Con đường nhỏ khu nhà tôi tự dưng xuất hiện đôi ba túi nylon rác. Ngày qua ngày, đống rác cứ “nở” dần thành bãi rác.
Khu nhà tôi ở xưa kia là vùng ngoại ô hẻo lánh ven sông Nhuệ. Cơn sốt đất năm 2006 làm những thửa ruộng biến hình thành thổ cư. Các dãy nhà trọ và chung cư bắt đầu mọc dần lên kéo theo hàng nghìn nhân khẩu đổ về sinh sống. Con đường nhỏ đi vào nội thành đông dần người qua lại mỗi ngày. Rồi không biết từ lúc nào, một vài chỗ ven đường xuất hiện đôi ba túi nylon rác.
Mỗi sáng, một vài phụ nữ diện đồ công sở chạy xe chậm lại, vứt xịch một túi rác buộc kỹ, rồi tăng ga đi tiếp. Không ai bảo ai, dần dần quãng đường chưa đầy một cây số đã mọc lên hai bãi rác.
Đó là kịch bản quen thuộc của những bãi rác tự phát mọc lên khắp nước ta. Không chỉ đô thị, những ai ở nông thôn có lẽ cũng quen với những khoảng ruộng ven đường bỗng nhiên trở thành nơi tập kết rác. Chỉ 10 năm từ cơn sốt đất ven sông Nhuệ, Ngân hàng Thế giới cho biết số lượng rác thải ở Việt Nam tăng gấp đôi, đạt 27 triệu tấn/năm. Thêm 10 năm nữa, con số này ước tính là 54 triệu tấn.
Có một sự thật không mấy dễ chịu: chỉ có 85,5 % rác ở đô thị và 45,5% ở nông thôn được thu gom. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đang sống với hàng triệu tấn rác không được xử lý mỗi năm. Điểm đến tất yếu của chúng là những dòng sông, con phố, hay ngay trước cửa nhà bạn.
Trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trình Quốc hội lần này, Bộ Tài nguyên Môi trường đề xuất xử lý cuộc "khủng hoảng rác" bằng nguyên tắc thị trường: ai xả rác nhiều sẽ phải trả nhiều tiền, thông qua hệ thống bao bì do nhà nước quyết định. Người dân vì thế sẽ có động lực xả ít rác hơn để tiết kiệm, đồng thời phân loại rác tại nguồn. Bởi túi đựng rác tái chế được sẽ có giá thấp hơn, hoặc được phát miễn phí (như nơi tôi đang sống ở New Zealand). Điều này vừa làm giảm lượng, vừa giúp việc xử lý rác hiệu quả so với hiện tại.
Khi không được phân loại, cách xử lý khả dĩ nhất là chôn lấp rác. Những ai từng chịu đựng mùi hôi thối từ bãi rác sẽ biết biện pháp này hiệu quả thế nào trong dài hạn. Nếu kém may mắn hơn - như những người dân ở gần bãi rác Cam Ly, Đà Lạt - rác sẽ là quả bom kinh hoàng đổ ụp xuống đầu bạn.
Nỗi lo đầu tiên: áp dụng nguyên tắc thị trường sẽ khiến người dân mất thêm chi phí. Nhưng thực tế là chi phí xả rác ở Việt Nam đang quá rẻ.
Chi phí môi trường trên mỗi hộ gia đình Việt Nam hiện là 0,1 % trên tổng thu nhập, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 1% của thế giới. Ở Hà Nội, một hộ gia đình phải trả khoảng 200 nghìn Đồng cho mỗi tấn rác thải ra, trong khi chi phí thực tế để xử lý lên đến 900 nghìn Đồng. Tôi nghĩ ít ai phàn nàn nếu phải trả thêm một bát phở mỗi tháng để đổi lấy môi trường sạch hơn.
