Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết người dân sẵn sàng đi tuyến đường sắt trên cao với giá cao hơn vé xe buýt thường đến 37.
Sáng 10/8, tại buổi tọa đàm “Tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Hà Nội sẽ hoạt động thế nào?”, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, UBND TP. Hà Nội có quy định khung về tiêu chuẩn thẻ vé.
Vé đi Metro, xe buýt phải cùng một khung công nghệ để có thể kết nối được với nhau. Ông Trường khẳng định sắp tới có thể dùng cả cho đỗ xe và các phương tiện giao thông công cộng khác.
Về giá vé đi tàu điện trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông, Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết sẽ được Nhà nước trợ giá và do UBND TP. Hà Nội phê duyệt. Người dân sẵn sàng đi tuyến đường sắt trên cao với giá cao hơn vé xe buýt thường đến 37%.
“Người dân chấp thuận đi tuyến đường sắt với giá cao hơn vé xe buýt thường từ 35 đến 37%. Vé tháng được người dân thích sử dụng hơn và chấp nhận giá vé cao hơn khoảng 15% xe buýt thường”, ông Trường nói.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội.
Theo Giám đốc Metro Hà Nội, giá vé đi đường sắt trên cao phải có tính cạnh trạnh với việc sử dụng phương tiện cá nhân và phải khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Giám đốc Metro Hà Nội khẳng định, việc triển khai các phương tiện công cộng từ xe buýt thường lên xe buýt BRT và tàu điện trên cao là bước tiến của văn minh nhân loại. Với Hà Nội, chỉ một tuyến tàu điện đưa vào khai thác chưa giải quyết được nhiều nhưng là dấu hiệu cho một phương thức vận tải mới rất văn minh.
Dự kiến, thời gian di chuyển bằng tàu điện trên cao sẽ rút ngắn hơn rất nhiều so với các phương thức vận tải công cộng khác.
"Tốc độ của tàu 35km/h là cố định, còn xe buýt thì phụ thuộc vào tình hình giao thông. Hiện nay, BRT trên thế giới từ 16 - 40km/h, còn xe buýt BRT của mình đang chạy bình thường là 23km/h. Với xe buýt thường chỉ khoảng 16 - 18km/h. Tuy nhiên, xe buýt hay BRT còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là ùn tắc giao thông nên nhiều khi không đạt được tốc độ trên, còn đường sắt trên cao là cố định", Giám đốc Metro Hà Nội nhận định.
Bên cạnh đó, ông Chu Quang Trung - Phó viện trưởng Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải cho biết, việc kết nối của tuyến đường sắt trên cao với các phương tiện khác rất quan trọng. Nếu việc kết nối thuận tiện sẽ thu hút sự quan tâm và nhu cầu đi lại của người dân.
Theo ông Trung, dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 34 tuyến buýt đang hoạt động, chiếm 30% số lượng tuyến của toàn mạng lưới xe buýt Hà Nội.
Tuyến QL6 đoạn từ bến xe Yên Nghĩa đến Ngã Tư Sở có nhiều tuyến buýt chạy trùng với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông nhất, gồm 5 tuyến: 01. 02, 21A, 27, 33…. Đây là các tuyến buýt quan trọng, có lượng hành khách lớn, tần suất hoạt động cao.
Phó viện trưởng Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải cho biết, các tuyến buýt có lộ trình hoạt động chủ yếu trên trục QL6, đoạn Ngã Tư Sở - Yên Nghĩa có 15 tuyến, trong đó 6 tuyến trục (01, 02, 19, 21A, 21B, 27) hoạt động trùng với lộ trình tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông từ Ngã Tư Sở đến Yên Nghĩa, trùng 73% lộ trình tuyến đường sắt đô thị.
Ngoài ra, 13 tuyến có lộ trình hoạt động cắt ngang trục QL6 (05, 22, 29, 33, 37, 39, 57, 60A, 60B, 62); các tuyến buýt cắt ngang trùng từ 1-3 ga với tuyến đường sắt đô thị với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, trùng đến 25% lộ trình tuyến đường sắt đô thị.
Hiện nay, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông kết nối khá tốt với các tuyến buýt hướng ra ngoại thành theo các trục QL6, QL 21B (như tuyến 72 Bến xe Yên Nghĩa - Xuân Mai, tuyến 37 Bến xe Giáp Bát - Chương Mỹ, tuyến 57 bến xe Nam Thăng Long - KCN Phú Nghĩa).
Sau khi đường sắt đô thị đi vào hoạt động, các tuyến buýt nói trên có vai trò gom khách cho tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông. Việc kết nối này sẽ được điều chỉnh lại. Nguyên tắc tổ chức lại mạng lưới xe buýt là cung cấp và giải toả tối đa hành khách của tuyến đường sắt đô thị tại các nhà ga, gom và cung cấp khách cho các tuyến buýt.
“Phương án đang được xây dựng là toàn bộ các nhà ga của tuyến đường sắt sẽ có kết nối với hệ thống xe buýt thành phố”, ông Trung nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trung, nếu tổ chức tốt thì việc ùn tắc giao thông sẽ giảm đáng kể. Việc quy hoạch nhà ga và các tuyến buýt kết nối phải được tính toán cụ thể để tạo thuận lợi cho hành khách.
Metro số 1 của Sài Gòn đã lắp xong 5 nhà ga trên cao
5 trong số 11 nhà ga trên cao của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đã được lắp mái vòm hoàn thiện và lắp ... |
Kiến nghị rà soát lỗi các đơn vị tại dự án metro Nhổn - ga Hà Nội
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Hà Nội rà soát trách nhiệm của Công ty tư vấn Systra và kiểm điểm trách nhiệm của Ban ... |
Metro Sài Gòn điêu đứng vì thủ tục, thiếu tiền thanh toán cho nhà thầu
Các nhà tài trợ cam kết bố trí đủ vốn ODA, nhưng nhiều vướng mắc về thủ tục, dự án metro số 1 (Bến Thành ... |
Ngày đăng: 14:32 | 10/08/2018
/ https://vtc.vn