Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) của Liên hợp quốc ra phán quyết khẳng định Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ và khu định cư của Palestine là bất hợp pháp, phải rút ngay lập tức.
Reuters ngày 19/7 dẫn phán quyết cùng ngày của Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) ở The Hague (Hà Lan) nêu rõ, "việc thiết lập và duy trì các khu định cư của Israel ở khu vực Bờ Tây và Đông Jerusalem, cùng các thiết chế liên quan, đã vi phạm luật pháp quốc tế".
Theo nội dung phán quyết được công bố bởi chủ tọa Nawaf Salam, người đại diện hội đồng thẩm phán gồm 15 thành viên của ICJ, Israel còn có nghĩa vụ bồi thường các thiệt hại, đồng thời "di tản toàn bộ người định cư hiện có" ở Bờ Tây và Đông Jerusalem.
Bên cạnh đó, ICJ cũng yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ), Đại hội đồng LHQ và các quốc gia không công nhận việc Israel chiếm đóng các vùng đất kể trên và không "cung cấp viện trợ hoặc hỗ trợ" để giúp Israel duy trì hiện diện ở các vùng lãnh thổ chiếm đóng.
ICJ là cơ quan tư pháp tối cao của LHQ, đứng ra giải quyết những khiếu nại pháp lý giữa các quốc gia. Phán quyết của ICJ mang tính ràng buộc, nhưng cơ quan này không có phương thức đảm bảo thực thi. Những quyết định của ICJ có nhiều ý nghĩa chính trị.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Israel bác ý kiến của ICJ, gọi đây là phán quyết "sai lầm" và rằng, giải pháp chính trị xử lý khủng hoảng Israel-Palestine chỉ có thể đạt được qua đàm phán. Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này "không thể là kẻ chiếm đóng trên chính lãnh thổ của mình".
Ở chiều ngược lại, Palestine gọi đây là phán quyết "lịch sử" và kêu gọi cộng đồng quốc tế tuân thủ. "Không viện trợ. Không hỗ trợ. Không thông đồng. Không tiền bạc, vũ khí, thương mại… không có hoạt động nào ủng hộ sự chiếm đóng của Israel nữa", đặc phái viên Palestine tại LHQ Riyad al-Maliki tuyên bố.
Mỹ, đồng minh số một của Israel, chưa đưa ra bình luận. Washington trước đó kêu gọi ICJ không ra phán quyết yêu cầu Tel Aviv rút quân vô điều kiện khỏi các vùng lãnh thổ Palestine, cũng như không đưa ra các quyết định có thể gây tổn hại đến giải pháp "hai nhà nước".
Ngày đăng: 09:12 | 20/07/2024
Thái An / cand.com.vn