"Khi đảm nhận vai Bạch Hải Đường tôi phải tìm hiểu nhiều thông tin về nhân vật có một không hai này. Tôi từng đến phòng giam của Bạch Hải Đường và ám ảnh vô cùng" - Thương Tín nói.
Những năm thập niên 1980, bộ phim Săn bắt cướp do đạo diễn Trần Phương thực hiện đã thật sự tạo ấn tượng mạnh với người xem. Hình ảnh khán giả chen nhau mua vé khiến cả đoàn phim cũng như đạo diễn bất ngờ vì không ai nghĩ phim có thể thu hút nhiều khán giả đến như vậy.
Thương Tín ám ảnh khi đến phòng giam Bạch Hải Đường
Trong lần Nam Tiến làm phim SBC (Săn Bắt cướp) năm đó, đạo diễn Trần Phương đã kéo nguyên ê kíp là diễn viên người Bắc vào Sài Gòn như: Lê Khanh, Trọng Trinh, Hương Dung, Hai Nhất… Duy nhất một mình Thương Tín là dân Sài Gòn đảm nhận vai nam chính Bạch Hải Đường - một tên siêu trộm lừng danh vùng Long Xuyên.
Nói về vai diễn này Thương Tín cho biết anh và đạo diễn vốn thân tình nên khi ông vào Nam anh được ưu tiên vào vai chứ không phải vì Thương Tín đang là ngôi sao đình đám.
Thương Tín vén màn bí ẩn về Tướng cướp Bạch Hải Đường |
"Khi đảm nhận nhân vật này, tôi cũng phải tìm hiểu thêm khá nhiều thông tin về nhân vật có một không hai này. Trong quá trình đi tìm tông tích của nhân vật, tôi đến phòng giam của Bạch Hải Đường - nguyên một dãy nhà dành cho những tù nhân xếp vào hàng tử tội.
Nói thật buổi đó khiến tôi ám ảnh vô cùng vì khi vào phòng giam mùi bốc lên không thể tưởng tượng được, âm khí vô cùn sợ. Thấy tôi thốt lên: Chịu không nổi, anh quản giáo đi chung vừa cười vừa giải thích: Bọn em đã quét dọn suốt ba ngày, thậm chí xịt dầu thơm rồi nhưng cái mùi vẫn không thể… đi xa".
Theo Thương Tín, Bạch Hải Đường trên phim là tên cướp không phải vì lòng tham, anh ta cướp không phải lấy cho riêng mình mà do cuộc sống bế tắc nên mới chấp nhận đi vào con đường phạm tội.
"Trong quá trình đi tìm hiểu thêm về nhân vật Bạch Đường, các trinh sát và những người dân sống cùng thời điểm với Hải Đường đã kể với tôi rằng họ ngưỡng mộ anh ta như một người nổi tiếng chứ không coi là một tên cướp nguy hiểm" - diễn viên Thương Tín kể.
Diễn viên Thương Tín trong phim Săn bắt cướp của đạo diễn Trần Phương. |
Mới đây, Đài TH HTV chuyên mục Tạp chí văn nghệ phát sóng chương trình "Vén màn bí ẩn về hành trình phạm tội của tên cướp Bạch Hải Đường". Theo đó, ê-kíp thực hiện trong vòng 2 năm đã mời khá nhiều nhân vật liên quan mật thiết với Bạch Hải Đường lúc đương thời, từ cán bộ quản giáo, trinh sát bắt sống Bạch Hải Đường rồi Tiến sĩ tâm lý học để kể và phân tích xuyên suốt quá trình phạm tội của nhân vật đặc biệt này.
Để làm rõ hơn hành trình đầy bí ẩn của một siêu trộm nhưng vì sao lại được đồn thổi như một giai thoại lừng danh với tên gọi: Tướng cướp Bạch Hải Đường, các nhà làm phim đã lục tung tất cả những tài liệu quý hiếm về nhân vật này. Trong đó những hình ảnh từ bộ phim Săn Bắt Cướp do Thương Tín đóng khán giả phần nào được gợi nhớ lại những pha rượt đuổi, đánh nhau đầy gây cấn giữa Bạch Hải Đường và các chiến sĩ công an.
Cũng trong phim phóng sự này, còn có hình ảnh của Lê Tuấn Anh (vai Bạch Hải Đường) đối đầu cùng cố nghệ sĩ Lê Công Tuấn Anh (vai công an) trong bộ phim Hải Đường Trắng do nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn viết kịch bản. Thời đó, ông Tuấn cũng từng bị kiện ra toà vì nghi ngờ sao chép kịch bản, vụ án kéo dài đến 7 năm sau mới được giải oan. Bấy nhiêu cũng đủ thấy, nhân vật Bạch Hải Đường luôn có sức hút đặc biệt với nhiều người.
Bạch Hải Đường thường lục đồ ăn và để lại dấu vết sau mỗi lần trộm cướp
Mở đầu chương trình "Vén màn bí ẩn về hành trình phạm tội của tên cướp Bạch Hải Đường" cho thấy vùng Long Xuyên, trung tâm chính trị kinh tế văn hoá của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cũng vì là trung tâm, nên nơi đây đã trở thành vùng trọng điểm của các băng đảng giang hồ khét tiếng từ khắp miền Tây tựu về.
