Các chuyên gia lên án việc một số trường đại học, cao đẳng dễ dãi trong tuyển dụng ông Nguyễn Trường Hải gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt thòi cho sinh viên.

Ít nhất 5 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM thông tin việc ông Nguyễn Trường Hải dùng bằng tiến sĩ đến liên hệ xin việc, làm việc chính thức hoặc thỉnh giảng trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay. Trong đó gồm đại học lớn như: Công nghệ TP.HCM, trường Đại học Sài Gòn, trường Đại học Văn Hiến. Sau khi bị phát hiện vấn đề bằng cấp, ông Hải đều cắt đứt liên lạc với trường.

Theo ông Bùi Chí Hiếu, Trưởng phòng tổ chức hành chính, Đại học Công thương TP.HCM, việc ông Nguyễn Trường Hải dùng bằng giả để qua mặt nhiều trường đại học là vấn đề đáng báo động trong công tác tuyển dụng nhân sự hiện nay. Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở các trường tư thục và cao đẳng khi cần đội ngũ thỉnh giảng lớn nên dễ dãi trong quá trình tuyển dụng.

Quy định khi tuyển dụng, bổ nhiệm một vị trí cần xác minh thông tin lý lịch, bằng cấp. "Việc xác minh tưởng chừng đơn giản, là điều hiển nhiên phải làm nhưng lại để xảy ra sai sót ở khâu này. Một phần nguyên nhân các trường quá tin vào các giấy tờ công chứng, mặc định không xác minh lại", ông Hiếu nói.

screen-shot-2023-11-27-at-110044-am-11013589
Bằng tiến sĩ giả của ông Nguyễn Trường Hải. (Ảnh: Tuoitre.vn)

Trong khâu tuyển dụng đầu vào cần lưu ý 2 trường hợp bằng cấp: văn bằng cấp ở Việt Nam và văn bằng cấp ở nước ngoài. Với các giấy tờ do các trường đại học, viện đào tạo ở Việt Nam cấp, chỉ cần tra cứu trên hệ thống các trường là có đầy đủ thông tin, cẩn thận hơn thì xác minh bằng văn bản, dấu đỏ.

Còn với các giấy tờ do nước ngoài cấp, các trường thông qua Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT để xác minh. Qua trình xác minh thông tin bằng cấp diễn ra nhanh chóng từ 5 đến 15 ngày là hoàn thành thủ tục.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học FPT thẳng thắn, khi nền giáo dục đào tạo tiến sĩ quá ồ ạt thì hệ luỵ chính là việc bằng cấp giả tràn lan như trường hợp của ông Nguyễn Trường Hải.

"Tôi chắc chắn không chỉ ông Hải mà còn nhiều trường hợp nữa đang dùng bằng giả để len lỏi vào các cơ quan, trường học, nhất là khối cao đẳng. Chỉ cần tổng rà soát bằng cấp sẽ tra ra rất nhiều người", ông Tùng nêu quan điểm.

Về trách nhiệm, ông Tùng nhấn mạnh đến 2 đơn vị cấp bằng và sử dụng bằng. Với đơn vị cấp bằng, Bộ GD&ĐT quy định rất cụ thể phải công khai thông tin luận văn, luận án lên mạng, web trường để xã hội cùng biết và giám sát. "

Việc này nhiều trường làm chưa tốt thời gian qua, hệ luỵ để nhiều kẻ mang bằng giả đi ứng tuyển, làm việc khắp nơi", ông cho hay. Bộ GD&ĐT có đầy đủ danh sách tốt nghiệp, cấp bằng tiến sĩ, thạc sĩ của tất cả các trường đại học, viện, chỉ cần đối chiếu một phút là xong.

Với đơn vị sử dụng bằng quá dễ dàng, chưa xác minh cụ thể thông tin trong công tác tuyển dụng nhân sự vào giảng dạy. Theo ông, sự tắc trách của các trường để lại hậu quả nghiêm trọng, thiệt thòi nhất cho sinh viên. Các em đóng tiền để đi học kiến thức tốt nhất phục vụ nghề nghiệp cho tương lai nhưng lại bị lừa dối, thu nạp nội dung rởm, không đảm bảo chất lượng. 

Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD&ĐT nhận định, quy trình bổ nhiệm, tuyển dụng ông Nguyễn Trường Hải của một số trường có vấn đề ở khâu đầu tiên là thẩm định hồ sơ tuyển dụng. Theo quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định tuyển dụng, đơn vị sử dụng viên chức có trách nhiệm hướng dẫn viên chức kê khai, kiểm tra, xác minh các thông tin do viên chức tự kê khai, đối chiếu với hồ sơ tuyển dụng và Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp. Hồ sơ này là hồ sơ gốc của viên chức.

“Theo lẽ thường, đơn vị tuyển dụng phải có văn bản gửi về đơn vị đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ để xác minh khi thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm. Đơn vị đào tạo có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đến đơn vị tuyển dụng, bổ nhiệm.

Hiện nay, việc quản lý hồ sơ lý lịch, văn bằng chứng chỉ bằng phần mềm nên việc xác minh càng dễ dàng hơn”, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ khẳng định.

193632-2-07415707
Chuyên gia đề nghị tổng rà soát bằng cấp các viên chức, công chức nhà nước.

Theo luật sư Trần Văn Bách (Hà Nội), trường hợp của ông Nguyễn Trường Hải được xác định sử dụng bằng giả, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, điều 341 Bộ luật Hình sự quy định tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

"Đây là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội. Khi một người không có trình độ chuyên môn, sử dụng bằng giả để đứng lớp dạy học sẽ mang lại cho sinh viên kiến thức rởm. Do vậy cần xử lý nghiêm trường hợp này để làm gương cho người khác" - ông Hậu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó cần thiết tiếp tục mở rộng điều tra, truy tìm kẻ cầm đầu đường dây làm bằng giả. Hiện nay trên mạng việc bán văn bằng, chứng chỉ giả đang hoạt động rất rầm rộ.

Cơ quan công an cũng cần điều tra ông Nguyễn Trường Hải liên quan các vụ tổ chức, mua bán văn bằng hay không. Trường hợp ông này cũng có thể xem xét truy tố thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các trường. Đồng thời phải truy thu lại toàn bộ số tiền lương, thù lao ông này nhận được trong quá trình giảng dạy, làm việc tại các trường do dùng thủ đoạn sử dụng văn bằng giả để lừa đảo.

GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, theo quy định, việc xác minh văn bằng, chứng chỉ là trách nhiệm của cơ quan cấp bằng và cơ quan sử dụng bằng, Bộ GD&ĐT không thực hiện việc này.

Các cơ sở giáo dục cần công khai tất cả văn bằng, chứng chỉ đã cấp theo quy định để thuận lợi cho các bên liên quan tra cứu, xã hội giám sát. Điều này được Bộ GD&ĐT quy định trong thông tư về quản lý văn bằng chứng chỉ.

"Thời gian tới Cục Quản lý Chất lượng sẽ tham mưu kiểm tra, giám sát nghiêm công tác cấp phát văn bằng chứng chỉ của các cơ sở giáo dục", ông Chương cho hay.

Ngày đăng: 13:26 | 28/11/2023

Hà Cường / VTC News