Nhà báo Nguyễn Như Phong kể chuyện cũ trong tiếc nuối để nhớ cái thời chùa Hương trầm mặc, linh thiêng, thoát tục. 

1. Quê tôi ở cạnh Chùa Hương, chỉ cách bến Yến có một cây cầu ngang qua sông Đáy.

Tôi được đi chùa từ khi mới lên bảy tuổi. Ngày ấy, bố tôi về quê đi thực tế sáng tác và làm thư ký đội sản xuất. Tôi vẫn nhớ có một năm, các nhà văn Hứa Văn Định, Nguyễn Tuân, Tô Hoài…cùng ông chú ruột tôi là Nguyễn Thế Hội về đi Chùa Hương và bố tôi cho tôi đi theo.

Chuyến đi đấy đến bây giờ vẫn in đậm trong trí nhớ của tôi bởi những con thuyền gỗ chèo khoan thai trên dòng suối Yến. Tiếng Nam mô A di đà Phật làm xao động dòng suối xanh và dường như không chảy.

Đi vào chùa tôi còn nhớ cảnh từ trên cao xuống cả trăm bậc như thế, nhưng ở giữa được giải chiếu hoa và có các nhà sư ngồi tụng Kinh niệm Phật ở hai bên.

Vào chùa lễ Phật xong, các bác Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Hứa Văn Định… mang cơm nắm ra ăn. Rồi đến chiều, khi trở về nhà thì bố tôi làm một mâm thịt chó.

tiec nuoi thoi chua huong tram mac iinh thieng thoat tuc
Khai hội Chùa Hương năm 2018. (Ảnh: Tùng Lâm)

2. Trong những năm chống Mỹ, khi cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của Mỹ mở rộng ra miền Bắc, Hội Nhà văn sơ tán về quê tôi - Thôn Bài Lâm thượng, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa tỉnh Hà Tây cũ.

Nhà tôi trở thành trụ sở tạm thời của văn phòng Hội. Làng quê nhỏ bé bỗng trở nên nổi tiếng bởi có những nhà văn nổi tiếng. Nhưng hiểu sự nổi tiếng của các nhà văn thì chỉ có các thầy cô giáo còn người dân thì chả mấy ai đọc sách để biết.

Các nhà văn Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Vũ Thị Thường, Nguyễn Thị Cẩm Thạnh, Xuân Sanh, rồi Đỗ Quang Tiến, Đoàn Giỏi, Vũ Tú Nam, Võ Huy Tâm… đều có mặt ở làng tôi trong suốt khoảng thời gian từ giữa năm 1965 cho đến năm 1968.

Tôi học cùng một lứa với các anh Đỗ Quang Huyên - con trai thứ tư của nhà văn Đỗ Quang Tiến; Vũ Huy - con trai nhà văn Tú Nam; Võ Thị Tân - con gái nhà văn Võ Huy Tâm; Tăng Hà - con trai cô Từ Thị Thanh Cán…

Anh Đỗ Quang Huyên là người đẹp trai nhất nhà; năm 1972 anh đi bộ đội và hi sinh, phải mãi sau này gia đình mới tìm được mộ của anh ở trong Nam rồi đưa về Hà Nội.

Bọn trẻ chúng tôi năm nào cũng được đi Chùa Hương chí ít là một lần, có năm hai thậm chí ba lần. Đi Chùa Hương ngày ấy đơn giản lắm, bố mẹ cho một nắm cơm, kèm theo một gói muối vừng, cho một đồng đến một đồng rưỡi phòng thân là đủ. Vé đò, vé thắng cảnh ngày đấy chỉ hết khoảng năm hào.

Để bạn đọc có thể hình dung ra giá trị của năm hào ngày ấy thì có thể… quy đổi ra giá phở. Ngày đấy, ở Hà Nội, một bát phở gà tử tế thì chỉ mất có năm hào, thậm chí có khi chỉ ba hào. (Vậy là 5 hào ngày ấy, bằng khoảng…50 ngàn đồng bây giờ).

Đi học, mẹ cho một hào ăn sáng là có thể mua được năm xu xôi lạc và năm xu xôi đậu đen. Chúng tôi rủ nhau đi chùa, và dĩ nhiên chẳng bao giờ có lễ bái, khấn vái gì cả. Ra bến Yến mua vé đò, đi vào chùa chơi chán rồi về.

Chúng tôi cũng rất thích múc nước ở giếng Giải Oan để uống đến kễnh bụng, và tin rằng, đây là nước sạch nhất. Vào đến chùa Hương chơi bời một lát rồi mang cơm nắm ra ăn…

Sáng sớm đi thì có khi đến trưa trở về nhà. Trẻ con bao giờ leo núi cũng giỏi hơn người lớn.

