Tại tòa, sau khi được chủ tọa hỏi, bị cáo Phạm Thanh Hải, SN 1966 ở Hà Đông -Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Thương mại đầu tư và Phát triển công nghệ Quốc tế (IDT) cho rằng mình bị oan.
Bị cáo Phạm Thanh Hải tại tòa. Ảnh CN
Ngày 16.5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Phạm Thanh Hải về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Khoản 4, Điều 174 Bộ luật hình sự với khung hình phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc chung thân.
Trong vụ án này, có hơn 500 bị hại là nạn nhân của trang mạng hoclamgiau.vn. Họ đã yêu cầu bồi thường gần 600 tỉ đồng theo hợp đồng thỏa thuận trong vụ án lừa đảo tại Công ty IDT.
Ngày đầu xét xử, có hàng trăm người, trong đó có bị hại và người liên quan đến phiên tòa.
Tại tòa, sau khi kiểm tra căn cước, HĐXX đã xét hỏi bị cáo Phạm Thanh Hải cùng những người liên quan về việc huy động vốn và khoản tiền đầu tư của Hải cho các công ty khác nhau. Tại tòa, khi HĐXX hỏi, bị cáo Hải cho rằng mình bị oan.
Theo tài liệu truy tố, Phạm Thanh Hải giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Thương mại đầu tư và Phát triển công nghệ Quốc tế (IDT). Do IDT hoạt động không hiệu quả nên để có tiền chi tiêu, Hải bắt đầu tổ chức hoạt động huy động vốn cho cá nhân từ năm 2008. Tuy huy động vốn cho cá nhân nhưng tất cả các hoạt động giới thiệu, quảng bá nhằm thu hút đầu tư, đối tượng đều lấy danh nghĩa của Công ty IDT.
Phạm Thanh Hải tự giới thiệu, quảng bá tới nhiều người mình là tiến sĩ, có nhiều kinh nghiệm kinh doanh tại Liên Xô, IDT đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ “cây tỷ đô”… Để chứng minh tính khả thi của các dự án, Hải đưa ra các hợp đồng với lãi suất siêu “khủng”, từ 40-50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền (dù chưa hoạt động kinh doanh).
Các bị hại được ký hợp đồng ủy thác cho Hải đầu tư vào các dự án của Công ty IDT; Công ty CP đầu tư và phát triển Maccadamia Quốc tế (IDMA). Trong hợp đồng, Hải sử dụng con dấu thể hiện mình là TGĐ Công ty IDT để tạo sự tin tưởng. Trên thực tế, Công ty IDMA có nhận từ Hải hơn 20 tỉ đồng đầu tư nhưng theo thỏa thuận, từ năm 2013-2018, Cty sẽ không chia lợi nhuận do đây là giai đoạn đầu tư. Tương tự, 11 Công ty khác Hải đầu tư vào cũng mới thành lập hoặc chưa thể chia cổ tức. Tại tòa, Hải thừa nhận việc đầu tư này.
Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 10.2014 đến 10.2015, Phạm Thanh Hải đã huy động được hơn 2.725 tỉ đồng từ hàng nghìn người. Trong đó, đối tượng chi khoảng 137 tỉ đồng để góp vốn, cho vay. Số còn lại, Hải thanh toán gốc, lãi cho các hợp đồng đến hạn (lấy của người sau trả cho người trước); tổ chức hội thảo và chi thưởng kết nối, hoa hồng (gần 41 tỉ đồng). Những người được trả tiền kết nối cho biết, đa phần số tiền này được họ tái đầu tư lại cho Hải.
Quá trình điều tra, Hải khai đã thông qua quan hệ xã hội, tổ chức hội thảo và lập trang mạng “hoclamgiau.vn” để các nhà đầu tư biết đến mình. Hải cũng nhận thức các dự án mình biết chưa thể sinh lãi cao nhưng do áp lực phải trả gốc, lãi cho các nhà đầu tư nên ông ta buộc phải tiếp tục huy động vốn của những người khác.
Hôm nay, tòa tiếp tục ngày làm việc thứ 2.
Vụ bác sĩ Hoàng Công Lương: Chết người mới lập biên bản giao thiết bị
Bị cáo Trần Văn Sơn khai sau khi xảy ra sự cố khiến nhiều bệnh nhân chạy thận tử vong, anh ta mới lập biên ... |
Vụ xét xử BS Hoàng Công Lương: Luật sư ủy quyền của ông Trương Quý Dương bất ngờ xuất hiện
Trong phiên tòa sáng nay, luật sư được ủy quyền của ông Trương Quý Dương, nguyên GĐ bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đã có ... |
Ngày đăng: 08:37 | 17/05/2018
/ https://laodong.vn