Ngoài luận án tiến sĩ phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức TP Sơn La, TS Đặng Hoàng Anh còn sở hữu 2 công bố khác liên quan môn thể thao này.

Năm 2019, tác giả Đặng Hoàng Anh từng công bố nghiên cứu “Thực trạng phong trào cầu lông công nhân viên chức lao động” tại Hội thảo quốc tế Thái Bình Dương trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hội thảo này do Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh tổ chức.

Năm 2020, tác giả tiếp tục công bố nghiên cứu “Thực trạng nhu cầu, động cơ và hứng thú tập luyện cầu lông của đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La" trên Tạp chí Khoa học Đào tạo và Huấn luyện thể thao, (số 3). Tạp chí này thuộc Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh biên soạn và phát hành.

Tác giả Đặng Hoàng Anh đang công tác tại trường Đại học Tây Bắc. Phóng viên VTC News đã liên hệ với ông Đặng Hoàng Anh nhưng không nhận được hồi âm. Phóng viên cũng liên hệ với PGS.TS Đặng Văn Dũng (người hướng dẫn luận án tiến phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức TP Sơn La, Phó hiệu trưởng Đại học Thể dục, Thể thao Bắc Ninh) cũng không nhận được câu trả lời. 

screen-shot-2022-05-05-at-111536-am-23481294
Thông tin luận án đăng tải trên chuyên trang Luận văn - Luận án của Bộ GD&ĐT.

Ngày 5/5, trả lời VTC News, ông Trần Hiếu, Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xác nhận, đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh được hướng dẫn và bảo vệ tại viện. Nội dung đề tài được công bố tháng 12/2021 và bảo vệ thành công cấp viện ngày 19/1/2022.

Trước câu hỏi về tính thực tiễn và chất lượng của luận án tiến sĩ này, ông Hiếu khẳng định, đề tài được hội đồng thẩm định qua nhiều vòng, có đầy đủ thủ tục và biên bản nghiệm thu đúng quy định. "Mạng xã hội đang làm quá lên", Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao nói trước nhiều thông tin cho rằng đề tài quá nhỏ. 

Sau khi đọc xong luận án, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), thành viên nhóm tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo nhận định: "Tên đề tài nghiên cứu nghe kỳ lạ, không giống luận án tiến sĩ. Một số điểm trong luận án có dấu hiệu đạo văn, như kỹ thuật đánh cầu lông được viết trong các giáo trình song lại được chép vào luận văn. Có điểm nghiên cứu sinh đang cố gắng gán ghép các nội dung gượng ép".

Luận án chưa đưa ra phương pháp nghiên cứu rõ ràng, các giải pháp chưa gắn liền với nguyên nhân của vấn đề, mới chỉ dừng lại ở mức độ "phân tích rồi để đó". Giữa giải pháp và thực trạng, cách tư duy của luận án chưa ăn nhập với nhau.

Một đề tài luận án tiến sĩ phải đáp ứng nhiều tiêu chí, trong đó là tính mới, tính độc lập là quan trọng nhất. Cái mới phải mang tính phát hiện, không phải trước đây làm đề tài này ở tỉnh A nay chuyển sang tỉnh B là mới, nay nghiên cứu về bóng đá, mai nghiên cứu về cầu lông đã là mới. Hơn nữa, trong các luận án tiến sĩ còn yêu cầu về tài liệu nước ngoài, nhưng luận văn này viết sơ sài vài dòng, nội dung không gắn kết với nhau. Nhìn chung luận án này đủ thủ tục các bước nhưng chất lượng không đáng để trở thành luận án tiến sĩ.

"Khâu kiểm duyệt và thẩm định đề tài ở Viện Khoa học thể dục thể thao đang có vấn đề. Những đề tài nghiên cứu kiểu công nghiệp, sao chép, copy-paste cần được loại bỏ ngay lập tức", tiến sĩ Vinh nói. Hiện nay Chính phủ đã ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam, nếu áp vào khung tiêu chuẩn đó các đề tài luận án tiến sĩ không đáp ứng được quá 2/3 tiêu chí thì nên loại bỏ, ông nhận định thêm.

Ngày đăng: 15:27 | 06/05/2022

/