Hôm 17/3, Tòa hình sự quốc tế (ICC) đã phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin, cáo buộc ông phạm "các tội ác chiến tranh" tại Ukraine.
Ngoài Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong lệnh bắt của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) còn có bà Maria Lvova-Belova, ủy viên về quyền trẻ em của Nga, với cùng tội danh.
Theo ICC, Tổng thống Putin "chịu trách nhiệm trực tiếp khi thực hiện hành vi", cũng như "không kiểm soát hoặc cho phép các cơ quan dân sự và quân sự dưới quyền làm điều này".
Phản ứng trước quyết định này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi đây là một hành động "vô nghĩa" và không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý nào. "Nga không phải là một bên của Quy chế Rome về ICC nên chúng tôi không có nghĩa vụ gì với tòa này", bà nói.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói các quyết định của ICC là vô hiệu, Nga không công nhận thẩm quyền ICC. "Đây là vấn đề không thể chấp nhận được. Nga, cũng như một số quốc gia khác, không công nhận thẩm quyền của tòa án này. Theo đó, bất kỳ quyết định nào thuộc loại này đều vô hiệu đối với Nga về mặt pháp luật", ông nói.
Quyết định được ICC đưa ra sau cuộc điều tra về cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh và chống lại loài người liên quan đến chiến sự Ukraine. Công tố viên ICC Karim Khan mở cuộc điều tra ở Ukraine cách đây một năm. Ông thực hiện các chuyến đi tới Ukraine, nhấn mạnh sẽ xem xét các cáo buộc tội ác đối với trẻ em và việc nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự.
Tuy nhiên, Moskva nhiều lần phủ nhận điều này. Nga không công nhận thẩm quyền của ICC, do đó chưa rõ cơ quan này sẽ thực hiện lệnh bắt ra sao.
Nga đã ký Quy chế Rome về ICC vào năm 2000, song chưa bao giờ phê chuẩn để trở thành thành viên của ICC. Nước này rút lại việc ký kết vào năm 2016. Vào thời điểm đó, Nga chịu áp lực quốc tế về việc sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014, cũng như chiến dịch không kích ở Syria để hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad tiến hành cuộc chiến chống quân nổi dậy.
Ngày đăng: 12:49 | 18/03/2023
KÔNG ANH / VTC NEWS