Cùng với việc Mỹ thành lập liên minh AUKUS, các nước thành viên NATO bắt đầu cảm thấy lo lắng với chính sách thiếu nhất quán từ Washington.
Trong một bài bình luận mới đây trên tờ Svpressa, chuyên gia quân sự Alexander Sitnikov cho rằng cùng với việc Mỹ, Anh và Australia thiết lập liên minh an ninh AUKUS, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang tính đến một tương lai khác cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cả việc các nước châu Âu nên có một quân đội riêng.
Cũng theo Sitnikov, vấn đề này có thể đã được đưa ra thảo luận trong cuộc hội đàm mới đây giữa Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đại tướng Mark Milley và Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Nga, Đại tướng Valery Gerasimov.
Đối với nhiều người, thông tin này có thể gây bất ngờ nhưng trên thực tế ý tưởng hỗ trợ châu Âu xây dựng quân đội riêng, hoạt động song song với NATO đã được nhiều nhà lập pháp Mỹ đưa ra trước đó. Bản thân cuộc hội đàm giữa tướng Milley và tướng Gerasimov tại Helsinki (Phần Lan) vào 22/9 vừa qua cũng ít nhiều cho thấy điều này.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley và Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov gặp nhau tại Helsinki, Phần Lan ngày 22/9. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ) |
Ngay như hãng tin CNN cũng gọi sự kiện trên là “phi thường”, bởi cuộc gặp trên diễn ra vào thời điểm căng thẳng giữa Mỹ và Nga không có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí còn bị đẩy lên cao hơn cùng với các hoạt động của NATO gần biên giới Nga trong thời gian gần đây.
Người phát ngôn của tướng Milley, Đại tá Dave Butler đã mô tả cuộc hội đàm kéo dài 6 tiếng mang đến nhiều thông tin tích cực và hiệu quả. Nội dung các vấn đề cụ thể hai bên trao đổi không được tiết lộ.
Theo Đại tá Butler, cuộc hội đàm tập trung vào các vấn đề an ninh toàn cầu, cả hai bên đều tôn trọng lập trường của nhau.
Chuyên gia Sitnikov phân tích, đứng trước các thách thức an ninh hiện tại chính quyền Biden nhận thức rõ một liên minh không có tính gắn kết chặt chẽ như NATO sẽ không thể giải quyết được các vấn đề trước mắt, trong khi đó AUKUS lại khả thi hơn nhiều.
Nếu như vậy, việc Anh rời khỏi liên minh châu Âu (EU) có thể được hiểu là bước chuẩn bị cho AUKUS, London giờ đây không còn chịu sự ràng buộc từ EU.
Mặt khác, các nước “đầu tàu” châu Âu từ lâu đã suy tính về một liên minh an ninh không chịu sự phụ thuộc vào Mỹ, bởi trong nhiều vấn đề lập trường của châu Âu khác hẳn Mỹ. Ví dụ rõ nhất chính là những tranh cãi xung quanh việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, vấn đề này thậm chí còn khiến quan hệ giữa các nước thành viên NATO rạn nứt.
Tuy nhiên, nếu châu Âu tập trung thúc đẩy thành lập mới một liên minh an ninh mới trong nội khối và tăng cường hỗ trợ nguồn lực cho kế hoạch này thì NATO chắc chắn sẽ suy yếu.
Việc châu Âu thành lập một liên minh quân sự riêng có thể tác động tiêu cực đến NATO. (Ảnh: Sputnik) |
Mỹ sẽ không từ bỏ NATO
Tờ Politico dẫn báo cáo của Viện nghiên cứu Trung tâm vì tiến bộ Mỹ (CAP) vào đầu năm nay nhận định, đã đến lúc EU trở thành một “cường quốc” quân sự toàn cầu và Mỹ nên ngừng cản trở tham vọng của châu Âu về quốc phòng.
Báo cáo của CAP kêu gọi chính quyền Biden nên khuyến khích EU tự xây dựng năng lực quốc phòng và từ bỏ chính sách đối lập với châu Âu về việc thành lập liên minh quân sự mới chỉ giữa các quốc gia thuộc “lục địa già”. Các chính quyền trước đó của Mỹ luôn viện lý do NATO sẽ chịu ảnh hưởng nếu EU thành lập một “quân đội” riêng, cũng như những lo ngại về khả năng kiểm soát và sự chồng chéo trong chỉ huy giữa các liên minh.
Dĩ nhiên, Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ NATO nhưng nước này cần sắp xếp lại thứ tự ưu tiên giữa các liên minh trong từng giai đoạn.
Ngược lại, các nhà lãnh đạo “đầu tàu” của EU, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức sắp mãn nhiệm Angela Merkel, từ lâu đã ủng hộ ý tưởng thành lập một Lực lượng vũ trang châu Âu hùng mạnh. Dù vậy không phải nước châu Âu nào cũng ủng hộ kế hoạch này, điển hình như Ba Lan và các nước Baltic.
Thực tế trên cũng phản ánh sự rạn nứt bên trong liên minh quân sự NATO, không chỉ xoay quanh đối phó với các nguy cơ an ninh từ Nga mà cả Trung Quốc, đan xen giữa những thách thức an ninh là lợi ích kinh tế. Việc thành lập một liên minh quân sự mới ở châu Âu sẽ tạo ra một “trung tâm” quyền lực mới, ở đó Mỹ chưa chắc đã có tiếng nói.
Các nước "đầu tàu" của EU như Đức, Pháp đều muốn châu Âu có một liên minh quân sự riêng thay vì phụ thuộc vào Mỹ. (Ảnh: Bloomberg) |
Quay lại cuộc hội đàm giữa tướng Milley và tướng Gerasimov, phía Mỹ sẽ không bao giờ nói thẳng ra việc có thể NATO sẽ được phân tách,
Thứ nhất, liên minh AUKUS được xây dựng để đối phó Trung Quốc, kèm với đó là các cơ chế hợp tác khác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đây sẽ là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Washington trong những năm tới.
Thứ hai, châu Âu tiến tới thành lập một quân đội chung để ngăn chặn Nga, NATO vẫn được duy trì như một phương án dự phòng. Căng thẳng với Nga có thể “hạ nhiệt” cho dù hai bên vẫn còn những bất đồng về vấn đề Ukraine, tấn công mạng hay Bắc Cực.
Có vẻ như Mỹ muốn đảm bảo an ninh cho châu Âu để rảnh tay đối phó các mới đối đe dọa khác, điều này được chỉ ra một cách gián tiếp qua các cuộc gặp giữa Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, và Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga một cách thường niên trong thời gian gần đây.
TRÀ KHÁNH
Ngày đăng: 09:02 | 29/09/2021
/ vtc.vn