Theo “tối hậu thư” mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra cho các nhà đầu tư BOT và các nhà đầu tư thu phí không dừng, thì từ ngày 1-8-2022, tất cả các trạm thu phí trên cả nước phải tổ chức thu phí không dừng, chỉ còn duy trì một làn thu phí hỗn hợp. Nếu trạm BOT nào không đáp ứng thì sẽ buộc nhà đầu tư phải tạm dừng thu phí.
Thời gian đầu thu phí ETC sẽ chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền
Ghi nhận cho thấy, đến nay, các nhà đầu tư BOT đang hối hả, nỗ lực để lắp đặt những thiết bị cuối cùng, nghiệm thu chạy thử để có thể đưa vào vận hành từ ngày 1-8 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).
Chiều 22-7, Bộ GTVT đã tổ chức khai trương dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, vượt tiến độ 10 ngày so với cam kết mốc tiến độ của Chính phủ đề ra. Như vậy, một trong những tuyến cao tốc cửa ngõ phía Nam Thủ đô, có lưu lượng phương tiện đông đúc bậc nhất cả nước đã chính thức áp dụng thu phí tự động không dừng (ETC), chỉ còn duy trì một làn thu phí thủ công (MTC), tiến tới xóa bỏ hoàn toàn hình thức thu phí thủ công này. Cùng với đó, 3 tuyến cao tốc cuối cùng khác do VEC quản lý cũng sẽ lần lượt tổ chức thu phí tự động từ ngày 1-8 tới đây.
Tổng Giám đốc VEC Phạm Hồng Quang cho biết, đến nay đơn vị đã hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ hệ thống ETC tại tất cả các trạm thu phí tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình từ 23h45 ngày 20-7 và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào ngày 26-7 (sớm hơn từ 5-10 ngày theo yêu cầu của Chính phủ và rút ngắn từ 1-1,5 tháng so với hợp đồng).
Với 2 tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Nội Bài - Lào Cai, VEC sẽ hoàn thành công tác lắp đặt vận hành thử nghiệm trước ngày 29-7-2022 và chính thức đưa vào khai thác từ 0h ngày 1-8-2022 (rút ngắn được tiến độ khoảng 1 tháng so với hợp đồng và đảm bảo tiến độ yêu cầu của Chính phủ). “Như vậy, VEC đã thực hiện nghiêm và sẽ hoàn thành chỉ đạo của Chính phủ là đến ngày 1-8-2022, tất cả các trạm thu phí trên 4 tuyến cao tốc đều thực hiện thu phí theo hình thức hoàn toàn tự động không dừng” - Tổng Giám đốc VEC Phạm Hồng Quang nói.
Thống kê đến tháng 7-2022 đã có khoảng 3.250.000/4.500.000 phương tiện dán thẻ thu phí ETC, đạt khoảng 72%. Phấn đấu đến cuối năm 2022 sẽ có 90% phương tiện ô tô trên toàn quốc dán thẻ. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các bên liên quan tích cực tuyên truyền; các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của việc dán thẻ thu phí ETC và thực hiện thu phí không dừng.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng cho hay, từ kinh nghiệm của tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã và đang thực hiện thí điểm thành công chỉ thu phí ETC từ ngày 1-6-2022, Tổng cục đã chỉ đạo VEC phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ để xây dựng quy chế phối hợp cũng như lên kịch bản các tình huống có thể xảy ra trong quá trình vận hành, khai thác để có hướng xử lý.
“Nếu 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý mà cũng nhận được sự đồng thuận của người dân, sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan thì tôi tin cũng sẽ thành công như Hà Nội - Hải Phòng” - ông Nguyễn Mạnh Thắng khẳng định và cho biết thêm, tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình là tuyến cao tốc phức tạp nhất về xử lý công nghệ. Bởi, các tuyến cao tốc khác chỉ có một nhà đầu tư, một nhà cung cấp dịch vụ nhưng tuyến cao tốc này thì hai nhà đầu tư, hai nhà cung cấp dịch vụ, lại còn tồn tại hình thức vé tháng, vé quý.
Về hình thức xử phạt các lái xe không chấp hành, cố tình đi vào làn thu phí ETC khi trong tài khoản không đủ tiền hoặc chưa dán thẻ, ông Nguyễn Mạnh Thắng nhấn mạnh, thời gian đầu triển khai các lực lượng chủ yếu sẽ là nhắc nhở, tuyên truyền. Sau đó mới xử phạt nghiêm để thực thi. Đối với các tuyến cao tốc do địa phương làm chủ đầu tư như cao tốc Vân Đồn, nhà đầu tư cũng đã lắp đặt công nghệ, và sẽ chuyển sang thu phí ETC đúng kỳ hạn.
