Giá vé máy bay tăng cao, nhiều công ty du lịch đã "làm mới" mình bằng cách thiết kế tour sử dụng phương tiện vận chuyển đường bộ. Nhờ vậy khách hàng không phải bỏ ra chi phí quá cao.
Làm tour mới, tiết giảm chi phí
Việc sụt giảm nghiêm trọng tour du lịch dịp 30/4 vừa qua khiến lãnh đạo Công ty Liên hợp Vận tải & Du lịch Vitraco phải nhiều lần họp bàn để đưa ra đối sách. Qua nghiên cứu họ nhận thấy, du khách ít lựa chọn di chuyển bằng đường hàng không do giá vé cao, mà chọn tàu hỏa hoặc tự lái xe. Những tour có khoảng cách ngắn hay có biển là những điểm đến được ưa thích.
Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đi Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) còn khoảng 2 tiếng, so với 5 - 6 tiếng đi quốc lộ, giúp du lịch địa phương ngày càng khởi sắc.
Sẵn có thế mạnh là dòng xe hạng sang vận chuyển khách đường dài, công ty đã lập tức thay đổi chiến lược: Tăng các chuyến hành trình bằng đường bộ, tiết giảm các chi phí để đưa ra các tour giá cạnh tranh.
"Thay vì làm tour bao gồm giá vé máy bay, tour mới được thiết kế giảm khoảng 20 - 30% khi sử dụng ô tô, tàu hỏa. Hoặc có những tour công ty xây dựng chi tiết kế hoạch, riêng việc di chuyển khách tự túc phương tiện. Nhờ thế, có những tour mới như Hà Nội – Đà Nẵng – Hội An chỉ khoảng 3,8 triệu đồng/người. Hiện tour này đang bán rất tốt, một số ngày cháy hàng", vị đại diện cho hay.
Tương tự, đại diện Vietravel cũng cho biết, để tiết kiệm chi phí, công ty sẽ tận dụng đường cao tốc để xây dựng các tour chiều đi bằng ô tô, tàu hỏa: "Sản phẩm du lịch hè chiếm khoảng 30% doanh thu, chiến lược này sẽ quyết định thành công của mùa du lịch năm nay".
Tận dụng hạ tầng giao thông
Đại diện sở Du lịch TP.HCM cho hay, năm nay mùa hè nắng nóng ở khu vực miền Nam kéo dài, do đó những điểm du lịch biển và nghỉ dưỡng gắn với thiên nhiên sẽ hút khách.
Hiện nay, chỉ có duy nhất đường bay từ Việt Nam đi Thái Lan giá mềm, nhưng đó là nhờ họ tổ chức du lịch theo từng gói, sản phẩm 3 trong 1 hoặc 4 trong 1. Mỗi cấu phần đều bán dưới giá thành, chịu lỗ nhưng thu lời từ dịch vụ mua bán, lưu trú, chủ yếu là shopping. Họ lấy tiền đó rồi chia ngược lại cho các đơn vị bù lỗ, cùng liên kết tạo thành gói sản phẩm giá rẻ. Hình thức này hiện gần như chỉ mình Thái Lan có thể làm được.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel
"Các doanh nghiệp đều bày tỏ, lý do họ có thể "làm mới" được tour du lịch hè này là nhờ nhiều tuyến cao tốc đưa vào khai thác giúp kết nối các điểm đến thuận tiện. Hạ tầng giao thông tốt là yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy du lịch phát triển", bà Phạm Phương Anh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Du Lịch Việt chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho hay, việc khách đi bằng đường hàng không giảm sâu, khiến hệ sinh thái du lịch địa phương ảnh hưởng. Dịp lễ những năm trước, hầu hết các cơ sở lưu trú lấp đầy 80 - 90%. Tuy nhiên, trước 10 ngày dịp lễ 30/4 vừa qua, tỷ lệ này rất thấp.
"May mắn, khách nội địa di chuyển bằng đường sắt, ô tô tăng mạnh đã giúp địa phương bù lại, lấp đầy khoảng trống của khách hàng không", ông Hồng nói và cho rằng, để kích cầu du lịch thì không thể chỉ giải quyết vấn đề giá vé máy bay. Việc này cần có sự chung tay của nhiều bên liên quan để có một chính sách tổng thể.
Cần phát triển du lịch liên kết
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corp, không chỉ tại Việt Nam mà giá vé máy bay trên thế giới đều tăng. Tính đến cuối năm 2023, giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông đã tăng 17 - 25% so với năm 2019. Trong đó, giá vé tại châu Á tăng 21%, Úc/New Zealand tăng 22%, châu Âu tăng 18%, Nam Mỹ tăng 25% và Bắc Mỹ tăng 17%.
"Chưa bao giờ giá vé máy bay từ Việt Nam đi Mỹ lại đắt như hiện nay. Vé hạng thương gia trước đây chỉ 3.000 - 4.000 USD, giờ phải 9.000 - 11.000 USD. Hạng phổ thông cũng tăng từ 750 - 900 USD lên 1.700 - 2.100 USD tùy thời điểm. Vì thế, không có chuyện hãng bay đang cố tình bán vé giá cao để hưởng lợi một mình", ông Kỳ dẫn chứng.
Về việc một số đường bay nước ngoài rẻ hơn bay trong nước, ông Kỳ cho rằng đó chỉ là một vài trường hợp cá biệt nhờ chương trình khuyến mãi, không phải phổ biến.
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch, trong cơ cấu chi tiêu du lịch của du khách, chi cho vận chuyển chiếm tới 30 - 35%, thậm chí có thể lên tới hơn 50% giá tour. Hiện nay, trên toàn cầu đang hình thành mặt bằng giá mới mà ngành du lịch phải thích ứng.
Do đó, các hãng lữ hành cần tối ưu hóa chương trình tour, từ lịch trình cho tới điểm đến. Các hãng cần có chương trình phù hợp, có thể bay đêm để có giá vé hợp lý hơn; tránh tập trung một vài điểm đến tại thời điểm cao điểm. Đặc biệt, cần tính toán điểm đến mới có sử dụng nhiều phương tiện linh hoạt gồm cả hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ.
"Sự liên kết, phối hợp với nhau trong du lịch rất quan trọng. Đơn cử, thời gian qua du lịch miền Trung bị tác động bởi giá vé máy bay thì đường sắt đã tham gia rất tốt. Điều quan trọng nữa là sự vào cuộc của các địa phương, đảm bảo chất lượng dịch vụ. Khi điểm đến tốt, sản phẩm tốt thì không lý gì lại không thu hút được du khách", ông Siêu nói.
https://www.baogiaothong.vn/tour-du-lich-duong-bo-hut-khach-192240521001516393.htm
Ngày đăng: 09:31 | 22/05/2024
Hồng Hạnh / Giao thông