Lo ngại thứ hai là sự trỗi dậy của "rác tặc". Chi phí tăng sẽ khiến hiện tượng vứt rác bừa bãi tăng lên. Điều này có phần đúng, nhưng đổi lại, nếu quy định hiện tại giữ nguyên, bạn có chắc những người lén lút ném rác bên vệ đường có dừng lại hay không? Tôi không nghĩ vậy. Đây là vấn đề thuộc về ý thức nhiều hơn là lợi ích kinh tế.
Thay đổi ý thức cần nhiều thời gian, nhưng không phải là không thể. Hành vi của chúng ta bị ảnh hưởng nhiều bởi môi trường xung quanh, đặc biệt là luật pháp và văn hóa. Tại sao nhiều người Việt ở nước ngoài rất nghiêm chỉnh, bỏ rác đúng nơi quy định, nhưng ngay sau khi bước chân xuống Nội Bài đã nhổ toẹt bã kẹo cao su ra vỉa hè?
Tôi không cho rằng quy định luật pháp chưa đủ nghiêm. Vào năm 2006, khi khu nhà tôi rục rịch sốt đất, mức phạt hành chính cho hành vi xả rác nơi công cộng là 100 đến 500 nghìn Đồng. Hiện tại, mức phạt tối đa là 7 triệu Đồng. Một con số lớn với mức thu nhập bình quân, nhưng thực tế là không mấy người bị xử phạt. Thiếu sót trong thi hành khiến quy định chỉ nằm trên giấy và không có tác động nào để thay đổi hành vi, ta vẫn phải sống chung với rác.
Thành công của quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, hay gần đây chiến dịch xử phạt nồng độ cồn, cho thấy chính sách có thể điều chỉnh được hành vi nếu được thực hiện nghiêm ngắn. Đó có lẽ là nỗi lo lớn nhất của tôi với đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhất là với ai đã chứng kiến nhiều dự án thất bại, như chương trình phân loại rác 3R hơn 10 năm trước.
Trước mùa Covid, nhờ sự bùng nổ của hàng không giá rẻ, trên "tường" của tôi tràn ngập hình ảnh bạn bè du lịch Hàn Quốc. Điểm đến ưa thích để check-in là đồi bông lau ở Haneul, công viên cao nhất thành phố Seoul nằm cạnh sân vận động World Cup, phủ quanh bởi rừng cây rợp bóng. Câu chuyện của Haneul mang màu sắc điện ảnh Hàn: trước năm 2002, đó là một bãi rác khổng lồ với 92 triệu tấn. Chính quyền mất 6 năm để biến Haneul từ vịt con xấu xí thành thiên nga, và là biểu tượng cho thái độ với môi trường của người dân Seoul. Chi phí đương nhiên là không rẻ, nhưng có mấy thành phố quyết tâm biến một bãi rác trở thành niềm tự hào?
Nhiều người có thể cho rằng, Hàn Quốc giàu, muốn làm gì chẳng được. Nhưng đồng tiền chật ví không đương nhiên làm tăng ý thức. Haneul tương thích kỳ lạ với bãi rác gần nhà tôi. Tính theo đường chim bay, nó cũng chỉ cách sân vận động quốc gia Mỹ Đình chưa đến một km. Nhìn từ xa, bạn cũng có thể thấy chỏm đồi với hàng cây xanh. Nhưng có những thứ chỉ nên nhìn từ xa hơn là lại gần.
Tôi mong tới ngày có thể dẫn con mình đi dạo trên ngọn đồi đó, và kể cho nó nghe về cuộc chuyển biến trong thái độ với rác của thế hệ tôi, giữa không gian thơm mùi cỏ và tiếng chim kêu. Nhưng nếu không bắt đầu từ hôm nay, ngày mai thứ chúng ta thấy vẫn là những túi rác lổn nhổn dọc đường.
Nguyễn Khắc Giang
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: \'Người xả rác sẽ trả tiền theo khối lượng\' |
Người dân sẽ phải trả phí xử lý rác thải theo khối lượng |
Điều máy xúc mở đường, thu dọn 700 tấn rác thải độc hại tại Vĩnh Phúc |
Ngày đăng: 08:42 | 15/06/2020
/ vnexpress.net