Điểm nghẽn 4 tuyến cao tốc cuối cùng đã thông
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ thông tin, thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức tự động (điện tử) không dừng là yêu cầu bắt đuộc đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 và được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện tại bằng các Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg và Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg; với mục tiêu tăng cường hiệu quả, minh bạch và hiện đại hóa công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ; bảo đảm việc tích hợp, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời để phục vụ các mục tiêu quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật; tăng tốc độ lưu thông qua trạm thu phí, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xã hội, hạn chế sử dụng tiền mặt và tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng.
Đến những ngày cuối tháng 7-2022, đã triển khai lắp đặt vận hành thu phí không dừng tại 113/129 trạm, tương đương 662/760 làn thu phí. Còn 16 trạm/98 làn thu phí không triển khai hoặc lùi thời gian triển khai thu phí không dừng do có tính chất đặc thù (thời gian thu phí còn lại ít hơn 3 năm, doanh thu thu phí quá thấp…) dẫn tới việc lắp đặt thu phí không dừng không hiệu quả, Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương gồm: 3 trạm quốc lộ 51; cầu Mỹ Lợi; cầu Thái Hà; QL14 tỉnh Đắk Lắk; trạm T2 - QL91; trạm QL3 Thái Nguyên Chợ Mới; 4 trạm cầu nhỏ tỉnh Cà Mau; 2 trạm Nguyễn Văn Linh - TP.HCM và QL39B tỉnh Thái Bình.
Đối với các tuyến cao tốc do VEC quản lý, hiện nay VEC đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác 4 tuyến cao tốc có chiều dài khoảng 490km với 140 làn thu phí cần lắp đặt ETC. Do vướng mắc về nguồn vốn, đến tháng 7-2022, VEC mới triển khai được 15/28 làn thu phí tại tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; sự điều hành hiệu quả từ phía Bộ GTVT, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, các địa phương có liên quan; đặc biệt là sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo cán bộ, công nhân viên của VEC và nhà cung cấp dịch vụ (Công ty TNHH Thu phí tự động VETC) nên các khó khăn vướng mắc đã kịp thời được tháo gỡ. Đến nay, công tác lắp đặt ETC tại 4 tuyến cao tốc đều hoàn thành vượt tiến độ yêu cầu; dự kiến VEC sẽ tổ chức thu phí tự động không dừng hoàn toàn tại 4 tuyến cao tốc kể từ ngày 1-8-2022.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng cho rằng, mặc dù, toàn bộ các trạm thu phí đủ điều kiện đã được lắp đặt, vận hành thu phí ETC nhưng việc quản lý và vận hành hệ thống trong thời gian tới còn rất nhiều khó khăn, phức tạp do đây là hệ thống có yếu tố công nghệ hiện đại, quá trình vận hành liên quan đến nhiều chủ thể (nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT, ngân hàng... Bởi vậy, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị VEC và 2 nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC cần huy động tối đa mọi nguồn lực để triển khai quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống thu phí ETC một cách khoa học, công khai, minh bạch, an toàn thông tin hệ thống, kết nối liên thông trong quá trình thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
Đối với các trạm thu phí do địa phương quản lý, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực triển khai hoàn thiện hệ thống theo chỉ đạo của Chính phủ; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ; đảm bảo công tác an ninh, trật tự, an toàn giao thông tại các trạm thu phí. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đề nghị Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc sẽ tăng cường hỗ trợ trong công tác tổ chức giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các trạm thu phí trong thời gian đầu vận hành hệ thống.
Xem xét bỏ tháng vé, vé quý trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ
“Liên quan đến vấn đề xử lý vé tháng, vé quý trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đây là tuyến cao tốc duy nhất có hình thức vé tháng, vé quý cho các phương tiện, đây cũng là điều nằm trong hợp đồng mà nhà đầu tư đã ký kết với Bộ GTVT. Nhà đầu tư tuyến cao tốc này đề xuất không sử dụng vé tháng, vé quý nữa khi đã áp dụng thu phí ETC. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu vì đề xuất này cũng phù hợp với hình thức cao tốc thu phí kín, đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu và cũng để công bằng với các tuyến cao tốc khác. Nhưng chúng tôi cũng đang nghiên cứu cụ thể, đánh giá tác động của việc bỏ vé tháng, vé quý này. Hiện trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có khoảng 4.000 - 5.000 phương tiện đã mua vé tháng, vé quý. Do vậy, nhà đầu tư cũng phải làm việc với các chủ xe để tuyên truyền và có phương án xử lý phù hợp. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ GTVT phương án xử lý”.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam)
Ngày đăng: 07:58 | 24/07/2022
Ngân Tuyền / ANTĐ