Tại Nhật Bản, nhiều bác sĩ cao niên, ở độ tuổi 67 hoặc 75, vẫn phải tiến hành phẫu thuật điều trị bệnh nhân lão khoa.
Tình trạng già hóa tại Nhật Bản từ lâu đã là một vấn đề làm đau đầu nhà chức trách. Các đơn vị công lập và cả tư nhân nhiều năm liền nỗ lực tạo ra một xã hội năng động, giữa cộng đồng có độ tuổi trung bình cao. Song còn rất nhiều trở ngại chưa được giải quyết, một trong số đó là chăm sóc sức khỏe.
Cùng với phần còn lại của đất nước, các bác sĩ Nhật Bản đang dần già đi, cả thể chất và năng suất làm việc. Người ta sử dụng thuật ngữ Ro-ro-iryo, hay "người già chăm người già" để chỉ các bác sĩ cao niên làm việc tại bệnh viện lão khoa.
Những người cao tuổi dễ mắc bệnh hơn, số ca nhập viện có thể nhanh chóng tăng lên, trong khi thời lượng làm việc một ngày của những nhân viên y tế cao tuổi không nhiều.
Các khu vực dân cư thưa thớt thậm chí thiếu bác sĩ trầm trọng. Tình hình sáng sủa hơn ở thành phố lớn, nhưng dân số tại đây cũng sẽ nhanh chóng già hóa. Như vậy thời gian bác sĩ dành cho một bệnh nhân sẽ giảm xuống.
Tại một bệnh viện lão khoa ở phía bắc tỉnh Akita, một phần ba số bác sĩ từ 65 tuổi trở lên. Thời gian điều trị cho các bệnh nhân là cực kỳ ngắn. Đối với người bệnh trên 75 tuổi, họ chỉ có thể thăm khám hơn 23 phút mỗi ngày.
Ông Shuichi Yoshihara, 64 tuổi, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thành phố Odate, cho biết: "Số lượng bác sĩ đa khoa trong khu vực đã giảm ⅔ so với 10 năm trước. Độ tuổi trung bình hiện nay là 70. Các bệnh nhân không thể khám tại trung tâm y tế địa phương đều đổ đến đây nên bệnh viện luôn đông đúc", ông nói,
Một số bác sĩ không thể tiếp tục vì các vấn đề sức khỏe, hệ quả của làm việc quá nhiều. Bệnh viện cố gắng bù đắp chỗ trống bằng cách thuê những người lớn tuổi hơn hoặc ké. Có bác sĩ phải làm phẫu thuật cho đến năm 78 tuổi.
Năm 2020, Covid-19 đột ngột ập đến, tấn công lực lượng lao động vốn đã gặp nhiều khó khăn. Bệnh viện được chỉ định xử lý những ca truyền nhiễm. Nhiều bác sĩ, dù tuổi cao, vẫn phải túc trực đến khuya. Một số cuộc phẫu thuật bị hoãn lại.
Khi người dân già đi, số ca biến chứng cũng tăng lên.
"Một số bệnh nhân cần được chẩn đoán từ nhiều khoa. Gánh nặng đối với bác sĩ thực sự to lớn", ông Yoshihara nói.
Tại Bệnh viện Akita Rosai, cách đó khoảng 10 km, tình hình tương tự. Koichiro Okuyama, 62 tuổi, bác sĩ chỉnh hình, giám đốc bệnh viện, vẫn thực hiện phẫu thuật hai ngày một lần. Cơ sở không có bác sĩ nội khoa toàn thời gian nên ông thăm khám cho cả những bệnh nhân chạy thận.
"Tôi vừa là bác sĩ nội khoa, vừa là bác sĩ tâm thần. Tôi phải sử dụng tất cả các kỹ năng học được khi còn nội trú", ông nói. "Tôi có thể làm chúng bởi tôi yêu công việc của mình". Song khi tuổi đã cao, việc lấy sức mình bù đắp cho tình trạng thiếu nhân lực trở nên khó khăn hơn.
Đây cũng là viễn cảnh phổ biến trong tương lai của hệ thống chăm sóc sức khỏe cả nước.
Tờ Nikkei đã tiến hành phân tích thời gian làm việc theo lứa tuổi của các bác sĩ trong 344 khu vực y tế thứ cấp tại Nhật Bản. Chuyên gia so sánh thời gian họ bỏ ra để chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân trong mỗi tuần vào năm 2026 với năm 2016.
Cách đây 4 năm, thời gian tư vấn trung bình tại 52 khu vực y tế đô thị (những nơi có trên 1 triệu dân) là 78,1 phút. Con số này dự kiến giảm xuống còn 63,4 phút trong năm 2026.
Thực tế, số lượng bác sĩ tại Nhật Bản vẫn tăng hàng năm. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tổng số bác sĩ tăng 14%, song số người từ 59 tuổi trở xuống chỉ tăng 5%. Các bác sĩ cao niên không thể trực trong nhiều giờ liên tục. Bác sĩ nam ở độ tuổi 40 có thể làm việc khoảng 70 giờ mỗi tuần, nhưng con số này giảm xuống còn từ 50 đến 60 giờ khi họ đến tuổi 60.
Trong khi đó, tỷ lệ bệnh nhân 75 tuổi trở lên cần điều trị y tế cao hơn 3 đến 6 lần so với người từ 10 đến 39 tuổi. Thời gian khám chữa cũng theo đó tăng lên. Như vậy, tình trạng thiếu hụt nhân sự vẫn xảy ra.
Một trong những giải pháp được đưa ra là khám chữa bệnh tại nhà. Chính phủ nỗ lực chuyển các dịch vụ chăm sóc y tế có thể được thực hiện bên ngoài bệnh viện đến tận giường bệnh của người dân, nỗ lực cân đối mức chi phí phúc lợi xã hội ngày càng tăng ở Nhật Bản. Khi mô hình này phát triển, phạm vi công việc của bác sĩ cũng được mở rộng.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng địa phương vẫn còn nhiều yếu tố chưa thể đáp ứng xu thế trên.
"Số lượng bệnh nhân cần được chăm sóc y tế tại nhà ngày càng tăng và không đủ bác sĩ đa khoa để hỗ trợ họ. Nhiều bệnh viện lại thiếu nhân lực tiếp quản hoặc khỏa lấp chỗ trống", Manabu Kazui, giám đốc một trung tâm chăm sóc sức khỏe tại nhà, cho biết.
Thành phố Hachioji, thuộc Tokyo, chỉ có khoảng 20 bác sĩ cung cấp dịch vụ này. Hơn một nửa trong số đó từ 60 tuổi trở lên. 12 bác sĩ đa khoa cho biết họ thường trực khoảng 24 giờ một ngày nếu bệnh nhân gặp phải tình huống cấp cứu. Điều này khá khó khăn với các bác sĩ lớn tuổi.
Số người già trên 100 tuổi của Nhật Bản nhiều nhất thế giới |
Số người trên 100 tuổi ở Nhật Bản lần đầu tiên vượt ngưỡng 80.000 |
Ngày đăng: 06:57 | 30/09/2020
/ vnexpress.net