Trong bối cảnh xung đột vẫn không ngừng xảy ra ở khu vực Bờ Tây với số lượng thương vong năm 2022 ở mức cao nhất trong hàng chục năm qua, liên minh cấp bộ của Israel đã hủy bỏ các thỏa thuận hòa bình song phương được ký kết dưới sự bảo trợ của quốc tế. Động thái này của Israel khiến tiến trình hòa bình Trung Đông, vốn lâm vào thế bế tắc trong những năm gần đây, lại có thêm nhiều trở ngại.
Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết về vấn đề Palestine, ngày 30-11.
Phản ứng với quyết định của Israel, Người phát ngôn của Tổng thống Palestine Nabil Abu Rudeineh cho rằng, việc hủy bỏ các thỏa thuận ở phía Israel là một thách thức trắng trợn đối với các nghị quyết quốc tế và vi phạm luật pháp quốc tế; bất kỳ nỗ lực nào của Israel nhằm mang lại tính hợp pháp cho các khu định cư được xây dựng trên đất Palestine đều bị bác bỏ và lên án và những nỗ lực này sẽ không mang lại tính hợp pháp cho bất kỳ ai.
Giữa lúc căng thẳng Israel và Palestine gia tăng, ngày 30-11, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết về vấn đề Palestine, trong đó một lần nữa khẳng định giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại trong hòa bình và an ninh, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tập hợp tinh thần đoàn kết của nhiều quốc gia nhằm tái khởi động đàm phán về tất cả các vấn đề trong tiến trình hòa bình ở Trung Đông. Nghị quyết đề nghị cả hai bên hành động có trách nhiệm và khẩn trương để đảo ngược các xu hướng tiêu cực, tạo điều kiện cho các giải pháp ngoại giao và chính trị nhằm thúc đẩy các nỗ lực hòa bình; kêu gọi Israel tuân thủ nghiêm ngặt nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và ngừng tất cả các hành động đơn phương trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng với mục đích thay đổi thành phần nhân khẩu học, đặc điểm và tình trạng của lãnh thổ, ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của các cuộc đàm phán hòa bình.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Csaba Korosi nêu rõ, cộng đồng quốc tế cần thể hiện đoàn kết trong hành động, hướng tới giải pháp lâu dài. Liên đoàn Arab, Tổ chức các nước Hồi giáo, Phong trào Không liên kết... đều nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện tình hình an ninh tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, khôi phục tiến trình hòa bình và chấm dứt các hành động vi phạm nghị quyết Liên hợp quốc. Theo Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Tor Wennesland, việc thiếu vắng một tiến trình hòa bình có ý nghĩa hướng tới chấm dứt sự chiếm đóng của Israel và giải quyết cuộc xung đột đang khiến tình hình tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng trở nên xấu đi nghiêm trọng, đặc biệt là ở Bờ Tây, đồng thời gây mối lo ngại rằng không thể giải quyết cuộc xung đột.
Trên thực tế, từ 2 năm trước, tiến trình hòa bình giữa Israel với Palestine đã được dự đoán sẽ gặp trở ngại, khi Hiệp định Abraham (một hiệp định hòa bình được Mỹ bảo trợ) được ký kết giữa Israel với hai quốc gia Vùng Vịnh là Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Thời điểm đó, chính quyền Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, đã ra sức thúc đẩy để một số nước Arab ngồi vào bàn đàm phán. Mục tiêu của thỏa thuận Abraham là đưa Israel vào "trong lòng thế giới Arab", một bước đi sẽ làm chia rẽ khối này, hướng họ đến những mục tiêu khác, dần cô lập chính quyền Palestine. Không phải ngẫu nhiên mà khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã gọi bản thỏa thuận này là “cái tát của thế kỷ”. Bởi với bản hiệp ước kèm theo nhiều lợi ích về kinh tế, các nước Arab có thể vẫn ủng hộ cuộc đấu tranh của người Palestine nhưng sẽ tìm kiếm con đường ôn hòa hơn để bảo vệ chính sách thực dụng với Israel.
Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh như hiện nay, cộng đồng quốc tế cần nỗ lực vạch ra một lộ trình cụ thể để biến các mục tiêu thành hiện thực. Kèm theo đó là một giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài, có thể đưa cuộc xung đột dài nhất trong lịch sử hiện đại đi đến hồi kết.
Ngày đăng: 08:56 | 02/12/2022
QUỲNH DƯƠNG / HNM.com.vn