Việc một giám đốc công ty cùng 7 nhân viên liều mình lao vào tâm bão giữa những con sóng dữ để cứu 200 người dân bị nạn tại thị trấn Vạn Chài (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đang là tâm điểm chú ý của dư luận xã hội trong những ngày qua. Người thì bảo đó là hành động hết sức anh hùng, anh hùng trong đời thường của nhóm thanh niên nói trên, người thì lại nói đó là nghĩa cử cao đẹp, hết lòng cứu giúp người bị nạn... Song, tựu trung lại và cao hơn cả thì đó là tình người trong cơn hoạn nạn.
Anh Luân (ở giữa) trò chuyện cùng các nhà báo |
Chẳng phải thế sao, khi mà cơn bão số 12 đang càn quét ở thời điểm mạnh nhất, khi mà từng con sóng dữ nhô cao như muốn nuốt trọn bất cứ thứ gì cản đường chúng, thì 8 người thanh niên dũng cảm xông pha vào vùng nguy hiểm để tìm và cứu giúp người bị nạn. Không ít người suy nghĩ, khi thấy cơn bão có sức tàn phá ghê gớm đổ bộ vào thì phải “bỏ của chạy lấy người” cho nhanh, chứ đâu còn có thể suy nghĩ gì được. Đến tài sản do mồ hôi nước mắt của bản thân họ làm ra còn chẳng thiết nữa thì tâm trí đâu mà lo cho người khác.
Ấy vậy mà trong lúc cơn bão đang càn quét tàn phá ghê gớm thì anh Nguyễn Bá Luân và các nhân viên dùng ca nô vượt bão cứu vớt từng người bị nạn trôi dạt trên biển. Đáng nói là nhóm thanh niên dũng cảm ấy chỉ với một chiếc ca nô nhưng bằng việc kiên nhẫn nhiều vòng tìm kiếm đã cứu giúp được tới 200 nạn dân. Hẳn là tử thần hôm đó sẽ phải hậm hực lắm khi mà anh Luân và 7 nhân viên dưới quyền đã giành giật lại những 200 sinh mạng. Hẳn là những nạn dân đó từ nay đến cuối đời sẽ không bao giờ có thể quên được sự kiện kinh hoàng khi họ đã lượn một vòng quỷ môn quan.
Nhiều người đã nhắm mắt chờ chết thì bỗng được nhóm thanh niên trên cứu giúp khiến họ có cảm giác như vừa chết đi sống lại. Có người ôm thùng nhựa, những mảng bè cá vỡ... chỉ còn le lói hy vọng mong manh họa chăng có phép màu nào đó mới có thể cứu họ qua cơn bão dữ. Trong lúc khó khăn nhất, tuyệt vọng nhất thì phép màu đã xuất hiện: Nhóm thanh niên Công ty TNHH Sơn Nam đã băng mình trong bão lũ để cứu giúp họ. Vậy là giữa tâm bão đen ngòm đã sáng lên câu chuyện anh hùng về những người thanh niên dũng cảm không quản thân mình để cứu giúp đồng bào trong cơn hoạn nạn. Đó chính là ánh sáng của niềm tin, của tình người bao la giữa cơn bão dữ.
Đương nhiên là không hiếm những trường hợp lao vào nguy hiểm để cứu giúp người bị nạn, song việc “quần thảo” với cơn bão hung hãn để cứu được tới 200 nạn dân như anh Luân và các nhân viên dưới quyền thì đây là lần đầu tiên chưa có tiền lệ. Tất nhiên nếu đem ra so sánh những trường hợp chỉ cứu được 1, 2, 3, hoặc 5 người với việc cứu được 200 người, rằng ai dũng cảm hơn ai là điều hết sức khập khiễng và khiên cưỡng. Song, phải thừa nhận với nhau rằng, với một chiếc ca nô chỉ chở được khoảng chục người mà cứu giúp được tới 200 người bị nạn thì sự kiên trì, thời gian “bám trụ” trong bão dữ của nhóm thanh niên nói trên là hết sức đáng khâm phục.
Mỗi khi bão lũ luôn có lực lượng công an, quân đội băng mình trong nguy hiểm để cứu giúp người dân bị nạn. Đó tất nhiên là những hành động đáng quý, đáng trân trọng, song không ít người lại coi là điều hết sức hiển nhiên, tất yếu, lẽ phải vậy, với lý do các lực lượng vũ trang là “người nhà nước” thì đương nhiên phải cứu dân. Song, với trường hợp như nhóm thanh niên của anh Luân thì không thể giải thích theo cái lý lẽ logic nào được. Anh Luân và các nhân viên không phải “người nhà nước”, vậy thì vì sao các anh lại phải bất chấp hiểm nguy ra tay tương trợ? Điều đó chỉ có thể lý giải bằng tình đồng bào trong cơn hoạn nạn, truyền thống thương người như thể thương thân của dân tộc...
Quý hơn nữa là việc dù đã trượng nghĩa cứu giúp được tới 200 nạn dân, song nhóm thanh niên Công ty TNHH Sơn Nam lại không hề muốn “đánh bóng” tên tuổi của mình trên các phương tiện truyền thông. Chẳng phải trên thực tế có khá nhiều người, thậm chí có không ít người nổi tiếng lấy cớ làm từ thiện để PR tên tuổi, thương hiệu của cá nhân, công ty của mình đó hay sao? Mỗi lần đi làm từ thiện, hoặc giúp đỡ ai đó một chút thôi thì họ kéo cả một dàn phóng viên báo chí đi cùng để cả bàn dân thiên hạ phải biết đến “nghĩa cử” đó. Còn anh Luân và các nhân viên dưới quyền trong Công ty TNHH Sơn Nam thì sao? Tự nguyện lao vào nguy hiểm giúp đỡ nạn nhân rồi lại muốn lẩn tránh báo giới. Đó mới thực sự là hành vi trượng nghĩa của các bậc anh hùng.
Ấy thế mà vị giám đốc xả thân cứu người đó lại khiêm tốn nói rằng: Đừng gọi đó là anh hùng, vì sẽ có rất nhiều người cũng sẽ suy nghĩ và hành động như các anh nếu rơi vào hoàn cảnh đó. Các anh quan niệm đơn giản rằng khi hoạn nạn giúp đỡ nhau là việc nên làm, có gì to tát đâu mà phải làm rùm beng lên. Không, dù với các anh đó chỉ là việc làm rất đỗi bình thường bởi cái tâm của các anh trong sáng và cao vời vợi, song với chúng tôi, chúng ta thì đó là hành động anh hùng, là nghĩa cử cao đẹp mà không phải ai cũng có được. Vậy mới nói, khi người ta có tâm, khi người ta không nghĩ đến vụ lợi, khi người ta biết cảm thông, chia sẻ khó khăn hoạn nạn với nhau thì tình người còn cao hơn sóng dữ.
106 người chết, 25 người mất tích do mưa bão
Chiều 8.11. Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, thống kê đến ... |
Biệt đội cứu hộ, cứu nạn nơi… rốn lũ!
Tại những khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn trong mùa mưa, lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là 2 địa ... |
http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/tinh-nguoi-cao-hon-song-du-385207
Ngày đăng: 06:00 | 10/11/2017
/ Lê Anh Đức/daidoanket.vn