Ngày ấy, không mấy ai gọi là đi “lễ hội Chùa Hương” mà người ta nói là đi “vãng cảnh Chùa Hương”. Có nghĩa là đi thăm thú cảnh đẹp của chùa chiền, của non xanh nước biếc. Còn chuyện lễ bái là phụ, mặc dù người ra người vào khi gặp nhau cũng đều “Nam mô A di đà Phật”… Nhưng Chùa Hương ngày đấy vẫn u tịch, vắng vẻ và thanh tịnh lắm.

Dòng suối Yến chỉ xao động khi vào mùa hội (khai hội Chùa Hương là vào mùng 6 tháng Giêng) bởi tiếng mái chèo khua và tiếng chuông, tiếng mõ vọng ra từ các đền, các chùa.

Ngày ấy hầu như không thấy ai cúng lễ bằng tiền, và cũng không nhìn thấy hòm công đức như bây giờ. Người đi lễ cũng có khi đặt năm xu một hào lên cái đĩa, đặt lên ban thờ, lễ xong rồi để đấy và Thủ từ sẽ thu lại. Hàng quán cũng ít lắm, còn trong chùa Thiên Trù thì cũng chỉ có vài cái lán trọ.

Nói đến chùa Hương mà không nói về mơ và rau sắng thì thật là thiếu sót.

Ở phía Bắc có ba giống mơ là mơ nứa, mơ đào và mơ chấm son. Mơ nứa, ở vùng Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình khá nhiều. Giống mơ này quả to, tròn, nhiều nước mà hơi “mọng”, không có mùi thơm.

Mơ đào thì nom giống quả đào thu nhỏ, có màu vàng pha hồng…Quả chắc, thịt giòn và phảng phất chút hương. Trong khu vực núi của xã Hương Sơn, có khá nhiều mơ đào.

Nhưng riêng mơ chấm son thì chỉ vùng núi Hương Sơn mới có. Mơ này quả nhỏ, bên ngoài phơn phớt vàng pha hồng và điểm những chấm son nhỏ. Giống mơ này có hương thơm rất lạ và tỏa xa. Để quả mơ lên mũi, hít mãi không chán hương thơm quyến rũ mà chỉ giống mơ này mới có.

Ngâm rượu mơ mà kiếm được mơ chấm son thì nhất!

Ngày đấy người ta không nghĩ ra trò mang mơ từ nơi khác về Chùa Hương để bán, chính vì vậy, ở đây chỉ có mơ chấm son và sản lượng cũng không nhiều, bởi lẽ mơ chấm son ưa mọc những chố cheo leo. Sản lượng mơ chấm son chỉ chiếm khoảng một phần tư so với các loại khác. Vì thế người dân thôn Yến Vĩ cũng không bán mơ chấm son theo cân mà họ bán theo chục, theo trăm quả.

Một đặc sản nữa của Chùa Hương đó là rau sắng, thì cũng cực kỳ hiếm. Bởi ngày đấy chỉ có rau sắng rừng và bắt đầu từ trung tuần tháng Hai âm lịch mới có.

Mùa rau sắng cũng chỉ kéo dài khoảng một tháng cho đến Rằm tháng Ba khi mùa trảy hội Chùa Hương chấm dứt thì rau sắng cũng già, ăn chẳng ra gì.

Nấu rau sắng cũng phải biết cách mới ngon được. Rau sắng về tuốt lá, cuộng cho vào cối giã nhỏ và lọc lấy nước, còn lá thì vò ra cho dập, rồi khi nấu thường chỉ là nấu với muối. Nếu cầu kỳ thì “vẩy” tí nước mắm cho dậy mùi.

Nấu rau sắng tuyệt nhiên không nên nấu với các loại xương, thịt hay cua, cá. Tất nhiên, bây giờ người ta “ăn tạp” cho nên rau sắng là nấu với đủ mọi thứ lăng nhăng. Rau sắng nếu nấu đúng, nhai kỹ sẽ thấy vị bùi, ngọt thanh và như có bột ở trong miệng.

Suối Yến ngày đó hẹp lắm, rất nhiều cá và cực kỳ nhiều đỉa. Vào đầu tháng Ba âm lịch, khi bắt đầu có những trận mưa rào thì không biết đỉa ở đâu ra lắm vậy. Sợ nhất là loại đỉa tóc, bé li ti và thò tay xuống suối có thể vốc được.

Còn hình ảnh những con trâu sau khi lội dưới suối khi lên bờ mà có những con đỉa trâu hút no máu to như chuôi liềm bám lủng lẳng thì người yếu bóng vía nhìn thấy có khi bỏ chạy.

tiec nuoi thoi chua huong tram mac iinh thieng thoat tuc
Du khách đánh bài trên đường đi trẩy hội chùa Hương. (Ảnh: Tùng Lâm)

3. Chùa Hương dần dà cũng thay đổi theo sự phát triển xô bồ của xã hội. Và theo nhu cầu tâm linh ngày một nhiều.

Năm 1998 tôi đi chùa và từ đấy tôi không đi nữa, bởi tôi quá sợ cái sự bát nháo ở chùa Hương. Chốn linh thiêng nay trở thành uế tạp bởi đủ các loại hàng quán, đủ các loại âm thanh, cửa hàng, cửa hiệu và đủ các mánh khóe tranh khách, giành khách, lừa đảo, trộm cắp, cướp giật.

