Theo Thượng toạ Thích Tiến Đạt, trong Phật pháp không có chuyện bỏ tiền ra để chuộc tội, không thể lẫn lộn về mặt nhân - quả.
Sáng ngày 30/3, tại Hà Nội, Thượng toạ Thích Tiến Đạt - Uỷ viên thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Pháp chế T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện chủ Đại Từ Ân - Trường Trung cấp Phật học Hà Nội đã có buổi thuyết trình về chủ đề “Tín ngưỡng - Đạo Phật: Thế nào là đúng?”.
Theo Thượng toạ Thích Tiến Đạt, Phật giáo xuất phát điểm không phải tôn giáo. Phật giáo là sự nghiệp giáo dục và lấy tiêu chí giáo dục làm căn bản. Nên trong đạo Phật, quan hệ giữa đức giáo chủ với những người tu học không ở khoảng cách tối thượng mà trong khoảng cách thầy trò.
Thượng toạ Thích Tiến Đạt nói, đức Phật không tự nhận mình là đấng quyền năng, thiêng liêng, mà chỉ nhận là người thầy biết đường và chỉ cho chúng sinh đi.
Thượng tọa Thích Tiến Đạt trong buổi trao đổi. Ảnh: TTT
Tại buổi thuyết trình này, tuy từ chối trả lời những câu hỏi trực diện, ví như chuyện "dâng sao giải hạn" hay chuyện thỉnh "oan gia trái chủ" ở chùa Ba Vàng, nhưng Thượng tọa Thích Tiến Đạt liên tục khẳng định rõ ràng: phúc họa của chúng sinh đều do chúng sinh tự tạo và tự chịu trách nhiệm. Phật không tạo phúc họa cho chúng sinh, cũng chẳng thể giải được nghiệp cho chúng sinh.
Ngay cả ông bà tổ tiên của chúng ta thì cũng không thể đỡ được nghiệp cho con cháu mình, không thể cậy nhờ tổ tiên giải nghiệp hay ban phúc, không thể xin tiên tổ phù hộ cho mình được thuận lợi việc này việc kia.
Phó trưởng Ban Pháp chế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong bài nói chuyện của mình cũng chỉ ra một nhận thức sai lầm khác liên quan đến nghiệp và giải nghiệp.
Thượng tọa Thích Tiến Đạt khẳng định đường đi của nghiệp là "cực kỳ tinh vi", không thể dùng lý trí, hiểu biết hạn hẹp của con người mà "phán đoán bừa bãi" được: "Chỉ có trí tuệ của Phật mới thấy rõ con đường của nghiệp, chúng sinh khác không thể rõ được con đường của nghiệp."
Về việc nhiều người ngày nay thường lên chùa cúng dường để mong giải được nghiệp xấu, Thượng tọa Thích Tiến Đạt khẳng định ngay điều này là không thể. Bởi nghiệp do mình tạo ra thì tự mình phải hứng lấy nghiệp và phải tự mình tu tập để giải nghiệp. Mà để thay đổi nghiệp thì phải do chính mình tu tập bằng 6 phương pháp chứ không chỉ nhờ vào mỗi việc cúng dường.
Thượng tọa Thích Tiến Đạt cho rằng: "Đồng tiền bố thí, cúng dường ấy phải là đồng tiền chân chính, đồng tiền đúng là mồ hôi nước mắt của mình đem đi bố thí, cúng dường mới tạo ra phúc. Còn tiền được tạo ra từ tội lỗi, đem cúng thì không bao giờ tạo ra phúc".
Ở một góc nhìn khác, ông cho rằng nhân quả rất rõ ràng, không thể lấy cái này đổi cho cái kia.
"Ví dụ anh tạo nghiệp giết người thì sau này anh phải trả nghiệp đó, còn anh cúng dường tam bảo thì anh sẽ có phúc của cúng dường tam bảo, chứ đừng nghĩ anh mang tiền đến để chuộc tội giết người, cái này không đúng", Thượng tọa nói.
Thùy Dung (Tổng hợp)
Tại sao lại gọi là Đại đức, Thượng tọa và Hòa thượng?
Đại đức, Thượng tọa, Hòa thượng đều là những từ tôn xưng, do người khác nêu lên để tỏ sự kính trọng đối với một ... |
Người tố sư thầy quan hệ với nhiều phụ nữ muốn đối chất
Người phụ nữ ở TP.Huế (Thừa Thiên- Huế) “tố“ sư thầy quan hệ trai gái với nhiều người muốn được đối chất với người bị ... |
Ngày đăng: 20:47 | 31/03/2019
/ http://baodatviet.vn