Tòa Công lý Quốc tế (ICJ), cơ quan tư pháp cao nhất của Liên hợp quốc, công bố phán quyết yêu cầu Israel lập tức chấm dứt chiến dịch tại thành phố Rafah ở phía Nam Dải Gaza.
CNN dẫn phát quyết được Thẩm phán Nawaf Salam, Chủ tịch ICJ, công bố ngày 24/5, cho biết cơ quan tư pháp cao nhất của Liên hợp quốc yêu cầu "Israel phải lập tức dừng cuộc tấn công quân sự và bất cứ hoạt động nào khác ở khu vực Rafah mà có thể gây tổn hại đến điều kiện sinh sống của người Palestine".
Theo ông Salam, tình hình nhân đạo ở Rafah lúc này là "thảm họa" và mọi thứ sẽ diễn biến xấu đi hơn nữa nếu Israel tiếp tục các hoạt động quân sự tại đó.
Trong phán quyết, ICJ yêu cầu Israel mở cửa khẩu Rafah để đưa nguồn hàng cứu trợ vào khu vực và cho phép các nhà điều tra tiếp cận khu vực. Tòa án LHQ cũng khẳng định các biện pháp mà Israel hiện đang thực hiện là không đủ để đảm bảo điều kiện sinh tồn cho người Palestine.
ICJ có vai trò đứng ra giải quyết những khiếu nại pháp lý giữa các quốc gia về cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế. Phán quyết của ICJ có tính ràng buộc và không thể kháng cáo. Tuy nhiên, ICJ không có cơ chế để bắt buộc các bên thực thi phán quyết.
Quyết định của ICJ được đưa ra hai tuần sau khi Nam Phi đệ trình kiến nghị kêu gọi tòa án cao nhất của Liên hợp quốc ra lệnh cho Israel thực thi lệnh ngừng bắn và đình chỉ chiến dịch tấn công Dải Gaza, trong bối cảnh thương vong dân sự ở Dải Gaza ngày một gia tăng.
Phát ngôn viên của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hoan nghênh động thái này, cho rằng nó thể hiện "sự đồng thuận quốc tế" về chấm dứt chiến dịch của Israel tại Dải Gaza.
Tuy nhiên, các quan chức Israel phản đối phán quyết của ICJ. Cựu Thủ tướng Israel Yair Lapid ngày 24/5 chỉ trích việc ICJ "không liên kết việc kết thúc chiến dịch ở Rafah với việc thả con tin cũng như quyền tự vệ của Israel" là không thể chấp nhận được.
Trong khi đó, Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao Israel ra một tuyên bố chung, trong đó mô tả Israel "không có hành động quân sự nào ở khu vực Rafah mà có thể dẫn đến sự tàn phá điều kiện sống cho người Palestine", nghĩa là các hoạt động đó vẫn có thể diễn ra mà không vi phạm phán quyết.
Israel đồng thời tuyên bố họ sẽ "tiếp tục nỗ lực cho phép viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza" và "giảm thiểu tối đa tác hại đối với dân thường", nhưng không nêu biện pháp.
Song song với các hoạt động tác chiến được tăng cường ở phía Bắc Dải Gaza, Issrael từ ngày 7/5 đã triển khai xe tăng và binh sĩ đến thành phố Rafah ở phía Nam với lí do trả đũa Hamas, sau đó thiết lập quyền kiểm soát đối với cửa khẩu biên giới Gaza-Ai Cập bên phần lãnh thổ Dải Gaza.
Việc Israel kiểm soát cửa khẩu ở Rafah khiến hoạt động chuyển hàng hóa nhân đạo vào Dải Gaza qua cửa ngõ chủ yếu này bị đình trệ, đẩy hàng trăm ngàn người Palestine vào nguy cơ của một nạn đói.
Cộng đồng quốc tế gần đây gia tăng áp lực lên Israel cần thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ để giảm thiểu tác động lên người Palestine. Hôm 20/5 vừa qua, công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) xác nhận đang xin lệnh bắt các lãnh đạo cấp cao của Israel và Hamas, với cáo buộc về tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại liên quan xung đột ở Dải Gaza.
https://cand.com.vn/the-gioi-24h/toa-cong-ly-quoc-te-yeu-cau-israel-dung-tan-cong-rafah-i732299/
Ngày đăng: 08:08 | 25/05/2024
Thái Hà / cand.com.vn