Và tôi chỉ quay trở lại chùa vào ngày 25 Tết năm nay. Những tưởng rằng lúc đó chùa vẫn chưa có ai.

Đúng là ở trên bến Yến, hàng trăm con đò sắt xếp hàng chờ đợi. Bây giờ cái giống đò gỗ có hai người chèo đã tuyệt chủng. Mà thay vào đó là những con đò sắt lắp động cơ, rồi cả những chiếc xuồng máy xé nước chạy vun vút.

Đường xá từ bến Yến đi vào đền Trình cũng thay bằng đường nhựa, hai xe tránh nhau thoải mái. Suối Yến rộng và sâu hơn xưa rất nhiều bởi nhiều cuộc nạo vét.

Từ đền Trình rồi đến chùa Thiên Trù, chỗ nào cũng dày đặc hàng quán. Mặc dù ở thời điểm này khách trẩy hội chùa có rất ít, và hàng quán thì cũng đang còn trong thời gian hoàn thiện, nhưng từ dưới bến Yến đi lên chùa Thiên Trù cũng thấy sự hỗn loạn và đặc biệt là sự bát nháo về âm thanh. Chỗ này nghe thấy ông ca sĩ họ Đàm rên rỉ, rồi thêm mấy bước lại thấy bà ca sĩ họ Siu gào rú, rồi chen vào là cải lương, nhạc thị trường sập sình…

Nhà nào cũng cố mở loa cho to, nghe ong hết cả đầu. Hàng quán mọc lên san sát và cũng đủ các món sơn hào hải vị của cả ba miền hội tụ về đây. Cảnh đi chùa, mang theo nắm cơm chắc bây giờ không còn nữa.

Chùa Thiên Trù bây giờ khang trang đẹp hơn ngày xưa rất nhiều, nhưng nhìn hai con sư tử màu vàng nằm phủ phục ở giữa sân chùa là tôi không thể nào chịu nổi. Chẳng hiểu tại sao người ta lại để hai con sư tử, là cái giống mà Việt Nam ta không hề có vào đây?

Đang đứng ngó nghiêng thì có người chạy ra mời đi cáp treo nhưng tôi không đi nữa và quay về.

Quả thật Chùa Hương bây giờ không còn là nơi vãng cảnh mà trở thành nơi “buôn thần, bán thánh”. Mặc dù Đức Phật Như Lai dạy rằng: “Người Phật tử không được coi bói ngày xấu ngày tốt. Không được lễ bái, không được cầu cúng bởi vì Phật không cho ai cái gì cả. Phật chỉ là người vẽ ra con đường để giải thoát khỏi sự khổ đau. Mọi người hãy theo con đường đó mà đi.”

Nhưng hình như bây giờ không ai nghĩ Đức Phật là một nhà giáo. Mà cứ nghĩ ngài như Trưởng ban tổ chức, như Bộ trưởng Tài chính… Nghĩa là họ đến chùa để cầu tài, cầu lộc, cầu xin giàu sang, phú quý.

Càng ngày, tôi thấy người Việt ta càng mê muội, càng lẩm cẩm, tin vào số má, vào các thế lực siêu nhiên từ đâu đâu ấy. Chả biết Thần, Thánh, Phật, Tiên linh thiêng đến mức nào, nhưng tôi biết rất nhiều người vẫn thành tâm cúng lễ, cầu đảo, chịu khó cung tiến công đức… vậy mà vẫn mắc vòng lao lý!

Chùa Hương, chắc chắn sẽ không còn trở thành nơi vãn cảnh nữa. Nghĩ cũng thật tiếc…và nhớ cái thời chùa Hương trầm mặc, linh thiêng, thoát tục.

Bao giờ “cho đến ngày xưa”?

tiec nuoi thoi chua huong tram mac iinh thieng thoat tuc

Ken người đi trẩy hội đầu xuân: Tín ngưỡng hay cuồng tín?

Cả nước hiện có trên 8.000 lễ hội - được xem như “kho báu”, di sản văn hóa cha ông đã để lại cho thế ...

tiec nuoi thoi chua huong tram mac iinh thieng thoat tuc

Thuyền bè dày đặc suối Yến ngày khai hội chùa Hương

Trong ngày khai hội chùa Hương (Hà Nội), mặc dù lượng khách vắng hơn so với cùng ngày này các năm trước, thuyền bè vẫn ...

Ngày đăng: 13:36 | 22/02/2018

Nguyễn Như Phong / Theo VTC News