Chiều 9/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 3).

Điều khiến các Ủy viên UBTVQH lo lắng là tình trạng không giao được vốn đầu tư để giải ngân và đề nghị Chính phủ cần nghiêm túc báo cáo vấn đề này.

Còn hơn 355 nghìn tỷ đồng chưa được phân bổ

Về tình hình phân bổ, giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, số vốn Chính phủ phải báo cáo UBTVQH cho ý kiến trước khi giao Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn là 455.909,989 tỷ đồng. Tại Tờ trình 256 và Tờ trình 17, Chính phủ trình UBTVQH cho ý kiến trước khi giao KHĐTCTH đợt 3 là 100.426,504 tỷ đồng. Như vậy, số vốn còn lại Chính phủ chưa trình UBTVQH cho ý kiến (sau đợt 3 này) là 355.483,485 tỷ đồng.

Đi vào một số nội dung cụ thể về giao KHĐTCTH nguồn ngân sách trung ương trong nước (96.321,830 tỷ đồng), trong đó giao kế hoạch vốn cho 109 dự án với tổng số vốn là 94.976,020 tỷ đồng theo Báo cáo số 243/BC-CP ngày 16/7/2021 của Chính phủ báo cáo Quốc hội nay đã đủ thủ tục đầu tư, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, Chính phủ trình UBTVQH phương án phân bổ cụ thể là đúng quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 29/2021/QH15.

5442_6fc92f6aeb292e777738
Quang cảnh phiên họp

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về số giao chi tiết cho 3 dự án quan trọng quốc gia (78.307.587 tỷ đồng), trong đó: (1) Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là 46.911,587 tỷ đồng, cộng cả số đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư của dự án 257 tỷ đồng là 47.168,587 tỷ đồng; (2) Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội là 14.250 tỷ đồng; (3) Dự án đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh là 17.146 tỷ đồng. Số chi tiết giao cho các dự án và việc điều chỉnh từ KHĐTCTH của Bộ Giao thông vận tải cho các địa phương là phù hợp với các Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư của các dự án.

Qua rà soát danh mục các dự án theo Tờ trình của Chính phủ, trong số 109 dự án, có 57 dự án điều chỉnh lại tên, 10 dự án có số vốn dự kiến bố trí thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội; Một số dự án có thời gian hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 nhưng phần vốn ngân sách trung ương bố trí không đủ theo mức vốn được phê duyệt, đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ nội dung này.

Về giao Kế hoạch vốn 1.345,810 tỷ đồng cho 5 dự án mới chưa báo cáo Quốc hội thay thế cho 8 dự án đã báo cáo Quốc hội. Theo Tờ trình của Chính phủ, có 3 địa phương (thành phố Đà Nẵng, Đồng Tháp, Lạng Sơn) đề nghị thay thế 8 dự án đã có trong danh mục báo cáo Quốc hội tại báo cáo số 243/BC-CP nhưng chưa đủ thủ tục đầu tư (tổng số vốn là 1.595 tỷ đồng) bằng 5 dự án khác chưa báo cáo Quốc hội nhưng đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, có thể triển khai ngay (tổng số vốn là 1.345,810 tỷ đồng); việc điều chỉnh tăng, giảm số vốn bố trí giữa các dự án là trong nội bộ của địa phương, không làm tăng tổng mức vốn đầu tư công đã được Quốc hội quyết định.

Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ về trường hợp điều chỉnh dự án của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Đồng Tháp vì việc thay thế các dự án chưa cấp bách, chưa đủ thủ tục đầu tư bằng các dự án cấp bách, cần ưu tiên hơn và đã đủ thủ tục đầu tư, đưa vào triển khai thực hiện được ngay và không làm thay đổi cơ cấu vốn. Tuy nhiên, đề nghị các địa phương phải cam kết không bố trí cho những dự án đã đề nghị thay thế, rút ra khỏi danh mục.

Đối với việc thay thế dự án của tỉnh Lạng Sơn, thay 5 dự án (gồm 4 dự án giao thông, 1 dự án thủy lợi) bằng 2 dự án mới (1 dự án thuộc lĩnh vực khu công nghiệp và khu kinh tế; 1 dự án thuộc lĩnh vực giao thông). Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc điều chỉnh dự án như Chính phủ trình làm thay đổi cơ cấu vốn giữa các lĩnh vực, như vậy chưa bảo đảm nguyên tắc “không làm thay đổi cơ cấu, tổng mức vốn từng ngành, lĩnh vực trong nội bộ của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết 29”. Vì vậy, đề nghị điều chỉnh lại phương án bố trí vốn.

Một số ý kiến cho rằng, các dự án mới, chưa có trong danh mục Chính phủ báo cáo Quốc hội, cần trình Quốc hội xem xét quyết định. Có ý kiến đề nghị, đối với 8 dự án không hoàn thành thủ tục đầu tư phải thu hồi vốn, không bố trí cho các dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trên mà xem xét bố trí cho các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt nhưng còn thiếu vốn.

