Cuộc đàm phán về tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine diễn ra ngày 28/2 tại vùng Gomel, gần biên giới Belarus-Ukraine đã kết thúc sau gần 5 giờ đồng hồ. Dư luận quốc tế bày tỏ hoan nghênh và ủng hộ đối với cuộc đàm phán này, coi đó là động thái tích cực của Moscow và Kiev.
Phát biểu sau đàm phán, Trợ lý Tổng thống, cựu Bộ trưởng Văn hoá Vladimir Medinsky, Trưởng phái đoàn Nga cho biết, hai bên đã xem xét toàn bộ chương trình nghị sự một cách chi tiết và đã tìm ra được những điểm để qua đó dự đoán các quan điểm chung. Theo ông Vladimir Medinsky, hai bên đã nhất trí tiếp tục đàm phán.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky, thành viên đoàn đàm phán, cho biết thêm, lập trường của Nga về kết quả đàm phán với phía Ukraine sẽ được ban lãnh đạo nước này thống nhất trong vòng 24 giờ tới. Sau đó, Moscow sẽ liên hệ lại với Ukraine và sẽ xác định chính xác thời điểm cho vòng đàm phán tiếp theo. Ông đánh giá đàm phán rất khó khăn và hai bên đã tìm thấy một số điểm quan trọng để có thể đạt được tiến bộ. Về phần mình, Cố vấn Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Mikhailo Podolyak cho biết, các bên đã xác định được chủ đề ưu tiên để từ đó đề ra các giải pháp cụ thể.
Ông Mikhailo Podolyak cũng xác nhận hai bên sẽ quay trở lại thủ đô của mỗi nước để tham vấn về khả năng tổ chức vòng đàm phán thứ hai. Theo ông, mục đích chính của Ukraine trong cuộc đàm phán lần này là thảo luận về một lệnh ngừng bắn. Hai bên thống nhất tổ chức vòng đàm phán tiếp theo trong vài ngày tới ở biên giới giữa Ba Lan và Belarus.
Dư luận quốc tế đã hoan nghênh và ủng hộ đối với cuộc đàm phán này, coi đó là động thái tích cực của Moscow và Kiev. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã hoan nghênh các cuộc đàm phán hòa bình, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành đàm phán. Từ La Habana, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez Parrillas đã hoan nghênh cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Theo ông, đây là con đường duy nhất dẫn tới giải pháp cho cuộc xung đột tại Đông Âu hiện nay, đồng thời kêu gọi tất cả các bên bảo vệ người dân, tài sản và cơ sở hạ tầng dân sự tại Ukraine.
Trước đó, trong tuyên bố chính thức ngày 26/2, Chính phủ Cuba nhấn mạnh sự cần thiết sử dụng các phương tiện hòa bình và con đường ngoại giao nghiêm túc, mang tính xây dựng và thực tế. Nhiều nhà quan sát cho rằng, cuộc xung đột tại Ukraine có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro đe dọa an ninh châu Âu và toàn cầu. Việc đạt được đối thoại là một bước tiến đáng ghi nhận, song các bên liên quan cần kiềm chế các bước đi làm leo thang tình hình, tiếp tục đối thoại để sớm tìm kiếm giải pháp giải quyết hòa bình cho cuộc xung đột.
Trong một diễn biến liên quan, phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) tại New York (Mỹ) hôm 28/2 (giờ địa phương), Tổng thư ký LHQ António Guterres nhấn mạnh: “Chiến sự ở Ukraine phải dừng lại. Chiến sự đang hoành hành trên khắp đất nước, từ trên không, trên bộ và trên biển. Điều này phải dừng lại ngay lập tức”. “Sự leo thang bạo lực này dẫn đến cái chết của dân thường, bao gồm cả trẻ em, là hoàn toàn không thể chấp nhận được... Những người lính phải trở về doanh trại của họ. Các nhà lãnh đạo phải hướng tới hòa bình. Thường dân phải được bảo vệ”.
