Những tuyên bố của ông Trump trong thượng đỉnh Helsinki rõ ràng chỉ ra rằng Tổng thống Putin vẫn là người chi phối tất cả trong cuộc xung đột Syria và Mỹ sẽ chấp nhận ngồi "ghế sau".
Mỹ coi Nga vẫn là "người chơi" chi phối ở Syria và sẽ không thách thức điều đó trong thời điểm này.
Cuộc gặp thay đổi cục diện Syria?
Cuộc họp ngày 16/7 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và đối tác Nga Vladimir Putin ở Helsinki là một bước đi làm tan băng quan hệ hai nước và giải quyết một số vấn đề quan tâm chung giữa đôi bên.
Còn đối với các nhà quan sát Syria, hội nghị thượng đỉnh là một cơ hội quan trọng để Nga và Mỹ thúc đẩy một thỏa thuận chấm dứt xung đột kéo dài 7 năm qua.
Tại cuộc họp báo chung sau hội nghị thượng đỉnh, Syria gần như không được đề cập, nhưng điều này không có nghĩa rằng hai nhà lãnh đạo không hề thảo luận chủ đề đó trong cuộc họp trực tiếp.
Các tuyên bố ngắn gọn về Syria tại Helsinki đã đưa ra một số gợi ý về lập trường hiện tại của ông Trump và những mục tiêu mà ông Putin đang theo đuổi.
Tổng thống Nga đã sử dụng cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Helsinki như một cơ hội để thúc đẩy chủ đề yêu thích của ông về nhu cầu "bình thường hóa" những bất ổn ở Syria.
Ông nhấn mạnh những người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Lebanon nên được khuyến khích trở về nhà, điều mà ông cho rằng cũng vì lợi ích của châu Âu.
Ông cũng đề xuất sử dụng máy bay Nga để cung cấp viện trợ nhân đạo quốc tế cho những đối tượng cần thiết ở Syria. Quan trọng nhất, ông bày tỏ niềm tin rằng cuộc chiến đã kết thúc, một sự khẳng định mà ông Trump không phản đối.
Trong phát biểu của mình, tổng thống Mỹ thậm chí còn ca ngợi sự hợp tác quân sự giữa Nga và Mỹ tại Syria khi có câu nói đầy hàm ý: "Quân đội của chúng ta có sự hợp tác còn tốt hơn cả sự hợp tác giữa các nhà lãnh đạo chính trị đôi bên trong nhiều năm qua".
Tuyên bố này được coi là đáng chú ý kể từ khi Tổng thống Trump xây dựng chương trình nghị sự với điểm nhấn là tăng cường hợp tác Nga-Mỹ. Và về cơ bản đó cũng là một phần trong chiến lược của Tổng thống Putin nhằm vượt qua sự miễn cưỡng của giới chính trị bảo thủ nước Mỹ trong việc tái hợp tác với Nga.
Tổng thống Nga hiểu rằng việc liên lạc thường xuyên với các nhà ngoại giao Mỹ không phải giải pháp tạo ra những kết quả mong muốn cho chiến dịch Syria của ông.
Đây là lý do tại sao ông lựa chọn đường kênh kết nối “khẩn cấp” thay vì dùng các kênh ngoại giao truyền thống. Vì vậy, ngoài các đường dây liên lạc trực tiếp giữa các chỉ huy quân đội Nga và Mỹ tại Syria, ông cũng nhấn mạnh vào việc tổ chức các cuộc họp thường xuyên với người đồng cấp Trump.
Trên thực tế, trong cuộc họp báo, Tổng thống Trump đã làm chính xác những gì Nga muốn ông làm, trong đó ông trình bày việc tiếp quản Deraa của quân Chính phủ Syria là điều nằm trong khuôn khổ lợi ích an ninh của Israel.
"Tổng thống Putin đang giúp Israel. Và cả hai chúng tôi đã nói chuyện với Thủ tướng Netanyahu về những điều cần thiết phải làm để bảo vệ Israel", ông nói.
Mối quan tâm về mặt an ninh của Israel đã được đưa vào chiến lược của Nga ở mặt trận tây nam, đó là lý do tại sao vai trò của Iran trong cuộc tấn công lần này đã phần nào giảm bớt .
Một điều khác đáng chú ý nữa là việc Tổng thống Trump chỉ đề cập đến Iran đúng một lần trong cuộc họp báo, với tuyên bố nước này sẽ không được phép “gặt hái lợi ích” đằng sau cuộc chiến chống khủng bố IS.
Theo tờ Al Jazeera, điều này chính là một thành tựu quan trọng đối với Tổng thống Putin kể từ khi vấn đề Iran được cho là chủ đề chính trong các cuộc thảo luận giữa hai lãnh đạo Nga-Mỹ.
