Mỹ và Nga sẽ tiến hành đàm phán về tình hình Ukraine, an ninh tại châu Âu và các vấn đề liên quan đến kiểm soát vũ trang vào ngày 10/1/2022 tới trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước xung quanh vấn đề Ukraine.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 28/12 xác nhận Moscow đã lên kế hoạch thảo luận những yêu cầu an ninh của nước này với Washington vào ngày 10/1/2022. Cuộc gặp ngày 10/1/2022 nằm trong loạt các vòng đàm phán an ninh giữa Nga với Mỹ và phương Tây. Hội đồng Nga-NATO (NRC) sẽ nhóm họp trong ngày 12/1/2022, vòng tiếp xúc đầu tiên kể từ tháng 7/2019. Kế đến là cuộc gặp giữa Nga với đại diện Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSEC) trong ngày 13/1/2022.
Hiện Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ chưa lên tiếng bình luận về thông tin này. Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết quan chức ngoại giao và quân sự Nga sẽ tham gia các vòng đàm phán với đối tác Mỹ trong tháng 1.
Nội dung thảo luận sẽ tập trung vào một loạt danh sách bảo đảm an ninh mà Moscow muốn có được cam kết từ Washington trong bối cảnh quan hệ Nga với Mỹ và NATO leo thang căng thẳng liên quan đến tình hình Ukraine. Việc Nga và NATO tổ chức đàm phán đã ngay lập tức nhận được sự ủng hộ từ giới chức Đức.
Phó phát ngôn Chính phủ Đức Wolfgang Buechner cho biết nước này chờ đợi các cuộc đàm phán sắp tới, bởi đó cũng là sự kiện ngoại giao kỳ vọng của Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Andrea Sasse thì nhấn mạnh: “Chúng tôi hoan nghênh lời mời của Tổng Thư ký (Stoltenberg) vào ngày 12/1. Chúng tôi hoan nghênh sáng kiến này”.
Về phía Nga, phát biểu tại buổi tiếp các nhà ngoại giao và tùy viên quân sự của các Đại sứ quán nước ngoài tại Moscow hôm 27/12, trong đó có đại diện 14 nước thành viên NATO, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Alexander Fomin nhấn mạnh Nga hy vọng cuộc đàm phán sẽ diễn ra nghiêm túc và mang tính xây dựng, đồng thời tin tưởng rằng thỏa thuận về đảm bảo an ninh sẽ đáp ứng những lợi ích của cả Moscow và châu Âu.
Tại cuộc hội đàm trực tuyến hồi đầu tháng này với chủ đề chính là Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc nhở về “lằn ranh đỏ” còn Tổng thống Mỹ Joe Biden nói đến việc chuẩn bị “gói biện pháp toàn diện” để chống Moscow khi cảnh báo người đồng cấp Vladimir Putin rằng phương Tây sẽ áp đặt “những biện pháp kinh tế cứng rắn và những biện pháp khác” đối với Nga, nếu Moscow xâm chiếm Ukraine.
Đáp lại, Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu Mỹ và phương Tây đảm bảo rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không mở rộng hơn nữa về phía Đông. Và thay vì những lời dọa dẫm, người đứng đầu Điện Kremlin rất rõ ràng khi đưa ra những “lằn ranh đỏ” về Ukraine. Theo đó, Moscow thẳng thừng tuyên bố không muốn Ukraine gia nhập NATO cũng như việc NATO đến “cắm trại” ở Ukraine thông qua việc cung cấp vũ khí hay nhiều thứ khác.
Chuyên gia Dmitri Treni, Viện Carnegie ở Moscow, nhận định: “Dù Kiev có gia nhập NATO hay không, nhưng Nga không chấp nhận việc Ukraine biến thành 'hàng không mẫu hạm' neo đậu ngay trước cửa biên giới”. Vì vậy, nguyên thủ Nga muốn có được những “thỏa thuận cụ thể” với ông chủ Nhà Trắng về việc NATO không mở rộng sang phía Đông.
