Báo cáo “Tiền lương và năng suất ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố gần đây đã nhận được những ý kiến trái chiều bởi chính vấn đề được đặt ra. Một bên cho rằng không thể (hoặc chưa cần) tăng lương tối thiểu khi mà năng suất lao động vẫn quá thấp. Bên kia lại cho rằng tăng lương tối thiểu không phụ thuộc vào năng suất, vì đủ sống thì mới có năng suất. Câu chuyện không mới nhưng vẫn là vấn đề cần thiết phải được đặt ra.
Không thể có nền hành chính lành mạnh khi lương công chức không đủ sống |
Đừng “ngồi bàn giấy” phán xét về mồ hôi công sức người lao động |
Công nhân khu công nghiệp chờ rút tiền lương ở cây ATM. |
Những người chủ trương phải tăng năng suất lao động mới tăng lương tối thiểu có những lý lẽ của riêng mình. Theo Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Fujita Yasuo, tăng lương nhưng năng suất lao động không tăng tương ứng sẽ làm tăng chi phí của các doanh nghiệp, đồng thời giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Không phủ nhận việc tăng lương tối thiể nhưng theo vị chuyên gia này thì việc điều chỉnh mức lương tối thiểu phải phù hợp với tăng trưởng năng suất lao động. Đưa ra giải pháp, ông Fujita Yasuo cho rằng, thay vì tính lương tối thiểu theo tháng, Việt Nam nên dần chuyển sang hệ thống tính theo giờ. Điều này đảm bảo rằng những người làm việc theo giờ hoặc theo ngày công có thể hưởng đầy đủ các quyền lợi của họ, đồng thời cho phép các nhà tuyển dụng linh hoạt hơn trong việc sử dụng lao động.
Ở cách tiếp cận tương tự, ông Nguyễn Đức Thành- viện trưởng VEPR cho rằng việc tăng lương tối thiểu không đúng với tăng năng suất lao động không chỉ kìm hãm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới người lao động. Ông Thành dẫn chứng, giai đoạn 2004-2015, mức tăng năng suất lao động của Việt Nam trung bình đạt 4,4%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương (5,8%) vượt tốc độ tăng năng suất lao động. “Mức chênh lệch giữa tăng trưởng năng suất lao động với lương tối thiểu và lương trung bình, nếu kéo dài, sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, đặc biệt là cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế”- theo ông Thành.
Không ít chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo việc tăng lương tối thiểu không hợp lý sẽ dẫn tới chỗ “buộc” doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Điều này đã diễn ra trong thực tế khi mà giới chủ siết lại chi phí thì gần như việc đầu tiên họ làm là sa thải lao động. Như vậy, số người làm ít đi, tiền chi phí giảm xuống và những người còn lại buộc phải làm việc nhiều hơn nếu không muốn mất việc. Lập luận mang tính cơ bản của việc không muốn (hoặc trì hoãn) tăng lương tối thiểu cho rằng, lương là một công cụ để hỗ trợ người lao động, nhưng bản chất vấn đề nằm ở năng suất lao động, có nghĩa là nó chỉ tăng lên khi năng suất lao động tăng lên một cách tỉ lệ thuận.
Những ý kiến nêu trên được cho là “lạnh lùng” đối với người lao động.
Ở chiều ngược lại, ý kiến của người lao động cũng như tổ chức bảo vệ quyền lợi cho họ là Tổng liên đoàn lao động thì cho rằng phải tăng lương tối thiểu để bảo đảm cuộc sống của người lao động, thì mới có thể tăng năng suất lao động bền vững. Theo ông Mai Đức Chính- Phó Tổng LĐLĐVN, nguồn nhân lực yếu vì “thiếu chất” thì khó tăng được năng suất. Ông Chính cho rằng, đang có sự nhầm lẫn hai khái niệm lương tối thiểu với tốc độ tăng lương tối thiểu. Tiền lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được mức sống của người lao động. Khảo sát của Tổng LĐLĐVN cho thấy, chỉ có 51,3% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; 20,6% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% người lao động là có thể có tích lũy từ thu nhập. Ông Chính cũng chỉ ra rằng, hiện các doanh nghiệp đang duy trì 2 bảng lương: một bảng lương tối thiểu để đóng bảo hiểm xã hội; hai là bảng lương gồm tổng thu nhập. Họ làm như vậy để trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, và cũng chính vì thế nên giới chủ sợ tăng lương tối thiểu (vì phải đóng tiền nhiều hơn).
