“Tại Mỹ, bạn chẳng thể cấm hoàn toàn được một sản phẩm số. Có quá nhiều cách để tiếp cận một nền tảng và điều này nằm ngoài tầm với của chính phủ”, chuyên gia Darrell West của Trung tâm cải tiến công nghệ (CTI) thuộc Viện Brookings Institution nhận định.
Tờ Fortune cho biết Ấn Độ đã cấm Tiktok được 3 năm kể từ cuộc căng thẳng ngoại giao Trung-Ấn, thế nhưng với những video mà giới trẻ nước này vẫn đăng tải trên Tiktok hay chia sẻ lên mạng thì lệnh cấm này được cho là chẳng có nhiều tác dụng.
Tương tự, việc Mỹ xem xét cấm Tiktok được đánh giá là sẽ có kết cục tương tự Ấn Độ, nghĩa là chẳng thể ngăn chặn được sự “thèm khát” của giới trẻ Mỹ với mạng xã hội này với vô số những phương thức để vượt qua được rào cản.
“Tại Mỹ, bạn chẳng thể cấm hoàn toàn được một sản phẩm số. Có quá nhiều cách để tiếp cận một nền tảng và điều này nằm ngoài tầm với của chính phủ”, chuyên gia Darrell West của Trung tâm cải tiến công nghệ (CTI) thuộc Viện Brookings Institution nhận định.
Theo ông West, tính khả dụng và phạm vi các lệnh cấm sẽ phụ thuộc vào cơ chế mà chính quyền Washington muốn áp dụng nếu như một biện pháp ngăn chặn Tiktok được thông qua. Điều này đồng nghĩa với việc 150 triệu người dùng Tiktok tại Mỹ sẽ giảm mạnh, thế nhưng câu hỏi là trong bao lâu.
Với một quốc gia công nghệ phát triển như Mỹ, việc vượt qua các hàng rào lệnh cấm bằng những thủ thuật là điều không hề khó nếu thị trường có nhu cầu. Ngay cả với hệ thống hàng rào lửa nổi tiếng chặt chẽ tại Trung Quốc, người dân vẫn có thể tiếp cận Facebook hay các trang báo nước ngoài nếu họ biết cách chứ đừng nói là ở một nước tự do như Mỹ.
Thả gà ra đuổi
Chuyên gia West nhận định việc chặn truy cập vào Tiktok là một bài toán khó cho chính quyền Washington bởi nếu làm quá chặt, chúng có thể kích thích những rủi ro địa chính trị liên quan đến quyền tự do cá nhân, tự do báo chí nằm trong Tu chính Án thứ nhất thuộc Hiến pháp Mỹ.
Thế nhưng nếu làm quá lỏng lẻo thì uy tín của chính phủ sẽ bị xói mòn nặng và những biện pháp răn đe trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung của Washington sẽ trở nên vô dụng.
Bởi vậy, câu hỏi hiện nay là chính phủ Mỹ sẵn sàng đi xa tới đâu với việc cấm Tiktok.
“Nếu chúng ta làm điều gì đó bốc đồng nhưng nó lại chẳng thực sự hiệu quả thì đó là cơ hội cho phía Trung Quốc chỉ ra sự bất lực của Mỹ”, chuyên gia Nick Merrill của trường đại học California cảnh báo.
Theo tờ Fortune, một lệnh cấm chính thức của Mỹ với Tiktok sẽ kéo theo nhiều gánh nặng và hệ lụy bởi chúng sẽ liên quan đến hàng loạt nền tảng, công ty công nghệ khác trong toàn ngành, đồng thời yêu cầu thành lập các ban ngành kiểm tra, giám sát cùng những chế tài xử phạt đi kèm.
Trái với Trung Quốc khi có hệ thống tường lửa chặn facebook và Youtube, Mỹ không có một hệ thống cơ sở hạ tầng tương tự để làm điều đó, nhất là còn liên quan đến vấn đề tự do cá nhân. Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền Washington sẽ phải yêu cầu các hãng công nghệ viễn thông chặn Tiktok, điều chưa từng diễn ra trước đây.
“Chính phủ sẽ phải ban hành một chính sách hướng dẫn việc yêu cầu các hãng viễn thông chặn một ứng dụng như thế, điều mà chưa từng diễn ra trước đây”, chuyên gia Merrill cho biết.
Một cách chặn khác là thông qua SIM, thẻ điện thoại hay địa chỉ IP. Thế nhưng tương tự như những gì mà Ấn Độ hay Hong Kong đã từng làm để cấm Tiktok, người dùng có thể dễ dàng vượt qua hàng rào này bằng cách tháo SIM, chuyển qua dùng địa chỉ ảo VPN hoặc kết nối quá Wifi để truy cập Tiktok.
Đây cũng là cách mà nhiều người tại Trung Quốc vượt qua hệ thống tường lửa để truy cập trang nước ngoài. Tại Mỹ, việc sử dụng VPN cực kỳ dễ dàng, đôi khi là miễn phí.
Trong khi việc dùng VPN bị cấm ở một số nước thì điều này chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra tại Mỹ.
“Người Mỹ đang phải nếm trái đắng do chính mình tạo ra”, chuyên gia Merrill kết luận.
Ngày đăng: 20:44 | 12/04/2023
Băng Băng / Markettimes.vn