Tổng thống Vladimir Putin cũng chỉ ra tình trạng gia tăng căng thẳng ở các biên giới phía Tây và sự cần thiết phải có “những đảm bảo an ninh lâu dài và chắc chắn”, cụ thể là bằng văn bản bởi các nước phương Tây không “giữ lời”. Ông nhấn mạnh: “Tôi hy vọng sẽ không ai nghĩ đến việc vượt qua cái gọi là lằn ranh đỏ trong quan hệ với Nga. Còn lằn ranh đỏ ở đâu thì chúng tôi sẽ tự xác định trong từng trường hợp cụ thể”. Về phần mình, ông Joe Biden nhấn mạnh rằng ông “không công nhận lằn ranh đỏ của bất kỳ ai”. Liên quan tới việc Ukraine muốn gia nhập NATO,
Ngoại trưởng Sergei Lavrov bình luận rằng: “Chính sách đưa Ukraine vào NATO với viễn cảnh hệ thống tên lửa tấn công được triển khai gần biên giới của chúng tôi sẽ gây ra những đe dọa về an ninh không thể chấp nhận được với Nga, làm gia tăng rủi ro quân sự nghiêm trọng cho tất cả các bên liên quan, dẫn tới một cuộc xung đột quy mô lớn ở châu Âu”. Ngoại trưởng Nga chỉ rõ, cuộc khủng hoảng Ukraine và việc thiếu tiến triển trong quá trình thực hiện Thỏa thuận Minsk nhằm giải quyết tình hình ở phía Đông Ukraine là những vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của những cuộc trao đổi này.
“Tổng thống Vladimir Putin đã dẫn ra những minh chứng cụ thể cho thấy chính sách phá hủy của Kiev nhằm dỡ bỏ thỏa thuận Minsk và những thỏa thuận đạt được theo Thể thức Normandy, đồng thời thể hiện những lo ngại về các hành vi khiêu khích của Ukraine tại Donbass”, ông nói. Theo ông, Tổng thống Nga và người đồng cấp Mỹ đã nhất trí chỉ đạo đội ngũ của mình bắt đầu một cuộc đối thoại nghiêm túc về việc xây dựng cụ thể các đảm bảo an ninh dài hạn và ràng buộc về mặt pháp lý ở biên giới phía Tây của Nga. Ông cho biết, ngày 15/12, Moscow đã chuyển cho Washington dự thảo thỏa thuận giữa 2 bên về những đảm bảo an ninh cùng với thỏa thuận giữa Nga và các thành viên NATO về các biện pháp an ninh.
“Chúng tôi tin rằng điều này là cần thiết để làm giảm quy mô đối đầu gây ra bởi chính sách bảo trợ của Mỹ với Ukraine”, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga đánh giá.Về phần mình, mặc dù không vạch ra “lằn ranh đỏ”, song Washington cũng đã đưa ra những cảnh báo cứng rắn về việc áp đặt những đòn trừng phạt kinh tế nặng nề đối với chính quyền Tổng thống Vladimir Putin.
Một trong những biện pháp từng được mệnh danh là “vũ khí hạt nhân” của trừng phạt kinh tế là loại trừ Nga ra khỏi Hệ thống trao đổi thông tin tài chính liên ngân hàng (SWIFT). Đây là một công cụ quan trọng trong tài chính toàn cầu, cho phép các ngân hàng lưu thông tiền tệ. Tại cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình quốc gia Nga hôm 26/12, Tổng thống Vladimir Putin nêu rõ Moscow sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả khác nhau nếu phương Tây từ chối yêu cầu ngừng mở rộng quân sự về phía Đông. “Phản ứng của Nga trước việc NATO mở rộng về phía Đông có thể khác nhau. Điều này phụ thuộc vào những đề xuất mà các chuyên gia quân sự của chúng tôi đưa ra”, ông nói.
Người đứng đầu Điện Kremlin cũng nhắc lại rằng Nga muốn tránh leo thang và tìm kiếm một giải pháp ngoại giao với NATO. Trước đó, trong cuộc họp báo cuối năm thường niên hôm 23/12, Tổng thống Vladimir Putin cũng nhấn mạnh rằng Nga có thể buộc phải trả đũa vì sự mở rộng “không thể chấp nhận được” của NATO. Dù vậy, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng khối này đang duy trì một “chính sách mở cửa”, có nghĩa là Ukraine và các quốc gia khác đều được tự do gia nhập khối nếu họ đáp ứng các tiêu chí nhất định. Bất chấp những căng thẳng xung quanh Ukraine, Nga và NATO đều bày tỏ mong muốn sẵn sàng tiếp tục đối thoại.
Nước Mỹ và cuộc chiến tình báo kinh tế
Theo Viện thống kê Mỹ, cứ xem xét trung bình 1.000 công ty thì xảy ra 2,5 vụ án tình báo kinh tế và giá ... |
Lo ngại Trung Quốc tấn công bất ngờ, Mỹ-Nhật thành lập căn cứ mới gần Đài Loan
Mỹ và Nhật Bản sẽ thiết lập một chuỗi căn cứ quân sự mới gần Đài Loan nhằm đối phó với nguy cơ Trung Quốc ... |
Ngày đăng: 08:46 | 29/12/2021
/ cand.com.vn