Các dự án ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm như 4 tuyến đường chính, cầu Thủ Thiêm 2, hạ tầng khu dân cư phía Bắc… đang vướng mặt bằng, phải dừng thi công.

4 tuyến đường chính khởi công năm 2013, thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng mức đầu tư 8.265 tỷ đồng. Dự án với 4 trục đường chính được xem như "xương sống" của Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) gồm: đại lộ vòng cung (6 làn xe), đường ven hồ trung tâm (4 làn xe), đường ven sông Sài Gòn (nhìn sang quận 1 gồm 2 làn xe), đường trên cao qua Khu lâm viên sinh thái phía Nam.

0825 30
Đại lộ vòng cung bao quanh khu đô thị nhìn từ trên cao vào tháng 11/2018. Ảnh: Hữu Khoa.

Theo báo cáo Ban quản lý Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm mới đây về các dự án ở khu đô thị, dự án này gần như dừng thi công kể từ tháng 10/2017 do vướng mặt bằng, thu hồi đất tại 12 vị trí. Đến nay, tổng khối lượng thực hiện đạt 85%. Cơ quan này đang phối hợp với các sở ngành thẩm định trình chính quyền thành phố phê duyệt điều chỉnh dự án (thời gian và các nội dung đã được Kiểm toán Nhà nước kết luận) theo chỉ đạo của UBND TP HCM.

Theo Kiểm toán Nhà nước, tổng mức đầu tư được phê duyệt dự án 4 tuyến đường chính ở Thủ Thiêm là 12.182 tỷ đồng. Tuy nhiên do cơ chế "thanh toán đồng thời" nên không tính chi phí lãi vay và trượt giá trong hợp đồng BT. Do đó, tổng vốn đầu tư được xác định hơn 8.265 tỷ đồng để cân đối thanh toán, trong đó chi phí xây dựng 6.500 tỷ đồng.

Cầu Thủ Thiêm 2 khởi công năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 3 năm. Dự án có vốn đầu tư 4.260 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Công trình dài hơn 1,4 km (phần cầu dài 886 m với 6 làn xe), thiết kế dây văng với trụ tháp chính hình rồng cao 113 m, nghiêng về phía Thủ Thiêm, quận 2.

Ban quản lý Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết đến nay khối lượng chỉ đạt48% do vướng mặt bằng ở quận 1 với diện tích khoảng 13.000 m2. Trong đó phần đất bị vướng nhiều nhất do Tổng công ty Ba Son quản lý.

0829 31
Thi công cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn phía quận 2 vào tháng 7/2020. Ảnh: Hữu Khoa.

Sở Giao thông Vận tải thành phố đang phối hợp các đơn vị liên quan đàm phán với nhà đầu tư, trình UBND TP HCM ký phụ lục gia hạn hợp đồng BT đối với dự án này, dự kiến đến tháng 9/2021.

Hồi cuối tháng 8, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm hơn 33,4 tỷ đồng tại dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2. Theo đó, giảm thanh toán chi phí các gói thầu hơn 3,8 tỷ đồng, giảm giá trị còn lại của các gói thầu hơn 4 tỷ đồng, nhà đầu tư điều chỉnh giảm giá trị dự toán các gói thầu hơn 25,6 tỷ đồng.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị giảm hơn 252 tỷ đồng tổng mức đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 2, trong đó có chi phí dự phòng chênh lệch mức lương tối thiểu hơn 249 tỷ đồng. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho biết dự án không sử dụng các khoản chi phí dự phòng này nên được giảm trừ khi quyết toán.

Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam tổng mức đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng nhằm xây dựng 1,1 km đường trục Bắc - Nam (từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ); hơn 8 km đường nội bộ trong Khu chức năng số 3 và 4 cùng hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh...

Ban quản lý Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết, đến nay tổng khối lượng đã thi công đạt 69%. Công trình gần như dừng thi công từ tháng 7/2017 do còn 17 vị trí chưa thu hồi mặt bằng nên không thể tiếp tục thi công.

UBND thành phố đã chỉ đạo UBND quận 2 sớm hoàn tất giải phóng mặt bằng, bàn giao cho nhà đầu tư thi công và sớm đưa công trình vào khai thác. Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng bổ sung công trình nạo vét rạch, đào hồ trung tâm, các kênh mới và 4 cầu nối các khu chức năng trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào dự án này.

Đầu tư hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc Khu chức năng số 1 có diện tích hơn 77.600 m2, diện tích sàn xây dựng 632.500 m2, hiện đã bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong đó, 6 lô quy hoạch làm khu dân cư, 3 lô làm khu thương mại.