Sự đồng ý ngầm của Tổng thống Trump về chiến dịch ở Daraa sẽ là bước khởi đầu cho những thỏa thuận khác ở Syria.
Nhưng đối với Nga, vai trò của Iran tại Syria không phải là vấn đề thảo luận với Mỹ, mà là một cái gì đó cần được giải quyết trực tiếp với Israel. Những diễn biến vài tháng gần đây đã chỉ ra rằng sự hợp tác Nga-Israel (mặc dù còn hạn chế), đã cho phép Tel Aviv có được sự đảm bảo rằng “lằn ranh đỏ” sẽ không bị vượt qua và Moscow duy trì lợi ích của nước này ở Syria.
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Putin đề cập đến thỏa thuận năm 1974 giữa Israel và Syria trong cuộc họp báo vừa qua, khi kêu gọi hai bên nên giữ lại cam kết với hiệp ước này. Đây có thể là con đường phía trước để tái thiết lập sự tồn tại đồng thời giữa Damascus và Tel Aviv cũng như hạn chế vai trò của Iran ở miền Nam.
Thỏa thuận ngừng bắn ở phía tây nam Syria được Mỹ, Nga, Jordan đồng thuận vào tháng 7/2017 và được giám sát chặt chẽ bởi quân đội của ba quốc gia trên thực tế đã tan rã, nhưng điều đó dường như không ảnh hưởng gì đến lập trường của ông Trump ở Helsinki.
Ông không phản ứng lại với tuyên bố của Tổng thống Putin về chiến dịch tiêu diệt kẻ khủng bố ở phía tây nam, đồng thời bỏ qua thực tế rằng lực lượng phiến quân do Mỹ hậu thuẫn vẫn có mặt tại đây.
Sự im lặng của ông Trump đối với tất cả những vấn đề trên là một dấu hiệu đáng khích lệ đối với ông Putin.
Sau khi Nga giải quyết xong mặt trận Tây Nam và giúp chính quyền Assad lấy lại toàn quyền kiểm soát lãnh thổ, nước này sẽ nhắm đến những vùng đất có giá trị hơn ở phía Đông.
Hiện giới quan sát vẫn chưa có cái nhìn rõ ràng về viễn cảnh Nga và quân đội Syria sẽ tiến đến khu vực phía Đông sông Euphrates như thế nào, khi nơi đây Mỹ từng ném bom lính đánh thuê của Nga hồi tháng 2.
Nhưng với thỏa thuận ngầm của ông Trump đối với chiến dịch tái kiểm soát Deraa của Damascus, người ta có thể thấy một sự đảm bảo rằng sẽ có giải pháp thương lượng mới ở mặt trận phía Đông.
Tổng thống Putin vẫn nắm thế thượng phong
Trong tuyên bố tại Helsinki, Tổng thống Putin cũng đề nghị sáp nhập chương trình đàm phán hòa bình Astana với các cuộc đàm phán do Mỹ dẫn đầu. Nhóm Astana (Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ) đã sử dụng các khu vực giảm leo thang như một phương tiện để bắt đầu tiến hành các cuộc đối thoại chính trị phục vụ mục đích của chính mình.
Nhiều vết nứt đang bắt đầu xuất hiện trong liên minh này khi Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ ở phía Bắc, trong khi Nga ưu tiên mối quan hệ với Israel.
Thật khó để tưởng tượng Iran sẽ làm việc trực tiếp với Mỹ và Saudi Arabia như thế nào trong bối cảnh hai tiến trình đàm phán kết hợp lại với nhau.
Tuy nhiên, việc tạo ra sự liên kết như vậy có thể là cách duy nhất để cứu vãn các cuộc đàm phán về tương lai Syria, trong khi Nga vẫn duy trì vai trò chủ chốt của mình.
Tờ Al Jazeera nhận định, những tuyên bố và suy nghĩ của ông Trump trong thượng đỉnh Helsinki rõ ràng chỉ ra rằng Tổng thống Putin vẫn là người chi phối tất cả trong cuộc xung đột Syria và Mỹ sẽ không thách thức điều đó trong hiện tại.
Máy bay chiến đấu Mỹ bị nghi rơi ở Syria
Nguồn tin địa phương cho rằng một máy bay chiến đấu của liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu đã rơi xuống khu vực ... |
Quốc hội Đức: Mỹ phải rút quân khỏi Syria
Một Ủy ban Quốc hội Đức cho rằng, Mỹ nên rút quân về nước, chỉ có Nga mới được phép hiện diện quân sự, với ... |
Israel: Syria đánh Quneitra, chống lại ý định Nga
Syria đã triển khai chiến dịch chống quân nổi dậy tại Quneitra, ngay trước thềm cuộc họp giữa hai nguyên thủ Nga và Israel. |
Ngày đăng: 18:11 | 18/07/2018
/ http://www.nguoiduatin.vn