Giáo viên đã có hàng loạt câu hỏi thăm nhau: “Năm nay dạy khối mấy? Có chủ nhiệm không? Có được chủ nhiệm lớp chọn, lớp mũi nhọn hay lớp lựa không?
Đã có nhiều ý kiến nêu quan điểm về việc chuẩn bị nhân sự, phân công, phân nhiệm cho giáo viên của các địa phương. Tại Nghệ An, các trường sẽ tổ chức bốc thăm chọn lớp cho giáo viên chủ nhiệm [1].
Những bài viết này đã phân tích khá kỹ tại sao phải thực hiện bốc thăm chọn lớp. Nhưng cũng có quan điểm không đồng tình mà cho rằng, với việc bốc thăm chọn lớp là hên – xui” [2].
|
|
Ảnh minh họa của Báo Điện tử Sài Gòn Giải phóng. |
Bản thân tôi là một giáo viên đã gần 30 năm đứng trên bục giảng, làm việc với 6 đời Hiệu trưởng tôi thấy rất nhiều bất cập trong việc phân công, phân nhiệm đầu năm học.
Vì vậy, với quan điểm cá nhân tôi không những đồng ý bốc thăm lớp chủ nhiệm từ lớp 1 đến lớp 6 mà còn mong rằng sẽ được triển khai ở cấp trung học phổ thông.
Thậm chí, giáo viên bộ môn cũng bốc thăm lớp dạy của mình.
Ban giám hiệu có công tâm, khách quan khi phân công, phân nhiệm cho giáo viên?
Điều này chắc chắn là không! Bởi trong quá trình công tác, tôi thấy việc phân công giáo viên của Ban giám hiệu chủ yếu dựa vào cảm tính.
Trong trường học (bao gồm các cấp học phổ thông) luôn tồn tại hai loại học sinh để đào tạo: “Lớp chọn, lớp lựa, lớp mũi nhọn” và “lớp thường”. Nhiều trường còn tổ chức một lớp tập trung nhiều học sinh “chưa ngoan”.
Những thầy, cô được phân công chủ nhiệm, dạy “lớp chọn, lớp lựa, lớp mũi nhọn” là những thầy, cô thuộc “ê-kíp” của Ban giám hiệu và có biệt tài “xu nịnh”.
Để Ban giám hiệu quan tâm, chiếu cố phân công chủ nhiệm dạy “lớp chọn, lớp lựa, lớp mũi nhọn” thì các thầy, cô đã lao vào “cuộc đua” lấy lòng Ban giám hiệu.
Từ những lời nhận xét “có cánh” trong các buổi họp đánh giá Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng đến những món quà có giá trị vào những dịp sinh nhật, lễ tết.
Tại sao giáo viên lại phải “hao tâm, tổn phí” để được dạy những “lớp chọn, lớp lựa, lớp mũi nhọn”?
Một thầy “3 vai” làm sao tuyển được học sinh giỏi nhất? |
Đó là vì học sinh những lớp này là con em những gia đình khá giả, các em được phụ huynh quan tâm, giáo dục tốt, có tư chất thông minh nên chủ nhiệm và dạy những lớp này rất nhàn.
Đặc biệt là vì khoản thu nhập từ dạy thêm gấp nhiều lần lương; cũng bởi, học sinh các lớp này đi học thêm 100%.
Những giáo viên không được lòng Ban giám hiệu, thường có những ý kiến phản biện trong các cuộc họp trái với ý Ban giám hiệu.
Các giáo viên không “quan tâm” đến ban giám hiệu trong các dịp sinh nhật, lễ, tết thì chắc chắn sẽ được “ưu ái” phân công chủ nhiệm và giảng dạy những lớp thường và những lớp có nhiều học sinh “chưa ngoan” .
Bốc thăm không phải “hên – xui” mà là tạo sự bình đẳng cho giáo viên
Thứ nhất, các trường xóa ngay hình thức tổ chức “lớp chọn, lớp lựa, lớp mũi nhọn”. Biên chế học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu và học sinh “chưa ngoan” nên rải đều vào các lớp.
Những em học sinh giỏi, khá là tấm gương cho các học sinh khác noi theo. Các em học sinh giỏi, khá có thể giúp đỡ những em có học lực trung bình, yếu tiến bộ. Hơn nữa làm được điều này sẽ xóa bỏ được sự phân biệt giữa học sinh với học sinh, giữa giáo viên với giáo viên.
Thứ hai, tổ chức cho giáo viên bốc thăm chủ nhiệm và lớp dạy. Điều này sẽ tránh được sự bất công bằng trong phân công, phân nhiệm và tránh được sự đố kị giữa các giáo viên.
Việc bốc thăm còn tránh được sự mất đoàn kết nội bộ trong nhà trường. Tập thể nhà trường sẽ là một khối thống nhất tạo sức mạnh đưa nhà trường đi lên. Đừng nên nghĩ bốc thăm chọn lớp là do Ban giám hiệu thiếu bản lĩnh, thiếu vững vàng trong công tác quản lý, điều hành.
Ban giám hiệu cho bốc thăm chọn lớp không phải là việc đẩy vai trò, trách nhiệm của mình sang trạng thái an toàn, nhẹ nhàng và giáo viên chẳng thể kêu ca được ai cả, vì may nhờ, rủi chịu”. [3]
Ngày đăng: 11:28 | 29/07/2019
/ giaoduc.net.vn