền ... |
Khởi tố vụ án 'làm lây lan dịch bệnh' từ Hội thánh truyền giáo Phục Hưng
Công an Gò Vấp khởi tố vụ án, điều tra dấu hiệu tội Làm lây lan dịch bệnh từ Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, ... |
Ngày đăng: 12:35 | 30/05/2021
/ vnexpress.net