Ở đây, câu chuyện “con gà có trước hay quả trứng có trước” là rất rõ ràng. Hai yếu tố lương và năng suất liên quan chặt chẽ với nhau và bên nào cũng có cái lý của mình, trên cơ sở một bên muốn chi phí ít hơn (giới chủ) còn một bên muốn được trả công cao hơn (người lao động). Giới chủ đòi hỏi người lao động phải tăng năng suất. Người lao động đòi hỏi giới chủ trả công cao hơn. Vậy, bên nào sẽ đi bước trước?
Câu trả lời không hề đơn giản. Giới chủ bảo vệ quyền lợi của họ cũng là lẽ đương nhiên còn người lao động đòi hỏi thu nhập cũng là việc tất nhiên. Tìm được tiếng nói chung, đi tới sự thỏa thuận là điều rất cần thiết. Nhiều cuộc đình công tự phát thời gian qua ở nhiều xí nghiệp, nhà máy cho thấy vấn đề cần phải được giải quyết triệt để, trên cơ sở một hành lang pháp lý rõ ràng và đủ mạnh. Đáng tiếc là trong những tranh chấp chủ-thợ ấy, người ta nhận thấy vai trò của công đoàn- đại diện cho người lao động rất mờ nhạt, trong nhiều trường hợp công đoàn lại đứng về phía giới chủ chứ không bảo vệ người lao động.
Giới chủ không muốn tăng lương và nếu buộc phải tăng lương thì sẽ sa thải người. Lý do đưa ra không khác gì sự đe dọa khiến người ta sợ hãi. “Điệp khúc” ấy được nhắc đi nhắc lại không chỉ trước mỗi thời hạn tăng lương tối thiểu, mà nó lơ lửng hàng ngày trên đầu người lao động. Nhưng, ở góc nhìn khác, thì người lao động cũng không thể cứ mãi tận dụng “vũ khí cuối cùng” của họ là sự đình công để ép giới chủ. Những cuộc đình công tự phát thời gian qua cho thấy đều vi phạm pháp luật, gây nên sự căng thẳng xã hội. Đã đến lúc cùng với việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình thì người lao động cũng cần phải được giải thích, phân tích rõ ràng hơn về trách nhiệm. Không ít người lao động ở các khu công nghiệp tay nghề thấp, kĩ năng làm việc yếu kém, trách nhiệm với công việc không cao- dẫn đến năng suất lao động thấp, làm thiệt hại cho giới chủ và cũng thiệt hại cho chính họ.
Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện theo hướng tăng đều qua các năm. Chẳng hạn giai đoạn năm 2011-2016 lần lượt là 55,2 triệu đồng/người vào 2011; 63,1 triệu đồng/người vào 2012; 68,7 triệu đồng/người vào 2013; 74,7 triệu đồng/người vào 2014; 79,4 triệu đồng/người vào 2015; và 84,5 triệu đồng/người vào 2016. Tuy nhiên, đây mới là điều đáng nói, năng suất lao động bình quân của người Việt Nam vẫn đang ở mức rất thấp so với một số nước ngay trong khu vực. Vẫn theo Tổng cục Thống kê, năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam đạt 3.660 USD, chỉ bằng 4,4% của Singapore. Có nghĩa là mỗi người Singapore làm việc có năng suất bằng 23 người Việt Nam cộng lại. Năng suất lao động của người Việt Nam cũng chỉ bằng 17,4% của người Malaysia, 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Philippines và 48,8% của Indonesia.
Vì thế mới nói, việc tăng lương tối thiểu và tăng năng suất vẫn đang cần một lời giải thỏa đáng.
http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/tien-luong-va-nang-suat-379754
Ngày đăng: 15:00 | 16/09/2017
/ Nam Việt/ Báo Đại đoàn kết