Chi 12.000 tỷ đồng để cho ra lò thêm 9.000 tiến sĩ, trong khi đó hiện cả nước đã có trên 24.300 tiến sỹ và chất lượng thì vẫn còn nhiều tranh cãi. Vậy vì sao Bộ GD ĐT vẫn phải mạnh tay đào tạo như vậy?
Trong nội dung dự thảo Đề án trình Chính phủ về việc: "Nâng cao năng lực đội ngũ GV&CBQL các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025" vừa được Bộ GD ĐT đưa ra lấy ý kiến dư luận, Bộ dự kiến sẽ chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ.
Cụ thể, trong số 9000 tiến sĩ cần đào tạo đó sẽ đào tạo khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới. Từ 2017 đến 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng từ 600 - 700 nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài. Sẽ có khoảng 500 tiến sĩ được đào tạo theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường ĐH Việt Nam và nước ngoài. Từ năm 2017 đến năm 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng 60-70 người.
Sẽ có thêm 9.000 tiến sĩ trong tương lai (ảnh minh họa: IT)
Ngoài ra, cả nước sẽ đào tạo khoảng 2.000 tiến sĩ tại các trường ĐH đã được kiểm định trong nước và dự kiến sẽ thu hút khoảng 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc ở các cơ sở giáo dục đại học đến làm việc tại các trường ĐH Việt Nam.
Đề án cũng đưa ra mục tiêu bồi dưỡng cho 100% cán bộ quản lý và hội đồng, hiệu trưởng, viện trưởng các trường ĐH và bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp cho 100% giảng viên.
Kinh phí dự trù cho đề án “khủng” này là khoảng 12.000 tỷ đồng. Trong đó, 10.200 tỷ đồng lấy từ kinh phí còn lại của Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH CĐ giai đoạn 2010 – 2020 đã được Chính phủ phê duyệt trước đó và 1.800 tỉ từ các cơ sở giáo dục ĐH, đối tượng thụ hưởng đề án.
Giải thích lý do đưa ra đề án này, Bộ GD ĐT cho rằng, mặc dù hiện nước ta đã có khoảng 24.300 tiến sỹ nhưng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ hiện công tác tại các cơ sở giáo dục ĐH còn thấp và chưa hợp lý về cơ cấu, độ tuổi, chưa cân đối giữa các ngành đào tạo. Hơn nữa, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ còn thấp so với một số quốc gia trong khu vực.
Cụ thể, theo thống kê của Bộ GD ĐT, năm học 2016- 2017, cả nước có 235 cơ sở giáo dục ĐH với 72.792 giảng viên. Trong đó số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 người (chiếm 22,7%). Tổng số trường CĐ sư phạm là 33, số lượng giảng viên trong các trường CĐ là 3.493 người. Trong đó, giảng viên có trình độ tiến sĩ là 120 người (chiếm 3,4%).
Toàn ngành giáo dục hiện có 4.687 giáo sư và phó giáo sư (chiếm 6,4% tổng số giảng viên), trong đó 574 giáo sư (chiếm 0,8%) và 4113 phó giáo sư (chiếm 5,6%).
Không những chiếm tỷ lệ thấp mà chất lượng tiến sĩ ở nước ta vẫn còn nhiều tranh cãi. Bộ GD ĐT cũng thừa nhận, Việt Nam hiện có khoảng 9.000 giáo sư, phó giáo sư và trên 23.300 tiến sĩ nhưng kết quả nghiên cứu khoa học của nước ta lại thua xa với nhiều nước trong khu vực.
Trong thời gian 10 năm (từ 1996 – 2005), các nhà khoa học nước ta chỉ công bố 3.456 công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí thuộc danh mục ISI. Kết quả này chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan; 1/3 so với Malaysia; và 1/14 so với Singapore....
Ngoài ra, ở nhiều cơ sở giáo dục ĐH cũng xảy ra tình trạng các nghiên cứu trong điểm bị xé lẻ thành các đề tài nhỏ chia cho nhiều tác giả đẫn đến nguy cơ bị biến dạng, khó vươn lên trình độ quôc tế và khu vực.
Trước đó, dư luận cũng đã từng dậy sóng về sự việc một “lò đào tạo tiến sĩ” với tốc độ đào tạo như ... gà đẻ trứng. Không những thế, nhiều đề tài luận án tiến sĩ còn bị đánh giá quá nhỏ bé, chưa xứng tầm như: “hành vi nịnh trong tiếng Việt; đặc diểm giao tiếp với dân của chủ tịch xã;...”
Nhận định rõ về tình trạng mất cân bằng về số lượng và yếu kém về chất lượng tiến sĩ ở nước ta, Bộ GD ĐT cho rằng, nếu không kiên quyết và nhanh chóng thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên ở các cơ sở giáo dục ĐH thì chất lượng giáo dục ĐH sẽ rơi vào tình trạng thua ngay trên sân nhà. Đó cũng là lý do, đề án 12.000 tỷ đào tạo 9.000 tiến sĩ được ra đời.
Bộ nào có nhiều tiến sĩ nhất?
Lần đầu tiên những con số thống kê tương đối đầy đủ về trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức của ... |
Việt Nam tăng tốc đào tạo tiến sĩ: Nói thật thì...ngượng lắm!
"Không phải cứ có bằng cấp cao là thì nền khoa học sẽ đổi khác, nhiều người không có bằng tiến sĩ mà rất giỏi". |
“Tiến sĩ giấy”, “thạc sĩ tiền” và nỗi buồn của chuyện sính bằng cấp
Thời gian gần đây, chúng ta đã được nghe nhiều đến một số cụm từ “lò ấp”; “công nghệ” sản xuất tiến sĩ và cả những ... |
http://danviet.vn/tin-tuc/ton-12000-ty-dong-dao-tao-them-9000-tien-si-de-lam-gi-821263.html
Ngày đăng: 15:08 | 10/11/2017
/ Dân Việt