Thượng nghị sĩ Ben Sasse cho rằng Mỹ nên đẩy lùi nỗ lực mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách tạo ra một "NATO ở Thái Bình Dương".

Trong bài phát biểu tại thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở California vào tuần trước, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Nebraska Ben Sasse cho rằng Mỹ nên đóng một vai trò quyết định trên trường quốc tế và đảm bảo nước này vẫn là một siêu cường vào năm 2030.

"Hãy xây dựng một NATO cho Thái Bình Dương. Chúng tôi cần các đồng minh để đối phó với Trung Quốc và những đồng minh đó cần sự lãnh đạo của Mỹ", ông Ben Sasse nói.

Thượng nghị sĩ Mỹ đề xuất lập mô hình NATO ở Thái Bình Dương - 1

Nhiều ý kiến về việc tạo ra liên minh quân sự tương tự NATO ở châu Á đã được thảo luận tại Mỹ.

Ông Ben Sasse ca ngợi những thành tựu của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ thời Chiến tranh Lạnh cho đến ngày nay. "NATO ở châu Âu là tổ chức hiệp ước vĩ đại nhất trong lịch sử. Tổ chức này đã lập chiến tuyến chống lại Liên Xô, và giờ đây đang giữ lợi thế trong cuộc đối đầu với Tổng thống Vladimir Putin", ông nói.

Thượng nghị sĩ Ben Sasse nhấn mạnh "khi Chủ tịch Tập Cận Bình muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình, chúng ta cần một liên minh quân sự mới tập trung, vươn xa ra Thái Bình Dương".

Ông Ben Sasse cũng đề xuất mở rộng ngân sách quốc phòng Mỹ lên 1.000 tỷ USD cho năm tài khoán 2023, tăng từ mức 773 tỷ USD như hiện nay. Ông cũng bày tỏ ủng hộ việc đảm bảo an ninh của Mỹ đối với Đài Loan một cách rõ ràng. 

Theo vị này, quan hệ đối tác quân sự cũng cần phải được kết hợp với quan hệ kinh tế. "NATO ở Thái Bình Dương cũng nên là một khu vực thương mại tự do. Thương mại phải hướng đến việc đôi bên cùng có lợi", ông nói.

Khi sức ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn, nhiều cuộc thảo luận ở Washington về sự cần thiết của một thỏa thuận an ninh tập thể tương tự cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng đã được tổ chức.

Đề cập đến việc Mỹ có cần thiết lập NATO châu Á hay không, có nhiều ý kiến trái nhiều. Trong đó, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Mikie Sherrill bày tỏ ủng hộ, nói rằng đó sẽ là cơ hội tiếp cận, tăng cường tương tác với các đồng minh.

Một số nhà phân tích lưu ý đến khó khăn của việc hình thành một liên minh như vậy ở châu Á, thay vào đó kêu gọi thúc đẩy quan hệ đối tác ở mức hạn chế hơn. Koichi Isobe, cựu chỉ huy nghỉ hưu của Lực lượng Phòng vệ trên bộ Nhật Bản, cho rằng NATO hiện nay được lập nên với các nước thành viên có nền tảng dân chủ và tiêu chuẩn kinh tế tương tự nhau, trong khi các nước châu Á đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau.

https://vtc.vn/thuong-nghi-si-my-de-xuat-lap-mo-hinh-nato-o-thai-binh-duong-ar681201.html

Ngày đăng: 14:10 | 08/06/2022

KÔNG ANH / VTC News