Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định như vậy trong bài phát biểu hôm 5/10 (giờ địa phương) tại phiên toàn thể Hội nghị thường niên Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai lần thứ 20 diễn ra ở Sochi. Ông cũng vạch ra 6 nguyên tắc quan hệ quốc tế mà Nga muốn coi là nền tảng của trật tự thế giới công bằng hơn.

Nguyên tắc đầu tiên mà người đứng đầu Điện Kremlin nêu là tạo ra một môi trường thân thiện và một thế giới toàn diện, nơi không có những rào cản nhân tạo đối với giao tiếp giữa con người, khả năng hiện thực hoá sáng tạo và sự thịnh vượng của con người. Thứ hai, sự đa dạng của thế giới không chỉ được bảo tồn mà còn phải là nền tảng cho sự phát triển toàn cầu. Thứ ba, thế giới của tương lai là thế giới của những quyết định tập thể, không phải của cá nhân.

tongthongnga.jpg -0
Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Nga không có động cơ tìm kiếm thêm lãnh thổ mới.

Thứ tư, an ninh toàn cầu và hoà bình lâu dài được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lợi ích của mọi người. Tổng thống Nga khẳng định tính không thể chia cắt của an ninh, theo đó không thể đảm bảo an ninh cho một số người bằng cách gây tổn hại đến an ninh của những người khác. Thứ năm, công lý dành cho tất cả mọi người và tất cả phải được tiếp cận những lợi ích của sự phát triển hiện đại. Thứ sáu, bình đẳng cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Tổng thống Vladimir Putin kêu gọi tất cả các nước tuân thủ 6 nguyên tắc trong quan hệ quốc tế, trong đó có bình đẳng, duy trì sự đa dạng và nỗ lực tạo ra một thế giới hoà nhập. Ông nhấn mạnh: “Không ai có quyền kiểm soát thế giới nhân danh ai hoặc gây tổn hại cho người khác”.

Nhà lãnh đạo Nga cũng khẳng định, Nga đã thành công trong định hình lại nền kinh tế theo hướng tự cung tự cấp và có các thị trường mới kể từ khi châu Âu và Mỹ lần đầu tiên áp đặt các biện pháp trừng phạt Moscow vào năm 2014. Ông nói: “Chúng ta đã vượt qua mọi vấn đề nảy sinh từ các lệnh trừng phạt và bắt đầu giai đoạn phát triển tiếp theo”.

Bên cạnh đó, ông chủ Điện Kremlin đồng thời cho biết nước này đã hoàn thành hiệu quả phát triển Sarmat (tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ hầm chứa). Ông cũng tiết lộ rằng, Nga cũng đã thử nghiệm thành công tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân Burevestnik. Ngoài ra, Nga có thể xem xét hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) năm 1996 vì hiệp ước này vẫn chưa được Mỹ phê chuẩn.

Liên quan tới vấn đề Ukraine, Tổng thống Nga nhấn mạnh, cuộc xung đột ở Ukraine không được thúc đẩy bởi những tham vọng về lãnh thổ, khẳng định Nga là quốc gia lớn nhất thế giới, vì vậy không có động cơ tìm kiếm thêm lãnh thổ mới. Ông nêu rõ: “Đây không phải là cuộc xung đột vì lãnh thổ và thậm chí không phải sự thiết lập cân bằng địa chính trị khu vực. Vấn đề này rộng lớn và căn bản hơn thế. Chúng tôi đang nói về các nguyên tắc của trật tự thế giới mới”. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, một nền hòa bình lâu dài chỉ có thể được thiết lập khi “mọi người cảm thấy an toàn và biết rằng quan điểm của họ được tôn trọng”. Ông cũng khẳng định Nga không phải là bên khởi xướng cuộc xung đột ở Ukraine mà đang cố gắng chấm dứt nó.

“Chúng tôi không phải là bên tổ chức cuộc đảo chính đẫm máu ở Kiev. Chúng tôi cũng không phải bên hăm dọa người dân Crimea và Sevastopol bằng những cuộc thanh lọc sắc tộc kiểu phát xít. Chúng tôi không phải bên buộc Donbass phải nghe theo mình bằng những cuộc nã pháo và ném bom. Chúng tôi không phải bên đe dọa sử dụng bạo lực chống lại những người muốn nói tiếng bản xứ của họ”, ông chủ Điện Kremlin nói, nhấn mạnh chính Kiev đã sử dụng xe tăng và pháo để tiến hành chiến tranh ở khu vực Donbass.

“Cuộc xung đột này, do chính quyền Kiev bắt đầu với sự hỗ trợ chủ động và trực tiếp của phương Tây, hiện đã bước sang năm thứ 10”, Tổng thống Vladimir Putin nói, đồng thời cho biết: “Chiến dịch quân sự đặc biệt được tiến hành để chấm dứt điều đó”. Theo ông, Ukraine đã tổn thất nặng về sinh mạng trong cuộc phản công từ đầu tháng 6. Cụ thể, đã có trên 90.000 binh sĩ Ukraine thiệt mạng hoặc bị thương. Lực lượng Ukraine cũng mất 557 xe tăng và khoảng 1.900 xe bọc thép.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Vladimir Putin cũng bác bỏ cáo buộc rằng, Nga đã bỏ rơi đồng minh Armenia khi Azerbaijan tái lập quyền kiểm soát vùng đất ly khai Nagorny-Karabakh vào tháng trước. Sau chiến thắng của Azerbaijan và sau khi lực lượng quân sự Nagorny-Karabakh giải tán, người Armenia đã ồ ạt rời khỏi khu vực này. Theo ông, Nga đã làm mọi thứ có thể để hòa giải cuộc xung đột và đã đề nghị với Armenia một thỏa hiệp liên quan đến Nagorny-Karabakh. Ông nhận định thêm rằng, một cuộc xung đột vũ trang mới là không thể tránh khỏi sau khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan chính thức công nhận vùng đất này là lãnh thổ của Azerbaijan.

Tổng thống Vladimir Putin có truyền thống gặp gỡ những người tham gia Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Thảo luận quốc tế Valdai kể từ khi câu lạc bộ được thành lập vào năm 2004 (hội nghị đầu tiên được tổ chức ở Veliky Novgorod gần hồ Valdai, nơi lấy tên của diễn đàn). Kể từ năm 2014, các cuộc họp của Câu lạc bộ Valdai đã được tổ chức ở Sochi. Năm 2020, đại dịch COVID-19 khiến sự kiện này phải tổ chức ở Moscow và Tổng thống Vladimir Putin tham dự qua cầu truyền hình. Hội nghị năm nay có sự tham gia của 140 chuyên gia, chính trị gia, nhà ngoại giao và kinh tế đến từ 42 quốc gia trên thế giới với chủ đề “Đa cực công bằng: Làm thế nào để đảm bảo an ninh và phát triển cho tất cả mọi người”.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/tong-thong-nga-xung-dot-tai-ukraine-khong-phai-vi-lanh-tho-i709563/

 

Ngày đăng: 08:44 | 07/10/2023

Khổng Hà / cand.com.vn