Nhiều băn khoăn được đặt ra xung quanh việc hóa đơn tiền điện tăng cao tại tọa đàm “Làm rõ cách tính hóa đơn tiền điện” do báo Vietnamnet tổ chức chiều 8/3.
Tiêu dùng điện kéo dài 38-57 ngày
Trước xôn xao của dư luận về hóa đơn tiền điện tháng 2 tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với kỳ hóa đơn trước đó, tại tọa đàm, bà Tô Lan Phương, Trưởng ban Kinh doanh Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) cho biết, do tháng 2 thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ về cuối tháng. Do đó, ngày chốt chỉ số công tơ của kỳ hóa đơn tiền điện tháng 2 kéo dài từ 38-57, thay vì chỉ 30, 31 ngày như trước đây.
Người dân bất ngờ khi hóa đơn tiền điện tháng 2 tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3, 4 lần.
Tuy nhiên, sự thay đổi này được bà Phương liên tục khẳng định không làm tăng tiền điện theo lũy tiến bậc thang. Bà giải thích, EVNHANOI tuân thủ đúng quy định tại khoản 5 điều 1 Thông tư 09 năm 2023 của Bộ Công thương, trong đó, quy định “mức sử dụng điện của từng bậc được điều chỉnh theo số ngày thực tế của kỳ ghi chỉ số công tơ đó”.
Ví dụ, một hộ gia đình ghi chỉ số công tơ ngày 03 hàng tháng, thì kỳ hóa đơn tháng 2 sẽ kéo dài lên 57 ngày (từ ngày 4/1-29/2). Lúc này, sản lượng bậc thang thứ 1 là 50/31x57= 92 kWh (tương tự với sản lượng bậc thứ 2); sản lượng bậc thang thứ 3 là 100/31x57=184 kWh (tương tự với sản lượng bậc thứ 4 và sản lượng bậc thứ 5)… thay vì mức cũ tương ứng cho các bậc 1, bậc 3 là 50kWh và 100kWh.
EVNHANOI dẫn chứng thay đổi ở kỳ hóa đơn tháng 2.
“Thời gian tăng lên chính là nguyên nhân khiến tiền điện cao hơn”, bà Phương nói.
Về băn khoăn “vì sao không tách thành 2 hóa đơn, mà lại gộp làm 1, khiến khách hàng khó theo dõi?”, bà Phương dẫn quy định của Nghị định 137 năm 2013 có nêu rõ: Chỉ ghi chỉ số một lần đối với khách hàng sinh hoạt trong một tháng, do đó không thể tách thành 2 hóa đơn để phát hành và thu tiền.
Khiếu nại cách nào?
Là một chuyên gia năng lượng theo dõi sát diễn biến trong lần ghi hóa đơn này, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh cho biết, cũng vấp phải những băn khoăn nhất định khi nhận được hóa đơn tiền điện của gia đình tăng cao. Ông nhận định câu chuyện của chúng ta ở đây liên quan tới vấn đề truyền thông.
“Nghĩa là các thông tin chúng ta đưa ra chưa đúng lúc, chưa mang tính chất chủ động, đi trước”, ông Sơn nói và dẫn chứng các vấn đề truyền thông đã được nói rất nhiều lần, ngay từ khi tăng giá điện trước Tết.
Để xử lý những thắc mắc từ phía khách hàng, ông Sơn cho rằng, khi khách hàng nêu vấn đề thắc mắc thì tổng công ty điện lực phải rà soát, kiểm tra lại, và đưa ra những bằng chứng. Nếu chưa thỏa đáng có thể đưa ra các cấp độ khác.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc “khách hàng không đồng ý với kết quả rà soát và có ý khởi kiện, quan điểm của EVNHANOI ra sao?”, đại diện đơn vị này cho hay, sau khi có khiếu nại từ khách hàng thì EVNHANOI sẽ làm theo trình tự, như là sẽ kiểm định công tơ (có thể ở EVNHANOI hoặc mang ra ngoài); khách hàng sẽ cùng EVNHANOI thực hiện các bước kiểm tra xem nguyên nhân thuộc phạm vi nào, từ đó đưa ra phương án giải quyết.
Ngày đăng: 19:56 | 08/03/2024
Hồng Hạnh / Giao thông