Tại Hội nghị Trung ương 7, Tổng Bí thư cho rằng các đại biểu phải nghiên cứu thảo luận, góp ý về công tác cán bộ để khắc phục tình trạng "chạy chức, chạy quyền" hay "thân quen, cánh hẩu".
Sáng nay (7/5), tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương sẽ thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; và một số vấn đề quan trọng khác.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương một số khía cạnh liên quan đến các nội dung và nhiệm vụ của Hội nghị lần này.
Về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhấn mạnh cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, từ trước đến nay, nhất là trong những nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng.
Có thể khẳng định, sự trưởng thành, phát triển của đội ngũ cán bộ và những ưu điểm trong công tác cán bộ là nhân tố then chốt, quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước.
Song những yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một trong những nguyên nhân làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, hiện nay, đất nước đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã yêu cầu: Phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo đúng tinh thần "thời kỳ nào, phong trào nào thì cán bộ đó".
Tổng Bí thư đề nghị các Uỷ viên Trung ương nghiên cứu kỹ các dự thảo văn bản và xuất phát từ thực tiễn phong phú của địa phương, đơn vị, thảo luận, đánh giá khách quan, khoa học về những kết quả, thành tích đã đạt được, phân tích sâu sắc những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, trả lời cho được câu hỏi vì sao 20 năm qua, đặc biệt những năm gần đây mặc dù Đảng ta đã có rất nhiều chủ trương, chính sách về công tác cán bộ được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhưng trong thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả còn thấp?
Nguyên nhân từ đâu, ở khâu nào, ở cấp nào? Đồng thời phân tích, dự báo tình hình trong nước, quốc tế trong thời gian tới; xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ mới, bối cảnh mới, nhất là những yếu tố tác động, cả tích cực lẫn tiêu cực đến cán bộ và công tác cán bộ.
Từ đó, đi sâu thảo luận, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài và những nhiệm vụ, giải pháp lớn, có tính đột phá khả thi cao để sớm khắc phục triệt để những hạn chế đã nêu, làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
"Cố gắng chỉ ra khâu đột phá là khâu nào? Đánh giá cán bộ hay sắp xếp, bố trí cán bộ? Khắc phục tình trạng "chạy chức, chạy quyền" hay "thân quen, cánh hẩu"? Chú trọng đặc biệt phẩm chất hay năng lực, hay coi trọng cả hai?
Vì sao có nhiều Nghị quyết rất đúng, rất trúng nhưng việc thực hiện hiệu quả lại thấp? Vì sao quy trình thì đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai? Vướng mắc chính là ở chỗ nào? Cơ chế giám sát quyền lực đã đủ chưa? Chính sách tạo ra động lực để cán bộ tâm huyết gắn bó với sự nghiệp là gì?...", Tổng Bí thư gợi mở.
Về cải cách chính sách tiền lương, sau khi chỉ rõ nhiều hạn chế bất cập trong chính sách tiền lương hiện nay, cũng như nhấn mạnh đã đến lúc phải tiến hành cải cách một cách cơ bản chính sách tiền lương để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, Tổng Bí thư đề nghị các Uỷ viên Trung ương cần đánh giá khách quan, khoa học về tình hình và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; phân tích, dự báo bối cảnh tiến hành cải cách lần này, thấy hết những khó khăn, thách thức cũng như thời cơ, thuận lợi mới.
Từ đó, thống nhất nhận thức về sự cần thiết, cấp bách và tính khả thi của việc tiến hành cải cách chính sách tiền lương lần này; xác định rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn; những chính sách, biện pháp, nhất là những chính sách, biện pháp có tính đột phá, khả thi cao để sớm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, bảo đảm cho cải cách tiền lương lần này thực sự tạo được sự đột phá trong chế độ phân phối, tạo động lực cho người lao động và nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Tổng Bí thư yêu cầu tập trung xem xét, quyết định những vấn đề mới, có tính cải cách, đặc biệt là các vấn đề Bộ Chính trị xin ý kiến Trung ương.
Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Tổng Bí thư đề nghị từ tổng kết thực tiễn và sự phân tích, dự báo một cách khoa học, với tầm nhìn xa tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và thu nhập của người dân trong trung và dài hạn, Trung ương cần trao đổi, thống nhất về chủ trương, chính sách, biện pháp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội trong thời gian tới.
Tổng Bí thư chỉ đạo tập trung xác định, làm rõ những quan điểm, mục tiêu đổi mới; nội dung cải cách, nhất là các vấn đề như: Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; bảo đảm cân đối tài chính bảo hiểm xã hội trong dài hạn; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; tăng cường sự liên kết và hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội; kế thừa và phát triển nguyên tắc điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với tiền lương của người đang làm việc; rút ngắn điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu...
Chú ý đến cả khu vực công và tư; người đang làm việc và người đã nghỉ hưu; nơi có quan hệ lao động và nơi chưa có quan hệ lao động, nhất là đối với nông dân, người nghèo, người yếu thế trong xã hội.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu căn cứ vào phạm vi, tính chất, mức độ đổi mới trong nội dung Đề án, tính đồng bộ với Đề án cải cách chính sách tiền lương và tạo sự đồng thuận xã hội giữa người đang làm việc và người đã nghỉ hưu để thống nhất quyết định ban hành Nghị quyết của Trung ương về cải cách hay chỉ là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội.
Biệt phủ thiếu minh bạch đang thách thức công luận!
Báo chí đưa tin tức, hình ảnh về căn biệt thự của ông Phạm Văn Công - cán bộ công an huyện Vĩnh Lộc, Thanh ... |
2 năm chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng của Tổng bí thư
Ngay sau Đại hội XII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện quyết tâm "đốt lò" để đẩy lùi tham nhũng và kiên ... |
Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam qua góc nhìn quốc tế
Trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi dấu ấn đậm nét trong cuộc chiến chống tham nhũng, ... |
Đồng Nai thay hàng loạt lãnh đạo huyện
Hai Bí thư Huyện ủy được điều động về UBND tỉnh chờ nhận nhiệm vụ, trong khi 4 lãnh đạo khác cũng có quyết định ... |
Ngày đăng: 14:22 | 07/05/2018
/ https://vtc.vn