Có ý kiến đề nghị Chính phủ giải trình về trường hợp cắt giảm vốn bố trí cho khu công nghiệp sang cụm công nghiệp Quảng Khánh (giai đoạn 2), số vốn 400 tỷ đồng (Chi tiết theo phụ lục II-B, đối với tỉnh Đồng Tháp). Mức vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các cụm công nghiệp trước đây rất nhỏ, do vậy, đề nghị không hỗ trợ lớn như mức Chính phủ đề xuất tại Tờ trình này…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về nguyên tắc bố trí kế hoạch đầu tư công cho danh mục các dự án, các quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 97 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết 29 của Quốc hội về KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025, việc đảm bảo để điều hòa được nguồn vốn giữa KHĐTCTH và nguồn vốn hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 Quốc hội là vấn đề hết sức quan trọng nhưng đến nay vẫn chưa thể hiện được. Hiện nay Thường vụ Quốc hội chưa nhận được tờ trình danh mục dự án sử dụng muốn đầu tư công của Chương trình phục hồi kinh tế và phương án điều hòa trong khi chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là kết thúc năm 2022.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Ủy ban Tài chính - Ngân sách phải báo cáo giải trình thêm về nội dung này và phải đưa ra mốc thời gian rõ ràng, để giải quyết dứt khoát vấn đề này chứ không để tình trạng quá chậm như hiện nay.

Thúc đẩy các giải pháp để đẩy nhanh phân bổ vốn

Rất sốt ruột với câu chuyện phân bổ vốn quá chậm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết từ trước tới giờ chúng ta đều nói giải ngân đầu tư công chậm. Việc này cũng trầm kha và diễn ra trong nhiều năm dù Luật Đầu tư công đã nhanh chóng được sửa đổi.

Theo báo cáo này, nếu như giao hết được số tiền Chính phủ đề xuất thì trong tổng đầu tư công sau đợt 3 này còn khoảng 355.000 tỷ đồng. Đây số tiền rất lớn và đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành giải trình thêm vì sao còn số lớn như này, tập trung nhiều ở đâu và bao giờ thì số tiền này được phân bổ, bởi theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đến 31/12 nếu không giải được số này thì phải nhập hết vào dự phòng chung…

Giải trình thêm về tình trạng phân bổ và giải ngân vốn đầu tư chậm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, 7 tháng qua giải ngân đầu tư công đạt 34,47%, thấp hơn khoảng 2% so với cùng kỳ của năm 2021 (hơn 36%). Tuy nhiên đây là vấn đề lớn và khó và 7-8 năm nay cũng ở mức này. Năm 2022 có điều rất đặc biệt hơn so với các năm khác là ngoài những lý do khách quan, chủ quan như mọi năm còn có 3 yếu tố mới.

Thứ nhất, 2022 là năm thứ hai chúng ta thực hiện KHĐTCTH nhưng thực chất gần như là năm đầu vì tháng 7/2021 Quốc hội mới thông qua kế hoạch trung hạn. Từ đầu năm đến nay chủ yếu đang tập trung vào làm thủ tục, nên có chậm hơn.

Thứ hai là giá cả nguyên vật liệu sắt, thép và vật liệu xây dựng hiện nay tăng rất cao, trung bình tăng 20%, trong khi phần lớn các nhà thầu lại ký theo hình thức hợp đồng trọn gói nên các nhà thầu càng làm càng lỗ.

Qua kiểm tra các tỉnh có địa phương giải ngân thấp cho thấy hầu hết nhà thầu đang án binh bất động chờ chính sách của Chính phủ, của Nhà nước nên chậm.

Thứ ba, mặc dù năm 2022 là năm tỷ lệ giải ngân thấp hơn 2% nhưng giá trị tuyệt đối lại rất lớn. Tổng số vốn đầu tư của năm 2022 so với cả năm 2021 tăng gần gấp 2 lần về mặt giá trị tuyệt đối nhưng tâm lý hiện nay của các địa phương rất e ngại trong xử lý các thủ tục liên quan đến đất đai, đến giải phóng mặt bằng, đến thủ tục đầu tư… nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã rất quyết liệt. Thành lập 6 đoàn công tác làm việc với tất cả các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp để nắm tình hình để đôn đốc, thúc đẩy, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kịp thời xử lý ngay những gì có thể xử lý được.

“Sắp tới Chính phủ sẽ ban hành một số nghị quyết để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cũng như đưa ra các giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy nhanh giải ngân trong các tháng cuối năm. Hầu hết các địa phương, bộ, ngành cũng đang cam kết cố gắng giải ngân hết số vốn được giao”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ngày đăng: 07:57 | 10/08/2022

Dương Công Chiến / Thời báo Ngân hàng