Theo Tổng thư ký LHQ, “không bao giờ là quá muộn để tham gia vào các cuộc đàm phán một cách thiện chí và giải quyết mọi vấn đề một cách hòa bình”. Ông hy vọng rằng các cuộc đàm phán trực tiếp hiện đang diễn ra giữa các phái đoàn Ukraine và Nga “sẽ không chỉ dẫn đến việc ngừng giao tranh ngay lập tức mà còn dẫn đến một giải pháp ngoại giao”.
Bên cạnh đó, Tổng thư ký LHQ cũng nhấn mạnh rằng, thế giới đang phải đối mặt với “một cuộc khủng hoảng khu vực lớn với những tác động tai hại có thể xảy ra đối với tất cả chúng ta”, đồng thời lưu ý rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể dẫn đến “cuộc khủng hoảng nhân đạo và tị nạn tồi tệ nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ, với số lượng người tị nạn và người di tản trong nội bộ sẽ nhân lên từng phút”.
Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh rằng LHQ đã làm việc “24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần để đánh giá nhu cầu nhân đạo và mở rộng quy mô cung cấp viện trợ cứu sống”. Tổng thư ký António Guterres cho biết, LHQ sẽ đưa ra hai lời kêu gọi khẩn cấp đối với Ukraine và khu vực: Một là nhằm giải quyết nhu cầu nhân đạo ngày càng tăng bên trong đất nước và một là nhằm giải quyết nhu cầu của những người vượt biên qua các tổ chức quốc tế để tìm kiếm tị nạn ở các nước láng giềng của Ukraine.
Về phần mình, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Abdulla Shahid cũng kêu gọi “một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, để tất cả các bên thực hiện kiềm chế tối đa, và quay trở lại hoàn toàn với ngoại giao và đối thoại”. Ông nhấn mạnh: “Hiến chương Liên hợp quốc, được viết ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, dựa trên nguyên tắc bình đẳng chủ quyền. Nó mô tả một thế giới nơi các quốc gia thành viên giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”. “Bạo lực phải dừng lại” – ông nói thêm. “Luật nhân đạo và luật quốc tế về nhân đạo phải được tôn trọng. Và ngoại giao và đối thoại phải chiếm ưu thế”.
Trong khi đó, Đại sứ Trương Quân, Trưởng phái đoàn thường trực Trung Quốc tại LHQ lưu ý, tình hình ở Ukraine đang thay đổi nhanh chóng. Ưu tiên trước mắt là tất cả các bên liên quan thực hiện các biện pháp kiềm chế cần thiết, ngăn tình hình diễn biến xấu đi trong khi đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao nhằm hướng tới một giải pháp chính trị. Ông khẳng định, Trung Quốc hoan nghênh việc bắt đầu các cuộc đối thoại và đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine, cho rằng Kiev nên đóng vai trò là cầu nối đối thoại giữa phương Đông và phương Tây.
Đại sứ Trương Quân đồng thời nhấn mạnh, mọi hành động của LHQ và các bên liên quan của cộng đồng quốc tế cần ưu tiên hòa bình, sự ổn định của khu vực và an ninh chung cho tất cả mọi người, đồng thời phải giúp giảm leo thang căng thẳng và tạo thuận lợi cho một giải pháp ngoại giao. Ông đồng thời cảnh báo, Chiến tranh Lạnh đã kết thúc từ lâu và sẽ không bên nào có thể hưởng lợi nếu cuộc chiến xảy ra ngoài sự mất mát, nhà ngoại giao kêu gọi cần loại bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh dựa trên sự đối đầu giữa hai cực.
Trung Quốc bày tỏ ủng hộ Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga trong việc nối lại các cuộc đối thoại, giải quyết phù hợp các mối quan ngại an ninh chính đáng của tất cả các bên, cũng như nỗ lực xây dựng một cơ chế an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững để đạt được hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực.
Khổng Hà
Tổng thống Ukraine nêu điều kiện đàm phán vòng 2 với Nga |
Đại sứ Nga tại LHQ nêu lí do dẫn đến chiến dịch ở Ukraine |
Ngày đăng: 08:35 | 02/03/2022
/ cand.com.vn