Chiến lược chạy đua vào Nhà Trắng của Michael Bloomberg khiến các nhà phân tích cho rằng ông có ít lợi thế so với Tổng thống Trump.
"Tôi không nghĩ Bloomberg có cơ hội tốt để chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong 2020", Joe Wert, giáo sư khoa học chính trị, Đại học đông nam Indiana, Mỹ, nói với VnExpress.
Wert đánh giá sau khi tỷ phú truyền thông Mỹ Michael Bloomberg ngày 24/11 tuyên bố chính thức tranh cử tổng thống với tư cách ứng viên đảng Dân chủ.
Phân tích lợi thế của Bloomberg trong phe Dân chủ, Wert cho biết dữ liệu khảo sát gần nhất cho thấy Bloomberg chỉ chiếm được 4%, thấp hơn nhiều so với các ứng viên khác là cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, các thượng nghị sĩ Bernie Sanders, Elizabeth Warren.
"Bloomberg không có một vấn đề nào gắn với tên tuổi của mình, có thể giúp tăng đáng kể tỷ lệ cử tri ủng hộ", Wert nói.
Theo giáo sư này, chiến lược tranh cử của Bloomberg "khá lạ kỳ". Bloomberg muốn chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ sớm ở các bang (Iowa, New Hampshire, South Carolina) và tập trung vào một chiến lược quốc gia, vận động ở các bang mà người Mỹ gọi là ngày Siêu Thứ ba (Super Tuesday). Ngày siêu Thứ ba là một ngày trong tháng ba, khi nhiều bang tổ chức bỏ phiếu sơ bộ.
Wert dự đoán một ứng viên khác sẽ có "đà" vào những thời điểm nói trên nhưng với Bloomberg thì không. Bloomberg cũng thể hiện mình ôn hòa hơn nhiều so với quan điểm của đảng Dân chủ. Trong khi đó, một ứng viên ở vòng bỏ phiếu sơ bộ cần chạy đua dựa trên nền tảng của đảng để giành được vị trí đề cử của đảng đó. Bloomberg có thể không phải là ứng viên được phe Dân chủ ủng hộ mạnh mẽ.
"Tôi không thấy Bloomberg có thể giành được đề cử của đảng Dân chủ để ganh đua với Tổng thống đương nhiệm Trump", Wert nói.
Đồng tình với ý kiến này, Dean Spiliotes, nhà nghiên cứu tại Đại học Nam New Hampshire, Mỹ, cho rằng việc Bloomberg giành được đề cử của đảng Dân chủ "rất thách thức".
Tỷ phú Bloomberg đã bỏ qua 4 vòng bỏ phiếu sơ bộ và các cuộc họp kín để tập trung vào ngày Siêu Thứ ba vào 3/3. Quyết định này có thể khiến ông gặp khó khăn khi đi sâu vào các vấn đề tranh cử và thu hút sự quan tâm của cử tri.
Thông thường, một ứng viên cần dành nhiều thời gian để gây dựng lượng cử tri ủng hộ nhưng Bloomberg lại tập trung vào chiến dịch quảng cáo. Ông đã chi đến 30 triệu USD cho một tuần quảng bá chiến dịch tranh cử trên truyền hình. Một số cử tri có thể không ưa thích việc một ứng viên tự bỏ nhiều tiền túi để chạy đua vào Nhà Trắng, Spiliotes nhận định.
Giáo sư David Schultz, Khoa Khoa học chính trị, Đại học Hamline, Mỹ, cũng cho rằng Bloomberg khó có cơ hội giành được đề cử của đảng Dân chủ. Ông quyết định chạy đua để ngăn ứng viên cánh tả trở thành đại diện của Dân chủ, hoặc hướng đến một hội nghị của đảng mà không có đề cử ở lượt bỏ phiếu đầu tiên. Bloomberg quyết định chạy đua vì ông thấy cựu phó tổng thống Biden gặp khó khăn, xu hướng nghiêng về cánh tả (như Warren và Sanders thể hiện), không tin họ có thể đánh bại Trump.
"Bloomberg chỉ chạy đua với tư cách một ứng viên phòng thủ của Dân chủ", Schultz nói.
Tỷ phú Bloomberg tại một sự kiện hồi đầu năm 2019. Ảnh: Reuters. |
So sánh với Tổng thống Trump, giáo sư Wert cho rằng lợi thế chính của Bloomberg là "ông không phải Trump", nên không có cử tri "phân cực" theo hướng hoặc ủng hộ hoặc phản đối hoàn toàn. Với nhóm cử tri phản đối Trump, bất cứ ai "không phải Trump" đều ổn.
Bloomberg có thể tập trung bàn thảo các vấn đề kinh tế trong chiến dịch tranh cử vì có nhiều năm kinh nghiệm. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ hiện đang tốt đẹp. Nếu Bloomberg giành được đề cử của đảng Dân chủ, ông có những lợi thế là tỷ phú, cựu thị trưởng New York, đủ tài chính và tổ chức đứng sau hỗ trợ, đủ khả năng tạo thêm việc làm mới cho người dân. Nhưng những lợi thế này không vượt trội so với Trump.
Spiliotes đánh giá việc Bloomberg thể hiện quan điểm chính trị ôn hòa có thể khiến Trump khó khăn trong việc chỉ trích Bloomberg là "quá tự do". Cả Bloomberg và Trump đều biết nhau trong cộng đồng kinh doanh ở New York nhiều năm, do đó chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng có thể trở thành cuộc cạnh tranh mang nhiều tính cá nhân.
Theo Schultz, Bloomberg không có lợi thế về các cử tri trung thành, cử tri ở các bang dao động (swing states) và kinh nghiệm cầm quyền như Trump. Dù vậy, Bloomberg có thể chi rất nhiều tiền cho ngày Siêu Thứ ba nhằm giành đủ số đại biểu để tác động đến cuộc bầu cử. Ông cũng có thể dùng tài chính để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình và để tấn công Trump. Các vấn đề ông ủng hộ như kiểm soát súng đạn, quyền sinh sản, biến đổi khí hậu là các vấn đề quan trọng với phe Dân chủ.
"Trong khi Dân chủ không có ứng viên nào nắm giữ vị trí áp đảo và thu hút đồng thuận, Bloomberg có cơ hội tạo nên thay đổi", Schultz nói.
Ngày đăng: 08:24 | 27/11/2019
/ vnexpress.net