Vào lúc 21h ngày 2/8 (giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký phê chuẩn dự luật gia tăng trừng phạt Nga, được lưỡng viện quốc hội nước này thông qua vào cuối tháng 7 vừa qua.
Tổng thống Trump ký dự luật trừng phạt Nga ngày 2/8 |
Thông tin trên được hãng tin Bloomberg dẫn lời Sanders Sarah, người phát ngôn của Nhà Trắng cho biết.
Việc Tổng thống Trump phê chuẩn dự luật gây tranh cãi này không nằm ngoài dự đoán của các nhà phân tích. Ngày 25 và 27/7/2017, lần lượt Hạ và Thượng viện Mỹ biểu quyết thông qua dự luật mới gia tăng trừng phạt Nga liên quan tới cáo buộc là Moskva can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, cũng như việc sáp nhập Crimea.
Dự luật cũng chứa đựng một điều khoản cho phép quốc hội Mỹ được thực hiện một quy trình rút ngắn để bác bỏ bất kỳ động thái nào mà tổng thống thực hiện để chấm dứt các biện pháp trừng phạt Nga. Đây là cách các nhà lập pháp Mỹ “trói tay” Tổng thống Donald Trump. Nhất là vào lúc này, lãnh đạo hành pháp Mỹ muốn cải thiện quan hệ với Nga. Theo AFP, ông Trump không có cách nào cưỡng lại. Cho dù ông Trump dùng quyền phủ quyết thì Quốc hội lưỡng viện sẽ biểu quyết chung và có khả năng hội đủ đa số 2/3 để thông qua.
Trước khi dự luật này được ký, Nga đã phản ứng dữ dội. Ngày 30/7, đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo trục xuất 755 nhân viên ngoại giao Mỹ khỏi Nga, hạn chót là vào ngày 1/9 tới đây. Trước đó, ngày 28/7, Moskva tuyên bố họ sẽ tịch thu hai cơ sở ngoại giao của Mỹ tại Moskva.
Khi trả lời cuộc phỏng vấn trên truyền hình Rossiya 1 ngày 30/7, người đứng đầu Điện Kremlin giải thích rằng, Moskva không muốn làm điều đó vì nó sẽ làm tổn thương sự phát triển của quan hệ quốc tế nhưng nước Nga không còn lựa chọn nào khác. Ông Putin nói thêm rằng sự kiên nhẫn của Nga khi chờ đợi có sự cải thiện trong mối quan hệ với Mỹ chỉ có giới hạn. “Chúng ta đã chờ đợi từ lâu nay rằng có thể có sự thay đổi nào đó cho tốt đẹp hơn, hy vọng tình hình hiện nay sẽ thay đổi. Nhưng sau khi xem xét thì thấy rằng nếu có thay đổi cũng sẽ không sớm xảy ra”, ông Putin cho biết. Tổng thống Putin tuyên bố rằng Nga sẽ tiến hành thêm các biện pháp chống Mỹ nhưng không phải ngay lúc này.
Luật trừng phạt Nga của Mỹ lần này còn bị châu Âu phản ứng mạnh. Ngày 24/7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean - Claude Juncker đã kêu gọi EC nhanh chóng thảo luận về vấn đề này. Mặc dù không nêu cụ thể quan ngại của phía châu Âu là gì nhưng tất cả giới quan sát đều biết, lo ngại lớn nhất từ phía châu Âu đối với các lệnh trừng phạt mà Mỹ sắp áp dụng với Nga là liên quan đến các dự án hợp tác năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) với Nga, đặc biệt là dự án xây dựng đường dẫn khí gas “Dòng chảy phương Bắc 2” nối liền Nga với Đức. Đây là một dự án đặc biệt quan trọng đối với cả hai phía châu Âu và Nga và có tổng vốn đầu tư lên tới 9,5 tỷ euro, trong đó tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga đóng góp một nửa, còn một nửa còn lại do 5 tập đoàn năng lượng lớn của châu Âu, gồm Engie của Pháp, Shell của liên doanh Anh-Hà Lan, Uniper và Wintershall của Đức và OMV của Áo đóng góp.
Nhiều nước châu Âu, nhất là Đức tức giận, bởi vì với đạo luật mới này, Tổng thống Mỹ có thẩm quyền trừng phạt các doanh nghiệp thầu xây ống dẫn khí đốt từ Nga đến châu Âu. Các doanh nghiệp này sẽ khó vay tiền của ngân hàng Mỹ và thậm chí không được tham gia các cuộc gọi thầu của Nhà nước Mỹ. Từ khi phương Tây ban hành cấm vận và trừng phạt Nga, Washington và Bruxelles có vạch ra một “lằn ranh đỏ” là không để ảnh hưởng đến nguồn khí đốt mà châu Âu mua của Nga. Thế mà lần này Mỹ đơn phương hành động không phối hợp với đồng minh.
Ngày đăng: 10:04 | 03/08/2017
/ Nh.Thạch/petrotimes.vn