Tik Tok cùng với nhiều ứng dụng khác đã bị phát hiện tự động thu thập dữ liệu người dùng từ bộ nhớ đệm tạm thời (clipboard) trên điện thoại. Dữ liệu này bao gồm từ hình ảnh, tài liệu bao gồm các văn bản và có thể cả những thông tin liên quan tới mật khẩu…
Không phải là cảnh báo lần đầu
Trong lần cảnh báo này, Tik Tok nằm trong danh sách 53 ứng dụng phổ biến khác sau khi cho chạy thử nghiệm trên hệ điều hành iOS 14 vừa được ra mắt dành cho iPhone thì “bị lộ” ra việc thu thập dữ liệu trên thiết bị người dùng từ clipboard.
Tuy nhiên với Tik Tok, một ứng dụng khá phổ biến hiện nay tại nhiều quốc gia với trên 500 triệu người dùng còn bị phát hiện thường xuyên liên tục quét dữ liệu trên thiết bị người dùng từ khay nhớ tạm. Tik Tok sau đó đã phải xóa tính năng này trong một bản cập nhật ứng dụng mới trên chợ ứng dụng AppStore, đồng thời cho biết tính năng này không được kích hoạt trên thiết bị chạy hệ điều hành Android.
Đây không phải lần đầu Tik Tok bị cảnh báo về vấn đề nguy cơ đối với dữ liệu người dùng. Trước đó vào cuối năm 2019, Tik Tok cũng đã bị dính nhiều nghi án về việc có thể thu thập, lưu trữ dữ liệu người dùng và truyền về máy chủ tại Trung Quốc, buộc hãng này phải đưa ra hướng xử lí là tách TikTok ra khỏi công ty mẹ ByteDance tại Trung Quốc, đồng thời tìm kiếm nơi đặt trụ sở mới ở bên ngoài Trung Quốc.
Vấn đề đáng ngại đến đâu?
Theo chuyên gia bảo mật Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, tình trạng chung hiện nay là hầu hết các ứng dụng di động đều tiến hành việc thu thập dữ liệu người dùng. Có ứng dụng lúc lấy lúc không, có những ứng dụng thì liên tục quét thu thập dữ liệu.
Song cũng có không ít ứng dụng, khi người dùng lần đầu tải xuống sử dụng thì không xảy ra vấn đề gì, tới những lần cập nhật sau đó mới đưa thêm tính năng thu thập dữ liệu vào ứng dụng nên hầu như người dùng không hay biết.
Hình ảnh mô tả Tik Tok thu thập dữ liệu từ bộ nhớ tạm trên thiết bị của người dùng. Ảnh: The Verifier. |
Tuy nhiên cũng theo chuyên gia này, vấn đề đáng nói hơn là việc thu thập dữ liệu được lưu trữ ra sao và sử dụng vào việc gì. Nhiều ứng dụng khi bị lộ việc thu thập dữ liệu người dùng thì lấy cớ là để “nâng cao chất lượng trải nghiệm của người dùng”. Thế nhưng ông Thắng cho rằng: “Việc phía ứng dụng thu thập xong dữ liệu và có chuyển ra bên ngoài hay không và nhằm mục đích gì rất khó kiểm soát. Đối với những nhân vật quan trọng, dữ liệu có tính nhạy cảm cao, việc bị thu thập có thể dẫn đến những nguy cơ càng khó lường vì có thể bị lộ các thông tin riêng tư, tên tài khoản, mật khẩu, mã OTP…”.
Theo Tik Tok, họ hiện có hơn 12 triệu người dùng tại Việt Nam. Tuy nhiên chuyên gia Võ Đỗ Thắng cho rằng, nhận thức chung của người dùng tại Việt Nam về tình trạng bị các ứng dụng thu thập dữ liệu còn chưa thấy được hết sự nghiêm trọng. “Ở các quốc gia có luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, việc các ứng dụng tự tiện thu thập dữ liệu người dùng được xem là vấn đề nghiêm trọng. Còn ở mình thì có vẻ chưa thấy được tính nghiêm trọng đó”, ông Thắng nói.
Trong một diễn biến mới nhất, Tik Tok cùng với hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc đã bị cấm sử dụng ở Ấn Độ khiến cho ứng dụng này bị mất đến 120 triệu người dùng tại quốc gia này. Ngoài ra, tại một số quốc gia như Mỹ, Tik Tok đã bị cấm sử dụng trong một số lực lượng, cơ quan chính quyền.
Thế Lâm
Tik Tok tự động thu thập dữ liệu người dùng, đáng ngại đến mức nào?
Tik Tok cùng với nhiều ứng dụng khác đã bị phát hiện tự động thu thập dữ liệu người dùng từ bộ nhớ đệm tạm ... |
Ngày đăng: 22:59 | 01/07/2020
/ laodong.vn