Tại đây có chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Truyện 16 tuổi, lúc đó là một thanh niên rất lương thiện, sống có phần lép vế, nhẫn nhục ở một môi trường phức tạp. Anh hành nghề lơ xe và nhận luôn vai trò bốc vác hàng hoá. Những cảnh cướp giật chèn ép, lọc lừa nhau trong cuộc sống đã khiến chàng thanh niên này dần trở thành một con người lọc lõi.
19 tuổi, Truyện cưới vợ, chuyển từ nghề lơ xe sang lái xe lôi kiếm cơm qua ngày. Rồi hai đứa con trai lần lượt ra đời, với nghề xe lôi bèo bọt không lo được cơm áo cho chính gia đình mình. Ai cũng có ước mơ nhưng nỗi nhục nghèo khó đã khiến anh không thể chấp nhận được nữa đành phải chuyển qua con đường trộm cắp.
Diễn viên Lê Tuấn Anh vai Bạch Hải Đường phim "Hải đường trắng". |
Thượng Tá Trần Thanh Tình, nguyên là cán bộ quản giáo trại giam công An Giang, người đã thuyết phục Nguyễn Ngọc Truyện viết 17 trang giấy kể lại toàn bộ quá trình của đời mình trước khi vĩnh biệt cõi đời lúc tròn 33 tuổi kể đời ông chưa gặp tên cướp nào đặc biệt đến thế!
"Khi tôi đề nghị Truyện viết ra bảng tự khai để còn làm lại cuộc đời, anh ta suy nghĩ hồi lầu rồi đồng ý, mỗi ngày chỉ viết khoảng 2 trang giấy và suốt một tháng trời mới xong. Bạch Hải Đường đã thừa nhận đột nhập 40 vụ trộm vào nhà kiên cố được canh phòng rất cẩn mật với một mục tiêu chỉ trộm những nhà giàu, những nhà có người nước ngoài, đặc biệt là người Mỹ. Trong 3 tháng đầu năm 1971, anh ta đã trộm 8 lần, lấy 5 ti vi, 5 máy hát, 4 thùng rượu, 2 thùng thuốc lá. Tháng 4/1971 tần suất ngày càng dày đặc với 7 chiếc xe honda, tháng 5/1971 số chiến lợi phẩm lên đến 20 chiếc Honda".
Sài Gòn thời ấy nổi lên bốn trùm giang hồ nổi tiếng: Nhất Đại, nhì Tỳ, tam Cái, tứ Thế thì ở miền Tây có Bạch Hải Đường. Biệt tài của anh là leo trèo, bẻ khoá và đánh võ rất giỏi. Những vụ trộm liều lĩnh của Truyện đã liên tục làm đau đầu các nhà chức trách ở chế độ cũ, đến nỗi họ gắn luôn cái biệt danh vào tờ lệnh truy nã, và chính điều này đã làm anh ta càng nổi tiếng hơn hơn biệt danh Bạch Hải Đường" - Thượng tá Trần Thanh Tình nói.
Theo lời Tiến sĩ tâm lý học Đoàn Văn Báu - Đại học An ninh Nhân dân: "Bạch Hải Đường vốn cao ngạo nên thường chọn những nhà sĩ quan trộm, thứ nhất có nhiều tài sản, thứ hai dễ tạo tiếng vang lấy số má với giang hồ. Ở thời điểm đó, nếu anh ta bằng lòng với nghề xe lôi đã có một cuộc sống bình dị như những người dân khác. Vậy tại sao anh lại chọn con đường trở thành siêu trộm. Đơn giản anh ta là người có cá tính rất đặc biệt.
Ví dụ một trong những thói quen kỳ dị của Bạch Hải Đường là sau khi đột nhập vào nhà lấy đồ, anh ta sẽ lục đồ ăn uống xong mới chịu ra về. Kiểu cách ăn trộm của anh gan lỳ đến mức trở thành hài hước. Anh ta trộm từ vật nhỏ nhất đến lớn nhất, mỗi lần trộm xong đều để lại dấu vết nên nhà chức trách dễ dàng biết được đó là Bạch Hải Đường...".
Có lẽ chính vì những chi tiết khác người như thế này mà Bạch Hải Đường luôn là đề tài được các nhà văn, nhà làm phim thậm chí là trên sân khấu cải lương đã có khá nhiều vở tuồng kinh điển ăn sâu vào tiềm thức của khán giả.
Lữ Đắc Long
Giải mã bí ẩn những hình xăm trên người tướng cướp Bạch Hải Đường
Cuộc đời, tình trường, nhân khí của tướng cướp Bạch Hải Đường gắn liền với những hình xăm bí ẩn. Trong đó 2 hình xăm ... |
Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường
Từ ngày mai, thứ Tư 16-8, trang tin thoimoi.vn chính thức ra mắt. Chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc truyện dài kỳ "Cuộc ... |
Ngày đăng: 09:38 | 22/09/2018
/ Vietnamnet