Tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trong 9 tháng qua đang tăng mạnh so với cùng kỳ. Điều này đang đặt ra vấn đề lo lắng sẽ dễ gây áp lực lên thị trường ngoại hối trong nước và thanh khoản ngoại tệ của các ngân hàng (NH) trong những tháng cuối năm.

Nhiều cảnh báo được đưa ra trong bổi cảnh tín dụng ngoại tệ tăng trưởng mạnh.

Nhu cầu vay ngoại tệ tăng cao

Theo Cục Thống kê TPHCM, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TPHCM đến đầu tháng 8 đạt 1.634.800 tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ và tăng 10,92% so với tháng 12.2016. Theo loại tiền, dư nợ tín dụng VNĐ đạt 1.480.600 tỷ đồng, chiếm 90,56% tổng dư nợ, tăng 20,27% so với cùng kỳ; dư nợ bằng ngoại tệ đạt 154.200 tỷ đồng, chiếm 9,44% tổng dư nợ, tăng 15,47% so với cùng kỳ. Tính từ đầu năm đến nay, dư nợ ngoại tệ trên địa bàn TPHCM luôn tăng đều hàng tháng, trong khi năm 2016 liên tục ghi nhận mức giảm trong các tháng và chỉ tăng nhẹ 1,12% vào tháng 12.

Về huy động, từ đầu năm đến đầu tháng 7.2017, tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại (NHTM) ở TPHCM đều giảm, chỉ đến đầu tháng 8 mới ghi nhận mức tăng 6,28% so với cùng kỳ. Hiện vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 12,01% tổng vốn huy động trên địa bàn, trong khi vốn huy động VNĐ chiếm đến 87,99%.

Ở quy mô cả nước, trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 8 và 8 tháng năm 2017, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, ước tính đến hết tháng 8-2017, tín dụng tăng khoảng 11,5% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 10,2%). Cơ cấu tín dụng theo loại tiền duy trì ổn định. Tín dụng VNĐ chiếm khoảng 91,5%, tín dụng ngoại tệ chiếm 8,5% tổng tín dụng.

Đây cũng là điều được dự báo trước khi NHNN mở “cửa” cho vay ngoại tệ hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đến hết năm 2017. Điều này được xem mở ra một kênh vay vốn rẻ cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Ông Nguyễn Ninh, Giám đốc công ty xuất khẩu hàng đông lạnh tại quận Tân Bình TPHCM cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu như chúng tôi rất vui khi vẫn được vay ngoại tệ vì lãi suất vay USD ngắn hạn chỉ từ 2,8-4,7%/năm. Trong khi đó, dù lãi suất VNĐ cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên đã giảm nhưng vẫn cao hơn, từ 6-6,5%/năm. Khi vay USD, DN sẽ tiết kiệm được một khoản lớn để giảm chi phí vốn so với vay VNĐ. Về phần các DN thì tất nhiên ai cũng muốn hưởng lãi suất tốt để hạ giá thành sản phẩm, cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác nên DN xuất khẩu chỉ muốn vay USD.

Trong khi đó, với các ngân hàng thương mại thì hiện nay huy động USD với lãi suất 0%/năm, trong khi cho vay ngoại tệ ngắn hạn với lãi suất 2,8-4,7%/năm nên nhiều NH cũng tích cực hỗ trợ DN xuất khẩu tiếp cận vốn vay ngoại tệ.

Đáng lo ngại?

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích tài chính, với đà tăng tín dụng ngoại tệ mạnh sẽ gây áp lực đến tỷ giá cuối năm. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng đã lưu ý, tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đang cao hơn nhiều so với cùng kỳ, ước tăng 11,5%, cao hơn đáng kể so với mức 1,7% của cùng kỳ năm 2016 và tập trung chủ yếu ở nhóm NHTMCP. Trong khi đó, chênh lệch huy động và cho vay ngoại tệ tại các NH đang khá lớn. Nhiều ngân hàng huy động ngoại tệ giảm nhưng cho vay lại tăng mạnh, như tại MB và VPBank tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tăng mạnh lần lượt ở mức mức 24,9% và 45,5%, trong khi huy động ngoại tệ của MB giảm 3,6% và VPBank giảm 13,8%. Thực tế đó đang đặt ra sức ép cho các nhà quản lý trong bối cảnh khoảng thời gian cuối quý 3 và đến hết quý 4 là khoảng thời các khoản vay ngoại tệ của doanh nghiệp thường đáo hạn nên nhu cầu mua ngoại tệ để hoàn trả các khoản vay cũng tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Song song đó, nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh cuối năm theo yếu tố mùa vụ cũng gia tăng, và không loại trừ trường hợp NHTM mua ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp.

Do đó, các chuyên gia kinh tế lưu ý, dù dự trữ ngoại hối đạt được kỷ lục nhưng cũng không thể chủ quan và NHNN cho thấy quan điểm này trong điều hành chính sách tiền tệ của mình.

Mới đây, NHNN đã có văn bản 7925 yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) tự kiểm tra, phát hiện những vi phạm về mức lãi suất huy động; chỉ đạo chấn chỉnh và xử lý nghiêm người đứng đầu các chi nhánh, đơn vị của TCTD để xảy ra vi phạm, không chấp hành các quy định của NHNN. TCTD phải chủ động báo cáo về NHNN những TCTD cạnh tranh không lành mạnh vi phạm quy định về mức lãi suất huy động bằng ngoại tệ. Cơ quan Thanh tra, giám sát NH và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của NHNN về lãi suất huy động bằng ngoại tệ từ ngày 12.9 và những trường hợp vi phạm sẽ được xử phạt nghiêm tùy theo mức độ vi phạm.

(https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/tin-dung-ngoai-te-tang-truong-manh-lo-nhieu-hon-vui-567042.ldo)

Ngân hàng bán lẻ: Vẫn là thách thức

Thách thức là hiện hữu, khi không chỉ là rủi ro, mà sự bão hoà về những sản phẩm, dịch vụ na ná cũng khiến ...

Đảm bảo kỷ cương thị trường

Việc tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng thông qua tỷ lệ sử dụng vốn trên huy động bằng ngoại ...

Xử lý nợ xấu: Khi đèn đã thắp

Thông tư quy định thi hành Nghị quyết 42 kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ nhiều khúc mắc trong xử lý nợ xấu

Ngày đăng: 07:10 | 02/10/2017

/ Theo G.Miêu - T.Vy/Báo Lao động