Sau các vụ việc phạt, đánh học sinh gây dư luận ồn ào, nhiều giáo viên bày tỏ nỗi lo lắng và bất an về nghề nghiệp.
Cô giáo cấp 2 bất lực trước các học sinh ngỗ nghịch nên cực chẳng đã đã bắt các em quỳ. Học sinh và phụ huynh "sáng ý" bèn chụp lại hình ảnh, lưu lại đó rồi một "ngày đẹp trời" mang hình ảnh ra uy hiếp cô trước ngày xét tốt nghiệp. Cô giáo cấp 1 theo thói "tiện tay là đánh", sau khi bị phát giác với camera ghi lại bối cảnh, đang đứng trước nguy cơ bị thôi việc..Cách đây chưa lâu, một cô giáo chủ nhiệm ở Hưng Yên cũng đang bị "treo" nguy cơ nghỉ việc vì đã không có phản ứng kịp thời khi các nữ sinh đánh nhau trong lớp...
Cùng với nhiều vụ việc khác bị phát giá trước nữa, chủ yếu từ tố cáo của phụ huynh và các hình ảnh, clip đưa ra trước công chúng, nhiều giáo viên bày tỏ tâm tư: Nghề giáo bây giờ thật "nguy hiểm".
Nguy hiểm...từ những phụ huynh đối đầu
Sự "nguy hiểm" đầu tiên đến từ các bậc phụ huynh chưa suy xét gì, chỉ biết bênh con.
Chị Hằng, phụ huynh bé 4 tuổi ở TP.HCM kể có lần đến trường đón con thì bỗng một phụ huynh nam lớn tiếng chỉ vào mặt: “Này cô, cô dạy kiểu gì mà để con tôi bị đánh rách tay, rách chân như vậy. Cô về dạy lại con cô đi. Con cô đi học đánh con tôi đấy”. Lúc đó, chị bình tĩnh: “Con anh bị xước tay, còn con em cũng bị bạn cắn 5 miếng trên vai. Em nghĩ con anh và con em đều nghịch. Các bé còn nhỏ, hiếu động, có gì chúng ta phải uốn nắn từ từ anh ạ”. Anh phụ huynh kia im lặng rồi dắt con về. Nhưng 1 tuần sau, cô giáo kể rằng phụ huynh kia lên phòng hiệu trưởng phản ánh con bị đánh. Dù cô hiệu trưởng hết sức giảng giải và khuyên nhủ, anh vẫn ngồi cả tiếng ở phòng chỉ để yêu cầu nhà trường cho con chị nghỉ học.
Trên một diễn đàn giáo dục, có cô giáo tiểu học kể chuyện vẫn chưa hết hoảng vì tự dưng bị phụ huynh rồng rắn dẫn nhau đến dọa đánh cô giáo vì con họ bị phạt trực nhật.
Sau giờ học, một cậu bé xé giấy nháp và rải khắp phòng. Khi bị bạn lớp trưởng "bắt" được thì bạn đánh. Cô giáo chủ nhiệm bèn phạt trực nhật 1 tuần. Câu chuyện về đến tai bố mẹ lại trở thành "do cô ghét con nên phạt". Phụ huynh bèn kéo đến trường doạ cả cô và hiệu trưởng.
Một cô giáo cấp 3 thì chia sẻ nỗi buồn chán của đồng nghiệp mình như sau: Lớp có những học sinh bố mẹ cứ hở ra là khoe có người nhà ở châu Âu, châu Mỹ...tương lai sẽ cho con sang đó du học...Học sinh trực nhật, không giặt giẻ lau mà chỉ nhúng nước rồi quệt quệt lên bảng lem nha lem nhem; lớp không quét, rác đầy ra ngay cả lối đi. Bị cô phạt trực nhật một tuần bèn về "mách bố mẹ". Khi các bậc phụ huynh tức tối chay đến chất vấn, cô giáo mới mời lên quan sát lớp học cẩn thận rồi nhẹ hàng hỏi rằng lớp học chỉ bé như thế này mà trực nhật các cháu còn không làm sao cho sạch sẽ được thì sau này kỹ năng sống chung với bạn bè, gia đình tương lai sẽ thế nào?
Nguy hiểm từ những áp lực hành chính giáo dục
Vấn đề đặt ra là tại sao có nhiều vụ việc xảy ra như vậy, với những "án" phạt nặng nề cho nhà giáo như đình chỉ dạy học, đe doạ nghỉ việc...mà những vụ việc chưa có nguy cơ chấm dứt.
Sau mỗi sự kiện thầy cô đánh, tát học sinh, anh Nguyễn Quốc Vương, một người dịch sách quan tâm đến giáo dục cho rằng gốc rễ của vấn đề là những áp lực mà giáo viên phải gánh chịu. Anh nói đã cảnh báo về chuyện không cải cách hành chính giáo dục, môi trường làm việc của giáo viên khiến cho giáo viên trở thành nơi hứng áp lực của hệ thống bậc thang quyền lực trong ngành giáo dục. Khi bị hứng áp lực lâu mà cá nhân giáo viên không đủ nhận thức để hiểu bản chất của môi trường họ đang làm việc, họ sẽ chuyển hóa áp lực đó vào người yếu hơn là học sinh.
Những người đã từng đứng lớp phân tích cụ thể hơn: Trung bình, mỗi giáo viên chủ nhiệm quản lý lớp học 40-60 học sinh với các nhóm khác nhau; ban giám hiệu thì quản lý qua sổ đầu bài (với các liệt kê lỗi của học sinh). Thành tích của trò sẽ là căn cứ để thưởng/phạt cô; thành tích của cô, trò sẽ là căn cứ để “xếp hạng” trường học…Cách quản lý nặng về chỉ số báo cáo này đè lên vai giáo viên chủ nhiệm nhiều sức ép.
Ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) nói trong nghề giáo có quá nhiều nội quy nên giáo viên mất dần cảm xúc. Chưa kể, khi có sự cố, kỹ năng giải quyết vấn đề của một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý còn chạy theo dư luận nên giáo viên cảm thấy đơn độc.
“Tôi lo rằng rồi thời gian tới, chúng ta sẽ gặp rất nhiều khuôn mặt vô hồn trong học đường. Chúng tôi vào lớp lo âu nhiều thứ và luôn nghĩ rằng mình phải làm gì để không vi phạm mà lớp học vẫn đạt kết quả cao, cho dù có học sinh cá biệt”.
Theo thầy Phú, vì sự lo lắng này, chắc chắn cảm xúc và sự sáng tạo của các thầy cô sẽ bị thu hẹp, và còn vì chế độ tiền lương hiện nay khó lòng đủ trang trải cho cuộc sống.
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết "phải tự cứu mình" bằng cách trang bị thêm kiến thức cho giáo viên trong công tác quản lý lớp và xử lý xung đột, tăng cường các chế độ chính sách như cử đi học nâng cao chuyên môn, du lịch hè, các dịp lễ tết sinh nhật, trang phục... để hình thành khối đoàn kết.
"Mackeno" mới nguy hiểm
Các sự việc cô giáo phạt quỳ, đánh học sinh trong tuần này đã dấy lên tranh cãi bất tận về quan niệm giáo dục, cách thức xử phạt, thái độ, trách nhiệm của giáo viên, nhà trường và các cấp quản lý.
Bày tỏ quan điểm của mình, một tiến sĩ giáo dục phân tích không ít thầy cô đang nhìn nhận "mình là nạn nhân dự bị" là cách tư duy nguỵ biện.
Theo ông, cứ lỗi nào của học sinh cũng đều phải đặt ra câu hỏi vì sao và tìm đáp án đúng, mỗi đáp án là một giải pháp cho từng trường hợp chứ không có một giải pháp chung. Thầy giáo khác người chăn dắt đồng loạt là ở chỗ đó.
Vị tiến sĩ này không đồng tình khi thầy cô than phiền “đã bị tước hết vũ khí của nhà giáo”; bởi các thầy cô chưa sử dụng hết, chưa sử dụng đúng “vũ khí” là giáo dục bằng lời nói cũng như quyền được xếp loại, đánh giá học sinh của chính mình.
Là người có nhiều năm trực tiếp đứng lớp và làm quản lý, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh tới vai trò của hiệu trưởng, trong cách phát huy những biện pháp kỷ luật tích cực của giáo viên, cũng như thấu hiểu và đồng hành với giáo viên để giảm thiểu những nguy cơ nguy hiểm.
Cụ thể, trước mỗi sự việc, hiệu trưởng cần phải có bản lĩnh, thật bình tĩnh, nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp xử lý thích hợp. Hiệu trưởng phải giúp cho giáo viên thấy cái sai để sửa chữa, khắc phục hoặc báo cáo xin ý kiến cấp trên nếu ngoài thẩm quyền của mình.
Nếu xử lý không đúng, không thấu tình đạt lý, đặc biệt nếu cứ “hở ra" là đình chỉ công tác, đình chỉ giảng dạy thì sẽ tạo tâm lý cho giáo viên là sợ đụng chạm đến học sinh và phụ huynh.
“Từ đó có tư tưởng “mặc kệ nó” trước sai phạm của học sinh cần được giáo dục, uốn nắn. Việc này rất nguy hiểm” - ông Ngai nhấn mạnh.
Thầy giáo Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) cho rằng sự việc cô giáo bị đình chỉ 1 tuần vì bị phụ huynh tố cáo phạt học sinh quỳ gối chỉ là tai nạn nghề nghiệp mà nghề nào cũng có. “Tôi không nghĩ nghề giáo nguy hiểm. Sự nguy hiểm của nghề giáo là dạy sai".
PGS Đỗ Ngọc Thống (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) bày tỏ: Cần ngăn chặn, phê phán những cách trách phạt làm cho HS nhục nhã, bị chấn thương cả cơ thể và tinh thần.
Còn quyền trách phạt của giáo viên trước hết là phê phán những biểu hiện sai trái của HS bằng lời lẽ nhắc nhở. Cao hơn, giáo viên có quyền buộc học sinh không được học giờ học mà mình đang dạy. Không thể ưu ái và tôn trọng mãi những HS cố tình quấy phá, không chịu học, thậm chí xúc phạm thầy cô. Càng không thể lùi bước trước những học sinh ỷ lại bố mẹ nhiều tiền, có quyền cao chức trọng mà coi thường tất cả. Quan trọng hơn, lãnh đạo nhà trường cần kiên quyết, công bằng cho cả giáo viên và học sinh; tránh trường hợp vị nể, sợ sệt. Không ít trường hợp, chỉ 1 cú điện thoại, 1 tin nhắn của cấp trên, hiệu trưởng nhà trường đã co rúm lại, rồi đánh bùn sang ao, hòa cả làng, thậm chí quay lại, phê phán, kết tội giáo viên.
Lê Huyền - Song Nguyên
"Cô giáo đánh hàng loạt học sinh ở Hải Phòng có thể bị xử lý hình sự"
Luật sư Đặng Văn Cường nhận định hành vi giáo viên đánh hàng loạt học sinh là vi phạm pháp luật, bạo lực học đường, ... |
Ngày đăng: 10:57 | 18/05/2019
/ Vietnamnet