Tổng mức đầu tư toàn dự án (chi phí xây dựng, giao thông kết nối, tiền sử dụng đất...) tạm tính khoảng 27.303 tỷ đồng. Thành phố ứng từ ngân sách 603 tỷ đồng làm hạ tầng kỹ thuật cho 9 lô đất, nhằm nâng cao giá trị sử dụng khi đấu giá quyền sử dụng đất.

Dự án được khởi công vào tháng 3 năm nay, dự kiến hoàn thành trong quý 2/2021. Đối với các hạng mục còn vướng bồi thường thu hồi đất (trên tuyến đường N10), ban quản lý đang phối hợp với UBND quận 2 và sở ngành liên quan tham mưu UBND thành phố cưỡng chế để giao cho nhà đầu tư.

Cầu Thủ Thiêm 4 và cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn đã được các đơn vị liên quan tuyển chọn thiết kế kiến trúc. Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang hoàn chỉnh phương án thiết kế để báo cáo Thường trực UBND thành phố, trình Ban thường vụ Thành uỷ thông qua, làm cơ sở lập báo cáo tiền khả thi, lựa chọn nhà đầu tư.

0833 32
Phối cảnh cầu Thủ Thiêm 4. Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc.

Trong đó cầu Thủ Thiêm 4 (dài gần 2,2 km, rộng 28 m) nối quận 2 và 7 được thiết kế dựa trên ý tưởng 'Tre Việt Nam' có mức đầu tư khoảng 5.200 tỷ đồng, được kỳ vọng giúp giảm ùn tắc giao thông ở khu Nam và thúc đẩy phát triển nhanh Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Còn cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn có thiết kế kiến trúc hình lá dừa nước - biểu tượng của miền Nam. Công trình nằm giữa cầu Thủ Thiêm 2 và hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm). Chân cầu phía quận 1 ở khu vực Công viên cảng Bạch Đằng và gần phố đi bộ Nguyễn Huệ. Phía quận 2, chân cầu nằm tại công viên bờ sông và ngoài ranh khu A - phía Nam Quảng trường trung tâm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông có tổng diện tích khu vực quy hoạch gần 30 ha, trong đó quảng trường trung tâm rộng hơn 20 ha, còn lại là diện tích công viên bờ sông. Dự án sau khi hoàn thành có sức chứa 430.000 người. Tổng mức đầu tư theo nghiên cứu đề xuất của tư vấn Deso Defrain Souquet Associates (Pháp) gần 2.000 tỷ đồng.

0837 33
Phối cảnh thiết kế quảng trường trung tâm Thủ Thiêm. Ảnh: Deso Defrain Souquet Associates.

Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư thành phố và các sở ngành liên quan tham mưu, đề xuất UBND TP HCM phương thức đầu tư dự án phù hợp với quy định (đầu tư công; đầu tư theo hình thức đối tác công - tư quy định tại luật PPP) và theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm được triển khai quy hoạch từ năm 1996, rộng 930 ha nằm bên bờ Đông sông Sài Gòn, cách trung tâm quận 1 chừng 300 m đường chim bay. Đây là khu đô thị hiện đại và mở rộng của TP HCM, được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á.

Quá trình thực hiện, dự án vấp phải sự phản đối của người dân ở đây vì cho rằng dự án có nhiều sai phạm. Thanh tra Chính phủ hai lần công bố hàng loạt sai phạm liên quan dự án như: thu hồi 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch; giao đất được quy hoạch tái định cư cho 51 doanh nghiệp làm dự án...

Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng ban quản lý Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết, tính đến tháng 11 năm nay toàn dự án thu hồi được 14.728/14.357 hồ sơ với diện tích 713 ha/719 ha. Còn 78 hồ sơ chưa thu hồi mặt bằng với diện tích hơn 6 ha.

Đấu giá 61 lô đất liên quan đến sai phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm để lấy tiền đầu tư, trả nợ Đấu giá 61 lô đất liên quan đến sai phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm để lấy tiền đầu tư, trả nợ

UBND TP.HCM sẽ thu hồi 61 lô đất liên quan đến sai phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm để tiến hành đấu giá, ...

Khoản thu đấu giá các khu đất ở Thủ Thiêm sẽ dùng làm gì? Khoản thu đấu giá các khu đất ở Thủ Thiêm sẽ dùng làm gì?

TPHCM đang xin ý kiến Thủ tướng về việc sử dụng quỹ tiền khai thác từ Thủ Thiêm để hoàn trả nợ vay, chi đầu ...

Thu hồi 1.800 tỷ đồng từ 4 tuyến đường trong Khu Đô thị mới Thủ Thiêm Thu hồi 1.800 tỷ đồng từ 4 tuyến đường trong Khu Đô thị mới Thủ Thiêm

UBND TP HCM thu hồi ngân sách 1.800 tỷ đồng dự kiến thanh toán cho các dự án BT bổ sung của Công ty CP ...

Ngày đăng: 20:13 | 21/11/2020

/ vnexpress.net