Thụy Sĩ sẽ không lựa chọn cách tiếp cận giống với Liên minh châu Âu (EU) khi chuyển 1,5 tỉ euro (~1,6 tỉ USD) lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ các nỗ lực tái thiết và phòng thủ của Ukraine, trang swissinfo hôm 27/7 (giờ địa phương) đưa tin.

Thụy Sĩ từ chối chuyển lãi tài sản đóng băng của Nga sang Ukraine -0
Chính quyền Bern đi ngược lại với cách tiếp cận của EU trong vấn đề sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga. Ảnh: Getty

Một tuyên bố của Ban Thư ký Nhà nước Thụy Sĩ về kinh tế (SECO) đưa ra hôm 27/7 cho biết, theo luật pháp nước nhà và các nghĩa vụ quốc tế, chính quyền Bern không được phép sử dụng bất kỳ khoản thu nhập đặc biệt nào từ quỹ của Ngân hàng Trung ương Nga.

Tính đến tháng 4/2024, số tài sản trị giá khoảng 7,9 tỉ USD của Ngân hàng Trung ương Nga vẫn bị đóng băng ở Thụy Sĩ. Khoản tiền này được giữ tách biệt với tài sản thuộc sở hữu của các cá nhân hoặc công ty có liên quan đến Nga. Theo SECO, nghĩa vụ báo cáo các khoản dự trữ và tài sản của Nga định kỳ hàng quý vẫn được giữ nguyên.

Tuyên bố nêu trên của Thụy Sĩ đi ngược lại với cách tiếp cận của EU. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 26/7 thông báo đã bắt đầu quy trình chuyển 1,6 tỉ USD lợi nhuận thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga cho Ukraine để tái thiết và phòng thủ. Bà Ursula von der Leyen khẳng định khoản tiền này sẽ góp phần đảm bảo an toàn hơn cho Ukraine và toàn bộ châu Âu.

Đáp lại, Người Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ, Moscow sẽ cân nhắc kỹ cách phản ứng với động thái của EU. Trước đó, Nga từng tuyên bố việc chuyển lợi nhuận từ tài sản của Moscow sang các mục đích khác là vi phạm tất cả các quy tắc và chuẩn mực của hệ thống kinh tế và tài chính quốc tế. Việc này sẽ kéo theo những vấn đề pháp lý nghiêm trọng đối với những người đưa ra quyết định và những người lợi dụng quyết định này.

Cho đến nay, Mỹ và các đồng minh đã đóng băng khoảng 300 tỉ USD tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga như một phần của các lệnh trừng phạt khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Được biết, EU sẽ sử dụng 90% phần lợi nhuận thu được để hỗ trợ quân sự cho Kiev, phần còn lại được chuyển vào quỹ Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF) để bù đắp chi phí cho các nước thành viên cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Ngày đăng: 15:49 | 28/07/2024

Kim Ngọc / VTC News