Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết khi có đủ số lượng tên lửa Oreshnik, Moskva sẽ không còn cần đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân nữa.

"Chúng tôi đang điều chỉnh học thuyết hạt nhân. Về cơ bản, chúng tôi cần nâng cấp tên lửa Oreshnik chứ không phải học thuyết hạt nhân. Nếu xem xét kỹ hơn, một lượng đủ hệ thống vũ khí tiên tiến có thể giúp loại bỏ nhu cầu sử dụng vũ khí hạt nhân", Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: TASS)

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: TASS)

Nhà lãnh đạo Nga cảnh báo việc sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp sẽ "thay đổi đáng kể bản chất" của cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời nhấn mạnh các hệ thống vũ khí tinh vi như vậy không thể được vận hành nếu không có sự tham gia trực tiếp của nhân viên NATO.

Vào tháng 11, Nga sửa đổi học thuyết hạt nhân, hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo đó, Moskva có quyền triển khai kho vũ khí hạt nhân để chống lại một cuộc tấn công hạt nhân hoặc thông thường gây ra "mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga". 

Học thuyết hạt nhân mới nêu rõ một cuộc tấn công vào một quốc gia do một quốc gia nước ngoài không có vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng được cường quốc hạt nhân hậu thuẫn thì phải được coi là cuộc tấn công chung của cả hai bên.

Hôm 22/11, Nga tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn siêu thanh mang tên Oreshnik vào mục tiêu quân sự của Ukraine ở thành phố Dnipro.

Nhà lãnh đạo Nga còn nhấn mạnh mẫu tên lửa này không thể bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng không hiện có của phương Tây.

Còn theo phía Ukraine, tên lửa Oreshnik có tốc độ bay lên đến 13.000 km/h và có tầm tấn công khoảng hơn 5.500 km.

Hai chuyên gia vũ khí của Ukraine cho biết Oreshnik giống như hầu hết các mẫu tên lửa đạn đạo liên lục địa và sử dụng đầu đạn hồi quyển. Nhưng từ chối đưa ra nhận định chính xác về sức mạnh của dòng tên lửa mới của Nga.

"Đây là những kết luận sơ bộ và để đưa ra kết luận cụ thể hơn cần có thời gian và nghiên cứu cẩn thận những gì còn lại của tên lửa", một trong hai chuyên gia Ukraine cho biết.

Bộ Quốc phòng Mỹ thông tin thêm thiết kế của tên lửa Oreshnik dựa trên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-26 Rubezh. Đồng thời nhận định tên lửa mới này là tên lửa thử nghiệm và Nga có thể chỉ sở hữu một số ít tên lửa Oreshnik.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin lại nhấn mạnh Moskva sẽ tiếp tục thử nghiệm tên lửa Oreshnik trong điều kiện thực thế và quân đội nước này đang có trong tay số lượng đáng kể vũ khí này. 

Ngày đăng: 07:54 | 11/12/2024

Kông Anh / VTC News