Tạp chí Foreign Policy nhận định, quyết định của các bên Châu Âu về bắt đầu quá trình giải quyết tranh chấp có thể là “đồng hồ đếm ngược” cho sự tồn tại của thỏa thuận hạt nhân Iran.

Kỹ thuật viên làm việc tại lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak ở Iran hôm 23.12.2019. Ảnh: AP

Những diễn biến mới nhất

Ngày 14.1, ngoại trưởng Anh, Pháp và Đức đã kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp trong nỗ lực buộc Iran tuân thủ các nghĩa vụ theo thỏa thuận hạt nhân Iran hay có tên đầy đủ là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA). Cơ chế giải quyết tranh chấp bắt đầu tính từ trong khoảng thời gian 65 ngày xem xét chuyên sâu của các bên ký kết thỏa thuận, với thông tin đầu vào từ các ngoại trưởng Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Iran và Nga.

Nếu tranh chấp không được giải quyết theo các điều khoản ban đầu của thỏa thuận, các nước Châu Âu có thể tuyên bố Iran vi phạm nghĩa vụ và tái áp đặt hàng loạt các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc vốn đã được dỡ bỏ khi các bên ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Trong tuyên bố chung, các ngoại trưởng lấy làm tiếc cũng như bày tỏ quan ngại về việc Mỹ quyết định rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với Iran. “Sau khi Iran tuyên bố vào tháng 5.2019 rằng sẽ ngừng tuân thủ một số cam kết theo JCPOA, chúng tôi đã tìm cách thuyết phục Iran thay đổi ý định” - tuyên bố nêu rõ.

Foreign Policy nhận định, động thái này thể hiện nỗ lực hết mình của các bên Châu Âu trong việc cứu thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng sau khi ông Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận đạt được dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama. Kể từ đó Mỹ đã tăng cường các biện pháp trừng phạt với Iran và đe dọa sẽ trừng phạt các doanh nghiệp nước ngoài có làm ăn với Iran. Nỗ lực của các chính phủ Châu Âu nhằm giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt với Iran thông qua việc tạo ra một phương tiện tài chính mang tên Instex gần như không phát huy được hiệu quả.

Không đạt được lợi ích kinh tế nào từ thỏa thuận, Iran nhiều lần tuyên bố còn rất ít lý do để tiếp tục tuân thủ các điều khoản. Với một loạt các động thái phá vỡ thỏa thuận, đặc biệt là việc làm giàu uranium, các bên lo ngại Iran sẽ tiến nhanh tới khả năng chế tạo bom trong vòng vài tháng.

Mở cửa cho tái áp đặt các biện pháp trừng phạt

Cơ chế giải quyết tranh chấp do Châu Âu đề xuất đề cập tới việc xem xét sự tuân thủ của Iran qua một ủy ban chung bao gồm các quốc gia đã ký và vẫn đang là các bên của thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Các bên có 15 ngày để xem xét các khiếu nại.

Nếu họ không thể giải quyết được vấn đề thì có thể đề xuất thêm thời gian hoặc “đá quả bóng” sang cho các ngoại trưởng - những người sẽ có thêm 15 ngày hoặc hơn để xử lý. Nếu các ngoại trưởng cũng không thể giải quyết được, vấn đề sẽ được chuyển tới ban cố vấn gồm 3 thành viên để ban cố vấn đưa ra đề xuất trong vòng 15 ngày. Nếu các cường quốc không đồng ý với ý kiến mà ban cố vấn đưa ra trong 15 ngày sau đó, vấn đề sẽ được đưa trở lại ủy ban chung thêm 5 ngày nữa.

Nếu ủy ban chung vẫn không thể có được giải pháp cuối cùng, các bên Châu Âu sẽ có phương án là đề xuất Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiến hành cuộc bỏ phiếu về một nghị quyết liệu có nên tiếp tục dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Iran không. Trong Hội đồng Bảo an có Mỹ là ủy viên thường trực, thành viên có quyền phủ quyết và khả năng cao là Mỹ sẽ phủ quyết nghị quyết này, Foreign Policy nhận định.

Nếu nghị quyết của Hội đồng Bảo an không được thông qua trong vòng 30 ngày, điều khoản “lùi” (snapback) sẽ có hiệu lực. Theo đó, một loạt các biện pháp trừng phạt với Iran trước khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết sẽ được tái áp đặt. Nói ngắn gọn, thỏa thuận hạt nhân sẽ chính thức bị khai tử.

“Châu Âu rõ ràng muốn duy trì JCPOA và hối thúc Mỹ cùng Iran trở lại tuân thủ. Tuy nhiên, bằng cách kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp, về mặt lý thuyết, họ mở ra cánh cửa cho điều khoản snapback và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt” - ông Daryl Kimball - Giám đốc điều hành Hiệp hội kiểm soát vũ khí nói.

THANH HÀ

"Ba ông lớn" châu Âu chính thức buộc tội Iran

Anh, Pháp và Đức đã chính thức buộc tội Iran vi phạm các điều khoản của thoả thuận mà nước này ký năm 2015 để ...

Căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq lại bị nã tên lửa tới tấp

Tình hình Mỹ - Iran mới nhất: Các nguồn tin quân sự cho hay, một căn cứ có lính đồn trú Mỹ ở Iraq vừa ...

Lính Mỹ kể cú thoát diệu kỳ khỏi "mưa tên lửa" Iran

Căng thẳng Mỹ Iran: Binh sĩ tại căn cứ không quân Iraq chịu cú phóng tên lửa trực tiếp đầu tiên từ Iran cho biết ...

 

 

Ngày đăng: 15:47 | 16/01/2020

/ laodong.vn